Powered by Techcity

Báo cáo (tóm tắt) của UBND tỉnh trình tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026


Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh đã trình bày báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; Quyết toán ngân sách địa phương năm 2023; Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025. Báo Hoà Bình đăng toàn văn báo cáo tóm tắt.


Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh trình bày báo cáo tóm tắt.

Kính thưa: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy;

Kính thưa: Chủ tọa Kỳ họp;

Kính thưa: Các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh;

Thưa toàn thể các vị đại biểu, thưa cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.

Thay mặt Ủy ban nhân dân tỉnh, tôi xin trình bày tóm tắt các báo cáo, tờ trình dự thảo Nghị quyết gồm: Tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024; Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025; Quyết toán ngân sách địa phương năm 2023; Tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2024 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, cụ thể như sau:

Nội dung 1:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI NĂM 2024; KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NĂM 2025

A. Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024

Năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức hơn, cùng với đó là tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu.. đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế nước ta nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; cùng với đó, đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Qua đó, kết quả kinh tế xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả nhất định; Dự kiến năm 2024 có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định. Kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như sau:

I. Thực hiện 4 đột phá chiến lược của tỉnh

1. Công tác quy hoạch: Hoàn thiện dự thảo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Thực hiện rà soát, hoàn thiện chỉ tiêu phân bổ đất trong Quy hoạch tỉnh theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu trên địa bàn tỉnh.

2. Tiếp tục chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt và toàn diện công tác cải cách hành chính: Phát huy hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện đảm bảo ổn định, hiệu quả. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết được thực hiện nhanh hơn.

3. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động: Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách, kế hoạch về đào tạo nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp. Năm 2024 kết quả tuyển sinh đào tạo ước đạt 16.000 chỉ tiêu. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được chú trọng. Toàn tỉnh tổ chức mở được 113 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức với 9.143 lượt học viên.

4. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội: Tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,…  

II.  Lĩnh vực kinh tế

1. Tăng trưởng kinh tế: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước tăng 9,74%; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,27%; công nghiệp – xây dựng tăng 15,13%; dịch vụ tăng 6,96%; thuế sản phẩm tăng 5,67%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: Tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 20,18%; công nghiệp – xây dựng 44,67%; dịch vụ 30,39%; thuế sản phẩm 4,76%.

2. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới

Diện tích gieo trồng cây hằng năm ước đạt 116,5 nghìn ha, đạt 100% so với kế hoạch. Trong đó, diện tích cây lương thực có hạt ước đạt 69 nghìn ha; sản lượng cây ăn quả có múi niên vụ 2024 – 2025 dự kiến tiếp tục duy trì trên 200 nghìn tấn. Xây dựng và thực hiện một số mô hình liên kết sản xuất, chuỗi giá trị trong sản xuất trồng trọt có giá trị kinh tế cao. Tình hình chăn nuôi chuyển dịch tích cực theo hướng đảm bảo an toàn dịch bệnh; đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh.. Công tác quản lý diện tích rừng, đất rừng tiếp tục được quan tâm, duy trì độ che phủ của rừng đạt 51,61%. 

Đến nay, đã trồng được 8,34 nghìn ha rừng tập trung và 947 nghìn cây phân tán, khai thác gần 10 nghìn ha rừng trồng tập trung, với khối lượng trên 804 nghìn m3 gỗ; khai thác cây phân tán được trên 12 nghìn m3 gỗ. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nuôi cá lồng trên các thủy vực lớn, nuôi thủy đặc sản trên diện tích ao hồ. Hiện có 2,7 nghìn ha diện tích mặt nước với 5.100 lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch cả năm ước đạt 12,6 nghìn tấn. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có khoảng 86/129 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt khoảng 66,7%; bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 16,3 tiêu chí/xã; toàn tỉnh có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 75 Khu dân cư kiểu mẫu, 258 vườn mẫu, có 158 sản phẩm OCOP được công nhận.

3. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp

Năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 20% so với cùng kỳ. Sản lượng các nhóm ngành chế biến chế tạo và khai khoáng có mức tăng trưởng khá. Đặc biệt, ngành sản xuất và phân phối điện khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí có nhiều thuận lợi, ước tăng 10,8%; sản lượng điện sản xuất năm 2024 ước là 8,9 tỷ Kwh, tăng 14,51% so với cùng kỳ năm 2023.

4. Thương mại, dịch vụ và Du lịch

Thị trường hàng hóa có xu hướng phục hồi tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2024 ước đạt 74.347 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước; Kim ngạch xuất khẩu ước đạt  trên 2 tỷ USD, tăng 20,7 % so với cùng kỳ, đạt 100,03% kế hoạch năm; Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1.376,7 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100,05% kế hoạch năm.

Hoạt động du lịch có nhiều kết quả khả quan, ước hết năm 2024 toàn tỉnh đón trên 4,3 triệu lượt khách, so với cùng kỳ năm 2023 tăng 9,9%; đạt 103,5% kế hoạch năm. Trong đó: Khách quốc tế 510 nghìn lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 13,3%; đạt 102% kế hoạch năm; khách nội địa trên 3,8 triệu lượt, so với cùng kỳ năm trước tăng 9,5 %; đạt 103,7% kế hoạch năm. Tổng thu từ khách du lịch: 4.738 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước tăng 17,9 %; đạt 103% kế hoạch năm.

5. Thu, chi ngân sách và tín dụng

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.310 tỷ đồng, bằng 180,8% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 126,9% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện đạt 26.633,6 tỷ đồng, bằng 184% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 165% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách trọng tâm của Đảng, Nhà nước và của ngành. Ước thực hiện đến 31/10/2024, tổng nguồn vốn của các TCTD trên địa bàn tăng 6%, dư nợ trên toàn địa bàn tăng 4% so với cuối năm 2023. Mục tiêu cuối năm tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%/ tổng dư nợ.

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao là 3.430,7 tỷ đồng. Số vốn đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua là 3.763,9 tỷ đồng và đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao. Đến ngày 31/10/2024, số kế hoạch vốn đã giải ngân là 1.841,5 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ và đạt 49% so với kế hoạch vốn Ủy ban nhân dân tỉnh giao chi tiết đến từng dự án.

6. Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư

Các hoạt động phát triển doanh nghiệp, kinh tế tập thể, xúc tiến đầu tư tiếp tục được quan tâm. Thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Ước đến hết năm 2024, tỉnh Hòa Bình có 729 dự án đầu tư còn hiệu lực hoạt động với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 270.000 tỷ đồng; trong đó có 40 dự án đầu tư vốn trực tiếp nước ngoài và 689 dự án đầu tư trong nước; có 410 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng, 150 doanh nghiệp quay trở lại thị trường và 50 doanh nghiệp giải thể tự nguyện.

7. Tăng cường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Ước năm 2024, tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xử lý triệt để đạt 100%; Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 96,5%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 89%.

III. Lĩnh vực văn hóa – xã hội

1. Phát triển giáo dục đào tạo

Các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện đúng chương trình dạy và học theo kế hoạch năm học 2023-2024. Triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có 99,5% thí sinh đỗ tốt nghiệp, tăng 0,19% so với năm 2023; Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia năm 2024 ước đạt 61%. Tích cực chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng xã hội học tập, công tác phổ cập giáo dục. Tiếp tục hoàn thiện việc biên soạn tài liệu giáo dục địa phương lớp 9 đối với giáo viên và lớp 12 đối với giáo viên và học sinh.

2. Giải quyết việc làm; thực hiện tốt công tác giảm nghèo và đảm bảo công bằng xã hội

Công tác lao động và việc làm tiếp tục được quan tâm. Ước năm 2024 có 19.157 lao động được giải quyết việc làm, đạt 119,7% kế hoạch năm, trong đó có 1.000 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 166,7% kế hoạch năm. Đến nay, số người được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp là 5.157 người, số tiền chi trả trợ cấp là 80.828 triệu đồng.

Thực hiện tốt công tác hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn. Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo ước giảm 2,3%, từ 9,2% năm 2023 xuống còn 6,9% vào năm 2024. Tích cực huy động các nguồn vốn xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó: Đề án “Xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2024-2025” cho 3.194 hộ. Công tác cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giải quyết các chế độ chính sách cho người tham gia kịp thời.

3. Văn hóa, thể dục, thể thao

Chỉ đạo tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng năm 2024 trên địa bàn tỉnh; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Hoàn thành bộ hồ sơ Di sản văn hóa Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; hoàn thành hồ sơ khoa học trình Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với 02 di tích khảo cổ: Hang xóm Trại và Mái đá làng Vành, huyện Lạc Sơn; Tổ chức thành công Tuần Văn hóa – du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024.

 Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; tổ chức thành công nhiều giải thi đấu thể dục thể thao như: Giải vô địch xe đạp địa hình và đường trường toàn quốc 2024; đăng cai tổ chức Giải Vô địch Xe đạp phong trào toàn quốc năm 2024; phối hợp tổ chức Cuộc đua Xe đạp toàn quốc tranh Cúp Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 36, năm 2024.. Thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp được quan tâm, phát triển. Tổ chức các trận thi đấu sân nhà của Câu lạc bộ Bóng đá Hòa Bình tại giải Bóng đá hạng Nhất Quốc gia năm 2024 đảm bảo tuyệt đối an toàn, hoàn thành chỉ tiêu đề ra.

4. Tăng cường chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh

Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được duy trì và thực hiện tốt. Các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, chuyên sâu thường xuyên được cập nhật; máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho chẩn đoán và điều trị được quan tâm mua sắm bổ sung. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khám chữa bệnh. Công tác phòng, chống dịch bệnh được triển khai tích cực. Tính đến ngày 16/10/2024, toàn tỉnh không ghi nhận bất kỳ trường hợp nghi ngờ, mắc nào với các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm; Công tác đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng.

5. Hoạt động bưu chính, chuyển phát, viễn thông, internet tăng trưởng khá. Hoạt động chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước được chú trọng. Các cơ quan báo chí hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích và định hướng tuyên truyền, bám sát định hướng, nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Công tác quản lý công nghệ đã tập trung nghiên cứu, cho ý kiến về công nghệ, hỗ trợ các doanh nghiệp lựa chọn thiết bị công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hoạt động sáng kiến, sáng tạo tiếp tục được phát huy.

IV. Xây dựng chính quyền; thanh tra, phòng chống tham nhũng và hoạt động tư pháp

Tiếp tục thực hiện đổi mới, xây dựng bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý biên chế, tinh giản biến chế. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận thuyên chuyển, điều động công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Triển khai các hoạt động thanh tra có trọng tâm, kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm trên nhiều lĩnh vực mà dư luận xã hội quan tâm; đến nay đã triển khai 79 cuộc thanh tra hành chính; 110 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm về kinh tế với số tiền là 49,7 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; trong 10 tháng đầu năm đã tổ chức tiếp 3.265 lượt với 4.137 người đến Trụ sở tiếp dân để khiếu nại, tố cáo, đề nghị, phản ánh. 

V. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế

Các lực lượng chức năng chủ động dự báo, nhận định, đánh giá đúng tình hình, duy trì nghiêm chế độ trực, sẵn sàng xử trí các tình huống, không để bị động bất ngờ; trong năm đã tổ chức thành công cuộc Diễn tập KVPT tỉnh và một số Sở, ngành, huyện, thành phố; triển khai tổ chức các hoạt động kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân. Lực lượng Công an thực hiện tốt công tác nắm tình hình an ninh trên các lĩnh vực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đặc biệt là các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, khách quốc tế đến làm việc tại tỉnh. Phát huy hiệu quả lực lượng tham gia bảo vệ ANTT tại cơ sở. Thực hiện tốt các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Tăng cường kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông. Về tình hình tội phạm, đã phát hiện và xảy ra 687 vụ phạm pháp hình sự, đã điều tra khám phá 652/687 vụ, đạt tỷ lệ 95%. Trong kỳ báo cáo đã xảy ra 202 vụ tai nạn giao thông (tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2023). 

Công tác quản lý và thực hiện các hoạt động đối ngoại, kế hoạch đoàn ra, đoàn vào của tỉnh bảo đảm chặt chẽ, thống nhất theo quy định của pháp luật. Công tác quản lý hoạt động, vận động và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) thực hiện có hiệu quả. Năm 2024, Tỉnh đã phê duyệt tiếp nhận 12 chương trình/dự án mới với tổng giá trị cam kết khoảng 2,2 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 37 chương trình/dự án với tổng giá trị cam kết viện trợ là 10,7 triệu USD từ 16 tổ chức phi chính phủ, cơ quan hợp tác phát triển, nhà tài trợ. 

VI. Hạn chế, yếu kém

Cùng với những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng đã chỉ ra các hạn chế, yếu kém như: Tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện muộn so với quy định; Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập; việc xử lý các vướng mắc liên quan đến đất nông lâm trường chưa đảm bảo. Công tác quản lý mỏ khai thác khoáng sản còn hạn chế; công tác quản lý việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, việc xả thải và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở, các mỏ khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập, khó khăn. 

Chất lượng quy hoạch còn hạn chế; Công tác lập quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các quy hoạch chuyên ngành khác chưa được đồng bộ. Hạ tầng kỹ thuật của một số bệnh viện, trung tâm y tế chưa được đầu tư đúng mức. Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm phát triển. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, còn tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT tại một số doanh nghiệp. Triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đồng bộ và hiệu quả. Sản phẩm du lịch của tỉnh chưa phong phú, đa dạng, chưa có sức hút mạnh mẽ với du khách. Tình hình tội phạm, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. 

B. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI NĂM 2025

I. Mục tiêu tổng quát

Huy động mọi nguồn lực, phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển KTXH. Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ và du lịch chất lượng cao, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa an toàn và bền vững. 

II. Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2025: 

– 07 chỉ tiêu về kinh tế, bao gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9%; GRDP bình quân đầu người đạt 88 triệu đồng; Tổng đầu tư toàn xã hội đạt 27.182 tỷ đồng; Tổng thu ngân sách nhà nước đạt 7.080 tỷ đồng; Giá trị xuất khẩu đạt 2.361 triệu USD; giá trị nhập khẩu đạt 1.542 triệu USD; Tỷ lệ đô thị hoá đạt 38%; Năng suất lao động đạt 158,5 triệu đồng/lao động.

– 07 chỉ tiêu về xã hội, bao gồm: Mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều là 1,28%; Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội còn 48%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,5% (trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26%); Tỷ lệ số trường đạt chuẩn quốc gia 61%; Số giường bệnh/1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã): 30 giường; Số bác sĩ/1 vạn dân: 10 bác sĩ; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,3%; Có thêm 6 xã về đích nông thôn mới, nâng tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 71,31%.

– 05 chỉ tiêu về môi trường, bao gồm: Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 96%; dân số thành thị được sử dụng nước sạch 97%; Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%; Tỷ lệ các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để trong năm 2025 là 100%; Tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%; Đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 51,5%.

III. Định hướng, nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2025, bao gồm 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

– Thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh, gồm: (1) Tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo kế hoạch đã được phê duyệt. Lập mới và điều chỉnh các đồ án quy hoạch xây dựng. Nâng cao chất lương công tác lập, quản lý quy hoạch theo Luật quy hoạch. (2) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; (3) Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động; (4) Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm như: cao tốc Hòa Bình – Mộc Châu; đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến xã Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6, cải tạo nâng cấp đường tỉnh 436 đoạn Km0 – Km7, đường Quang Tiến – Thịnh Minh, thành phố Hòa Bình, Đường kết nối thị trấn Lương Sơn – Xuân Mai (Hà Nội), Đường liên kết vùng Hòa Bình – Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình – Mộc Châu); Đẩy nhanh các dự án xây dựng hạ tầng du lịch Hồ Hòa Bình, hạ tầng khu công nghiệp Nhuận Trạch, Yên Quang, các cụm công nghiệp.

– Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các Đề án của Ban thường vụ tỉnh ủy như: Đề án cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phấn đấu đến năm 2025 kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; Đề án phát triển bền vững rừng sản xuất tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng 2030; Đề án về phát triển công nghiệp – Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025; Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Đề án “Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030”; Đề án về phát triển dịch vụ, trọng tâm là phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025… 

– Quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công đặc biệt là nguồn vốn thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH, vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

– Thực hiện tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách; đặc biệt tăng cường các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh nguồn thu từ sử dụng đất đảm bảo kế hoạch giao.

– Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư. Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Nhất là các dự án trọng điểm, tập trung hỗ trợ để các dự án sớm đi vào sản xuất, kinh doanh…

– Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; bảo đảm quốc phòng, anh ninh, trật tự an toàn xã hội và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Nội dung 2:

QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2023

1. Thu ngân sách nhà nước 

Dự toán thu NSNN năm 2023 được Thủ tướng Chính phủ giao là 5.305 tỷ đồng; trong đó, thu từ các khoản thuế, phí là 2.920 tỷ đồng, thu tiền sử dụng đất 2.000 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 385 tỷ đồng. UBND tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh quyết định dự toán thu NSNN năm 2023 là 7.285 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện đến hết ngày 31/12/2023, thu NSNN trên địa bàn đạt 5.051,1 tỷ đồng, bằng 95% so với dự toán TTCP giao, bằng 69% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 96% so với thực hiện năm 2022.

2. Thu ngân sách địa phương

Thu NSĐP thực hiện đạt 23.965,7 tỷ đồng, bằng 120% dự toán TTCP giao và bằng 109% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 146% so với thực hiện năm 2022).

3. Chi ngân sách địa phương

Chi NSĐP năm 2023 thực hiện 23.733 tỷ đồng, bằng 119% dự toán TTCP giao và tăng 8% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 146% so với thực hiện năm 2022

4. Những thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách năm 2023

4.1. Đối với nhiệm vụ thu NSĐP

– Thuận lợi

Ngay từ đầu năm, công tác thu NSNN đã được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố; sự nỗ lực vượt qua khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. 

– Khó khăn

+ Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường với các yếu tố rủi ro về cả kinh tế, chính trị, xã hội và ngày càng gia tăng, tác động lớn trên quy mô toàn cầu, gián tiếp ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

+ Là tỉnh miền núi kinh tế chưa phát triển, quy mô nhỏ, chưa có nhiều doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách lớn, các doanh nghiệp trên địa bàn chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế, khả năng phục hồi chậm sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19,… dẫn đến nguồn thu ngân sách hạn chế, nguồn chi chủ yếu từ nguồn trợ cấp của NSTW, do đó khó chủ động giải quyết công việc phát sinh, hạn chế nguồn vốn đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển kinh tế.

+ Thị trường bất động sản trầm lắng, các dự án còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục đất đai nên chưa thực hiện đấu giá thành công, một số chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất vào NSNN, do đó tiền sử dụng đất năm 2023 không đạt dự toán HĐND tỉnh giao.

4.2 Đối với thực hiện nhiệm vụ chi NSĐP

– Thuận lợi

+ Chi ngân sách trên địa bàn tỉnh được điều hành chủ động, linh hoạt, bảo đảm cân đối thu, chi. Các cấp, các ngành chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; kiểm soát chặt chẽ giá cả thị trường; tăng cường quản lý tài sản công.

+ Việc phân bổ và giao dự toán kịp thời, bảo đảm thời gian tạo sự chủ động cho các cấp ngân sách và các đơn vị dự toán trong việc điều hành nhiệm vụ chi. 

+ Năm 2023 là năm thứ hai của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2022 – 2025, các định mức chi tiêu cao hơn so với giai đoạn trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao. 

– Khó khăn

+ Ngay từ khâu giao dự toán yêu cầu phải triệt để tiết kiệm, hạn chế mua sắm tài sản, thiết bị văn phòng, tiết kiệm và tiết giảm tối đa chi phí điện, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, khánh tiết, hội nghị, công tác phí; đồng thời, phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện cải cách tiền lương; tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2022.

 + Do nguồn thu sử dụng đất đạt thấp, bằng 43% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, nên ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư của các công trình, dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất.

5. Tình hình thực hiện thu, chi của từng cấp ngân sách

5.1. Ngân sách cấp xã 

                                                        

– Tổng thu ngân sách cấp xã: 1.748 tỷ đồng.

– Tổng chi ngân sách cấp xã: 1.729 tỷ đồng.

– Kết dư ngân sách cấp xã:         19 tỷ đồng.

5.2. Ngân sách cấp huyện              

                                    

– Tổng thu ngân sách cấp huyện: 8.379,2 tỷ đồng.

– Tổng chi ngân sách cấp huyện: 8.347,2 tỷ đồng.

– Kết dư ngân sách cấp huyện:         32 tỷ đồng.

5.3. Ngân sách cấp tỉnh  

                                                   

– Tổng thu ngân sách cấp tỉnh:     13.838,4 tỷ đồng.

– Tổng chi ngân sách cấp tỉnh:     13.656,6 tỷ đồng.

– Kết dư ngân sách cấp tỉnh:              181,9 tỷ đồng.

(Có các biểu chi tiết kèm theo).

Nội dung 3:

TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ THU, CHI 

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024 VÀ DỰ TOÁN 

NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

 A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2024

I. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024

1. Về triển khai phân bổ, giao dự toán thu NSNN năm 2024

Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh giao thu NSNN năm 2024 là 5.760 tỷ đồng, tăng 1.718,6 tỷ đồng , bằng 142,5% so với dự toán TTCP giao, tăng 708,8 tỷ đồng, bằng 114% so với thực hiện năm 2023.

2. Kết quả thực hiện thu NSNN

2.1. Thực hiện 10 tháng đầu năm

Tính đến hết tháng 10/2024, thu NSNN trên địa bàn thực hiện đạt 6.457,8 tỷ đồng, bằng 160% so với dự toán TTCP giao và bằng 112% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, 

2.2. Ước thực hiện cả năm 2024

Căn cứ kết quả thực hiện 10 tháng đầu năm, căn cứ vào tiến độ thực hiện các dự án thu tiền sử dụng đất, với tinh thần phấn đấu thu NSNN đạt mức cao nhất trong điều kiện còn nhiều khó khăn, dự kiến tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 7.310 tỷ đồng, bằng 181% so với dự toán TTCP giao, bằng 127% so với Nghị quyết HĐND tỉnh; cao hơn 45% so với thực hiện năm 2023, tương đương số tuyệt đối tăng 2.258,9 tỷ đồng

3. Thu ngân sách địa phương

3.1. Thực hiện 10 tháng đầu năm

Thu ngân sách địa phương (NSĐP) 10 tháng đầu năm thực hiện 24.180,4 tỷ đồng, bằng 168% so với dự toán TTCP giao, tăng 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh

3.2. Ước thực hiện cả năm 2024

Với dự kiến thực hiện thu NSNN đạt 7.310 tỷ đồng, thì ước thu NSĐP cả năm đạt 26.828,5 tỷ đồng, bằng 186% so với dự toán TTCP giao và tăng 66% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, bằng 113% so với thực hiện cùng kỳ

II. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách địa phương năm 2024

1. Về công tác phân bổ, giao dự toán chi NSĐP năm 2024

Căn cứ vào chế độ, chính sách, căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách năm 2023, trên cơ sở nhu cầu kinh phí thực hiện các chế độ, chính sách được trung ương và địa phương ban hành, căn cứ vào mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng, căn cứ vào số giao chi NSĐP của TTCP, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh giao dự toán chi NSĐP năm 2024 là 16.125,4 tỷ đồng, tăng 12% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.718,6 tỷ đồng.

2. Tình hình thực hiện nhiệm vụ chi NSĐP

2.1. Thực hiện 10 tháng đầu năm

Chi NSĐP thực hiện hết tháng 10/2024 đạt 11.562 tỷ đồng, bằng 80% so với dự toán TTCP giao và 72% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. 

2.2. Ước tình hình thực hiện cả năm 2024

Căn cứ vào kết quả thực hiện 10 tháng đầu năm, trên cơ sở ước thực hiện thu NSĐP cả năm 2024, dự kiến tổng chi NSĐP ước đạt 26.633,6 tỷ đồng, bằng 184% so với dự toán TTCP giao và bằng 165% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước

3. Tình hình sử dụng nguồn dự phòng ngân sách

Nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh được giao đầu năm là 111,5 tỷ đồng, trong những tháng đầu năm được quản lý chặt chẽ, số đã sử dụng tính đến hết ngày 31/10/2024 là 77,7 tỷ đồng, bằng 70% dự toán giao.

4. Tình hình thực hiện vay và trả nợ các khoản vay của NSĐP

Dự kiến đến hết năm 2024, số liệu vay nợ của địa phương như sau:

– Số dư nợ đầu kỳ 01/01/2024: 269,1 tỷ đồng.

– Số kế hoạch huy động vay trong năm 2024: 17,2 tỷ đồng. 

– Số kế hoạch trả nợ trong năm 2024: 22 tỷ đồng.

– Số huy động vay đến ngày 31/10/2024: 16,9 tỷ đồng 

– Số trả nợ gốc đến 31/10/2024: 25 tỷ đồng

– Số dư nợ đến 31/10/2024: 265,1 tỷ đồng. 

– Số dư nợ theo kế hoạch đến 31/12/2024: 268,2 tỷ đồng.  

Kế hoạch trả nợ là 22 tỷ đồng, đến thời điểm báo cáo đã trả nợ là 16,9 tỷ đồng, số kinh phí chưa trả nợ là 5,1 tỷ đồng, do các dự án có thời hạn trả nợ trong tháng 11, 12 năm 2024. So với mức dư nợ vay tối đa theo quy định của Luật NSNN, tình hình nợ công của địa phương năm 2024 trong ngưỡng đảm bảo. 

Kế hoạch trả lãi phí vay cả năm là 5,8 tỷ đồng, số đã trả đến 31/10/2024 là 3,8 tỷ đồng, còn lại sẽ trả trong những tháng cuối năm 2024.

 B. XÂY DỰNG DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2025

I. Xây dựng dự toán thu NSNN năm 2025

Dự kiến dự toán thu NSNN năm 2025 được TTCP giao là 5.580 tỷ đồng, bằng 138% so với dự toán TTCP giao năm 2024, tương đương số tuyệt đối tăng 1.538,6 tỷ đồng.

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023, đánh giá ước thực hiện năm 2024, căn cứ vào các chế độ, chính sách thu trong năm 2025, dự báo tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian tới, có tính đến các dự án quan trọng đang triển khai trên địa bàn, dự kiến dự toán thu NSNN năm 2025 là 7.080 tỷ đồng, tăng 27% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.500 tỷ đồng; bằng 123% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024; giảm 3% so với ước thực hiện năm 2024, tương đương với số tuyệt đối giảm 230 tỷ đồng.

II. Xây dựng dự toán thu NSĐP năm 2025

1. Dự toán thu NSĐP năm 2025 được TTCP giao là 22.237,3 tỷ đồng

UBND tỉnh xây dựng dự toán thu NSĐP là 23.817,3 tỷ đồng, tăng 7% so với dự toán TTCP giao, tương đương với số tuyệt đối tăng 1.580 tỷ đồng; bằng 148% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024, tương đương với số tuyệt đối tăng 7.691,9 tỷ đồng.

2. Xây dựng dự toán chi NSĐP năm 2025

Dự toán chi NSĐP năm 2025 TTCP giao là 22.237,3 tỷ đồng, bằng 154% so với dự toán TTCP giao năm 2024, nguyên nhân tăng cao so với năm 2024 là do tăng chi đầu tư từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tăng đầu tư các dự án giao thông liên vùng, tăng lương cơ sở,…, 

6. Phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh

3.1. Chi thuộc nhiệm vụ của ngân sách cấp tỉnh

Tổng số 13.907,9 tỷ đồng, bằng 178% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024, tương đương số tuyệt đối tăng 6.099,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 58% tổng chi của NSĐP, trong đó:

– Chi cân đối ngân sách cấp tỉnh 7.200,3 tỷ đồng, bằng 138% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024, tương đương số tuyệt đối tăng 1.983,7 tỷ đồng. 

– Chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu 6.707,6 tỷ đồng, bằng 259% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024, tương đương số tuyệt đối tăng  4.116,1 tỷ đồng.

3.2. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới

Tổng chi ngân sách huyện là 9.909,4 tỷ đồng, bằng 119% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao năm 2024, tương đương số tuyệt đối tăng 1.592,1 tỷ đồng, số thu điều tiết ngân sách huyện được hưởng theo phân cấp là 1.935,8 tỷ đồng, thu chuyển nguồn cải cách tiền lương còn dư năm trước chuyển sang dành để thực hiện cải cách tiền lương 128,4 tỷ đồng, số còn lại nhận trợ cấp từ ngân sách cấp tỉnh là 7.845,2 tỷ đồng. 

Xin trân trọng cảm ơn ./.






Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196144/Bao-cao-tom-tat-cua-UBND-tinh-trinh-tai-Ky-hop-thuong-le-cuoi-nam-2024,-HDND-tinh-khoa-XVII,-nhiem-ky-2021-2026.htm

Cùng chủ đề

Giá trị trường tồn của ‘Beauty and the beast’

Nguyên mẫu tác phẩm Beauty and the beast được ghi nhận ra mắt đầu tiên vào năm 1740 bởi tiểu thuyết gia người Pháp Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve. Câu chuyện sau đó đã được chỉnh sửa qua nhiều thế kỷ, kết hợp với các mô típ khác để trở nên thân quen trong thời gian qua. Chỉ sau 3 thập kỷ ra mắt, tác phẩm đã được lan truyền rộng rãi ra khắp châu Âu cũng như hiện diện dưới...

Cố vấn ông Trump nêu 3 kế hoạch giải quyết xung đột ở Ukraine

Dù có một số khác biệt, nhưng tất cả đề xuất đều hướng đến việc Kiev nhượng lãnh thổ cho Moskva và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Cựu quan chức an ninh quốc gia của ông Donald Trump, người tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra tại Mỹ nói với Reuters rằng một trong những kế hoạch này đến từ đặc phái viên về Nga – Ukraine của Tổng thống đắc cử, Trung...

Kyiv bác tin giữ Kursk để ‘chờ ông Trump nhậm chức’

Nhiều vụ nổ lớn gần sân bay Nga, Moscow tuyên bố Ukraine tập kích UAV Giới chức Nga ngày 4.12 tuyên bố Ukraine đã dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công tỉnh Ryazan của Nga. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hạ 35 UAV trên nhiều khu vực, bao gồm Ryazan. Truyền thông tại Nga cho hay nhiều cư dân Ryazan đã nghe tiếng nổ gần sân bay Dyagilevo, ngoại ô thành phố Ryazan, theo The Kyiv Independent. Sân...

Cùng tác giả

Giá trị trường tồn của ‘Beauty and the beast’

Nguyên mẫu tác phẩm Beauty and the beast được ghi nhận ra mắt đầu tiên vào năm 1740 bởi tiểu thuyết gia người Pháp Gabrielle-Suzanne Barbot de Villeneuve. Câu chuyện sau đó đã được chỉnh sửa qua nhiều thế kỷ, kết hợp với các mô típ khác để trở nên thân quen trong thời gian qua. Chỉ sau 3 thập kỷ ra mắt, tác phẩm đã được lan truyền rộng rãi ra khắp châu Âu cũng như hiện diện dưới...

Cố vấn ông Trump nêu 3 kế hoạch giải quyết xung đột ở Ukraine

Dù có một số khác biệt, nhưng tất cả đề xuất đều hướng đến việc Kiev nhượng lãnh thổ cho Moskva và từ bỏ tham vọng gia nhập NATO. Cựu quan chức an ninh quốc gia của ông Donald Trump, người tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực đang diễn ra tại Mỹ nói với Reuters rằng một trong những kế hoạch này đến từ đặc phái viên về Nga – Ukraine của Tổng thống đắc cử, Trung...

Kyiv bác tin giữ Kursk để ‘chờ ông Trump nhậm chức’

Nhiều vụ nổ lớn gần sân bay Nga, Moscow tuyên bố Ukraine tập kích UAV Giới chức Nga ngày 4.12 tuyên bố Ukraine đã dùng máy bay không người lái (UAV) tấn công tỉnh Ryazan của Nga. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố hạ 35 UAV trên nhiều khu vực, bao gồm Ryazan. Truyền thông tại Nga cho hay nhiều cư dân Ryazan đã nghe tiếng nổ gần sân bay Dyagilevo, ngoại ô thành phố Ryazan, theo The Kyiv Independent. Sân...

Cùng chuyên mục

Giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu

Năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430.661 triệu đồng. Số vốn đã được HĐND tỉnh thông qua 3.763.925 triệu đồng, bao gồm vốn ngân sách địa phương 1.836.174 triệu đồng; vốn ngân sách Trung ương 1.927.751 triệu đồng. UBND tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án đạt 100% kế hoạch vốn HĐND tỉnh thông qua.Dự án đường nối từ...

Tin nổi bật

Tin mới nhất