NATO chuẩn bị ‘kịch bản thời chiến’, tính đến việc tấn công phòng ngừa vào Nga. (Nguồn: AP) |
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á – Thái Bình Dương
*Chuyên gia dự báo nguy cơ xung đột Trung-Mỹ ở Biển Đông: Cựu Đại tá quân đội Trung Quốc Chu Bá, hiện là thành viên cấp cao tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa, nhận định các xung đột quân sự liên quan đến Trung Quốc và Mỹ ở khu vực Biển Đông “có khả năng cao xảy ra” trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.
Chuyên gia Chu Bá đưa ra kết luận trên dựa trên động lực của các cuộc va chạm giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ trên không và trên biển. Ông trích dẫn một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo đó, từ mùa Thu năm 2021 đến mùa Thu năm 2023, “xảy ra hơn 180 vụ việc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chặn máy bay Mỹ đầy rủi ro, nhiều hơn cả một thập kỷ trước”. Theo chuyên gia này, trong tương lai sẽ còn nhiều vụ va chạm phức tạp như vậy. (Sputnik)
*Pakistan triển khai quân đội ứng phó với bạo lực: Kênh Geo TV ngày 26/11 đưa tin, Bộ Nội vụ Pakistan đã triển khai quân đội ở thủ đô Islamabad trong bối cảnh xung đột đang diễn ra giữa cảnh sát và những người biểu tình ủng hộ đảng đối lập Pakistan Tehreek-e-Insaf (PTI).
Trong thông báo, Bộ Nội vụ Pakistan đã viện dẫn Điều 245 của hiến pháp, cho phép quân đội hỗ trợ duy trì trật tự và xử lý những hành vi sai trái “bằng bàn tay sắt”. Thông báo cũng cho phép quân đội có thẩm quyền áp đặt lệnh giới nghiêm ở bất cứ nơi nào cần thiết để hạn chế tình trạng vô luật pháp.
Vụ đụng độ ban đầu đã khiến 4 cảnh sát thiệt mạng và 7 người khác bị thương. (Geo TV)
*Mỹ triển khai các đơn vị tên lửa tại Philippines: Mỹ đang lên kế hoạch triển khai các đơn vị tên lửa tiên tiến tới Nhật Bản và Philippines, một động thái mà các nhà phân tích đánh giá nhằm mục đích đối phó với Trung Quốc trong khu vực và tăng cường hợp tác quốc phòng với các đồng minh chủ chốt.
Hãng tin Kyodo của Nhật Bản dẫn các nguồn tin thạo tin về quan hệ Nhật-Mỹ ngày 25/11 cho biết Washington đang lên kế hoạch thiết lập các căn cứ tạm thời ở Nhật Bản và Philippines để triển khai tên lửa “trong trường hợp có tình huống liên quan đến Đài Loan”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối kế hoạch này. Trả lời họp báo ngày 25/11, bà Mao Ninh nhấn mạnh: “Trung Quốc kiên quyết phản đối việc các nước liên quan lấy vấn đề Đài Loan làm cái cớ để tăng cường triển khai quân sự trong khu vực”. (Kyodo)
*Uzbekistan, Tajikistan phê chuẩn hiệp ước đồng minh: Hạ viện Uzbekistan ngày 26/11 đã phê chuẩn hiệp ước về mối quan hệ đồng minh với Tajikistan, quốc gia láng giềng mà Tashken có mối quan hệ phức tạp do các vụ tranh chấp biên giới căng thẳng.
Trong một thông báo, Hạ viện Uzbekistan xác nhận “Oily Majlis (Quốc hội) đã thảo luận và thông qua dự thảo luật phê chuẩn Hiệp ước về mối quan hệ đồng minh giữa Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Tajikistan”. Theo cơ quan lập pháp Uzbekistan, hiệp ước được ký ngày 18/4 trong chuyến thăm của Tổng thống nước này – Shavkat Mirziyoyev – tới Dushenbe, gồm hơn 180 văn kiện. Hiệp ước bao gồm một thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược và một thỏa thuận về “tình hữu nghị vĩnh cửu”, cũng như tuyên bố về “tăng cường tình hữu nghị vĩnh cửu và liên minh”. (AFP)
*Triều Tiên cung cấp hàng trăm tên lửa đạn đạo cho Nga: Cơ quan Tình báo quốc phòng Ukraine cho biết Triều Tiên đã cung cấp hơn 100 tên lửa đạn đạo KN-23 và KN-24, đồng thời cử các chuyên gia quân sự đến Nga để hỗ trợ xung đột với Ukraine. Cáo buộc này là một dấu hiệu khác cho thấy sự hợp tác quân sự ngày càng sâu sắc giữa Triều Tiên và Nga, liên quan đến việc triển khai hơn 10.000 quân Triều Tiên đến Nga.
KN-23 và KN-24 là tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được gọi là các biến thể Hwasong-11.
Theo cơ quan tình báo Ukraine, các tên lửa này, đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường, được phát hiện có chứa các thành phần do các công ty nước ngoài sản xuất, bao gồm các công ty từ Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Thụy Sĩ và Mỹ. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga bổ nhiệm chỉ huy cấp cao mới của lực lượng chiến đấu tại Ukraine: Hãng tin RBC trích dẫn nguồn tin ẩn danh của Nga ngày 26/11 tiết lộ, Trung tướng Alexander Sanchik đã được bổ nhiệm làm quyền chỉ huy lực lượng “Phía Nam” của Nga.
Động thái trên diễn ra sau khi chỉ huy trước đó của lực lượng này, một trong những đơn vị quân đội lớn tham gia chiến dịch của Nga tại Ukraine, bị sa thải. (Reuters)
*Ukraine xác nhận Nga phóng số lượng kỷ lục UAV: Không quân Ukraine ngày 26/11 xác nhận Nga đã phóng số lượng kỷ lục thiết bị bay không người lái (UAV) vào Ukraine trong đêm, gây thiệt hại cho các tòa nhà và “cơ sở hạ tầng trọng yếu” tại nhiều khu vực.
Không quân Ukraine thông báo: “Trong cuộc tấn công đêm qua, đối phương đã phóng số lượng kỷ lục UAV tấn công Shahed và các UAV chưa xác định”, đề cập đến mẫu UAV do Iran thiết kế với tổng cộng 188 chiếc được sử dụng trong đợt oanh kích. Không quân Ukraine cho biết nước này đã bắn hạ 76 UAV của Nga tại 17 khu vực, trong khi 95 chiếc khác hoặc bị mất tín hiệu radar hoặc bị hạ bởi hệ thống phòng thủ gây nhiễu điện tử. (Reuters)
*Nga phản đối “đóng băng xung đột” ở Ukraine: Người đứng đầu cơ quan tình báo đối ngoại của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 26/11 tuyên bố nước này phản đối việc đơn thuần đóng băng xung đột ở Ukraine vì Moscow cần một “nền hòa bình vững chắc và lâu dài”, qua đó giải quyết các nguyên nhân cốt lõi của cuộc khủng hoảng.
Ông Sergei Naryshkin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), khẳng định Moscow đang nắm thế chủ động trên chiến trường. Ông Naryshkin cho biết Nga kiên quyết phản đối việc “đóng băng xung đột”, đồng thời nhấn mạnh Moscow mong muốn một nền hòa bình lâu dài. Theo Giám đốc SVR, Nga sẵn sàng đàm phán. (Reuters)
*Đức buộc tội 4 người liên quan đến kho vũ khí của Hamas ở châu Âu: Các công tố viên liên bang Đức ngày 25/11 thông báo đã buộc tội 4 nghi phạm là thành viên của Hamas, được cho là có nhiệm vụ tìm nguồn cung ứng và lưu trữ vũ khí cho phong trào Hồi giáo này ở châu Âu.
Trong một tuyên bố, văn phòng công tố liên bang cho biết 2 người sinh ở Lebanon, một người là công dân Ai Cập và một người Hà Lan bị tình nghi “là thành viên của một tổ chức khủng bố nước ngoài”.
Theo nguồn tin trên, kho vũ khí ở Bulgaria được xây dựng vào đầu năm 2019, chứa vũ khí, trong đó có cả súng trường Kalashnikov và đạn dược. Giữa năm 2019, Ibrahim El-R. đã “dọn sạch” một kho vũ khí khác ở Đan Mạch và các công tố viên cho biết đã mang một khẩu súng lục từ đó đến Đức. (AP)
*Nga trục xuất nhà ngoại giao Anh với cáo buộc làm gián điệp: Hãng tin Interfax dẫn thông tin từ Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) ngày 26/11 cho biết Nga đã trục xuất một nhà ngoại giao Anh với cáo buộc hoạt động gián điệp.
Hãng tin TASS dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Bộ đã triệu Đại sứ Anh tới liên quan đến việc trục xuất nhà ngoại giao trên.
Theo FSB, nhà ngoại giao Anh này tiếp quản nhiệm vụ của một trong 6 nhà ngoại giao bị trục xuất hồi tháng 8 năm nay, cũng với cáo buộc làm gián điệp. FSB cho biết nhà ngoại giao này đã giả mạo các thông tin cá nhân và tiến hành hoạt động gián điệp cũng như phá hoại. (TASS)
Trung Đông – châu Phi
*Iran kêu gọi đưa Israel và Mỹ ra xét xử: Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi kêu gọi thành lập một liên minh thế giới để trừng phạt chính quyền Israel, cũng như đưa những người bảo trợ của Tel Aviv ra trước công lý, đặc biệt là Mỹ, quốc gia cung cấp vũ khí và tiền bạc cho chế độ Israel.
Trên kênh Telegram chính thức của Bộ Ngoại giao Iran, ông Araghchi kêu gọi cộng đồng quốc tế không cho phép hành vi vi phạm pháp luật và hành vi gây hấn của Israel trở thành thông lệ. Ông lưu ý rằng lệnh bắt giữ của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đối với Netanyahu là “một bước cần thiết nhưng chậm trễ trên con đường tiến tới công lý và trừng phạt tội phạm Israel”.
ICC tuần trước đã ra lệnh bắt giữ ông Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Galant vì cáo buộc tội ác chiến tranh ở Dải Gaza. (Sputnik)
*Liên minh quốc tế kêu gọi Israel từ bỏ 90 đơn vị vũ khí hạt nhân: Liên minh Chiến dịch quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) ra thông cáo cho hay Israel có ít nhất 90 đơn vị vũ khí hạt nhân cho dù chính phủ nước này không thừa nhận và họ cần phải từ bỏ chúng.
ICAN lưu ý: “Israel là một trong 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân, với kho vũ khí ước tính khoảng 90 đầu đạn hạt nhân, có thể phóng bằng tên lửa và máy bay, cũng có thể bằng tên lửa phóng từ biển. Cho dù có sự công nhận rộng rãi từ phía các chuyên gia và cựu quan chức chính phủ về sự tồn tại của chúng, Chính phủ Israel và nhiều nước phương Tây vẫn duy trì chính sách úp mở liên quan đến vũ khí hạt nhân của Israe”.
ICAN kêu gọi Israel tham gia Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân (TPNW) được thông qua năm 2017 để giúp đưa Trung Đông trở thành khu vực không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. (Reuters)
*Mỹ phản đối đề xuất sáp nhập Bờ Tây của Israel: Mỹ ngày 25/11 bày tỏ quan ngại về tình trạng bạo lực ngày càng gia tăng của những người định cư bất hợp pháp Israel ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, đồng thời phản đối đề xuất của Israel về việc sáp nhập Bờ Tây hoặc xây dựng các khu định cư tại Dải Gaza.
Phát biểu tại phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ, Phó đại diện Mỹ tại LHQ Robert Wood nhấn mạnh: “Mỹ vẫn phản đối các đề xuất sáp nhập Bờ Tây hoặc xây dựng các khu định cư của Israel tại Gaza”.
Ông Robert Wood cũng cho biết Mỹ rất quan ngại về tình trạng bạo lực cực đoan ngày càng gia tăng của những người định cư Do Thái ở Bờ Tây, cho rằng chính phủ Israel phải ngăn chặn tình trạng bạo lực cực đoan của những người định cư và bảo vệ mọi cộng đồng khỏi bị tổn hại. (Al Jazeera)
*Israel tăng cường không kích vào miền trung Syria: Ngày 25/11, truyền thông nhà nước Syria đưa tin cho hay một đợt không kích của Israel đã đánh trúng cầu Daff, Joubanieh và Hawz, tại miền Trung của Syria, cũng như cửa khẩu Jusiyah trên biên giới Syria-Lebanon.
Tuy nhiên các nguồn tin trên chưa đưa ra được thông tin chi tiết về thương vong hoặc thiệt hại, chính quyền Syria cũng chưa chính thức lên tiếng về những thông tin này. Tương tự, phía Israel vẫn chưa bình luận về vụ tấn công bị cáo buộc.
Đây là khu vực căng thẳng do có vị trí chiến lược quan trọng, là nơi diễn ra hoạt động di chuyển giữa Syria và Lebanon của các thành viên Hezbollah.
Cuộc tấn công mới nhất diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, với việc Israel leo thang các cuộc tấn công vào những mục tiêu mà họ cho là của Hezbollah ở Lebanon. (AFP)
*Israel tiết lộ điều khoản thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah: Ngoại trưởng Israel Gideon Saar ngày 25/11 đã đề cập tới điều khoản của một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng với phong trào Hezbollah tại Lebanon theo đó phong trào này sẽ phải giải giáp và lùi xa khỏi biên giới với Israel.
Truyền hình Israel dẫn lời ông Saar phát biểu trước Quốc hội nước này nêu rõ: “Bài kiểm tra cho bất kỳ thỏa thuận nào sẽ là phải thực thi hai điểm chính, không phải bằng lời nói hay cách diễn đạt. Thứ nhất là ngăn chặn Hezbollah di chuyển về phía Nam vượt qua sông Litani, và thứ hai là ngăn chặn Hezbollah xây dựng lại lực lượng và tái vũ trang trên toàn bộ Lebanon”.
Trước đó báo chí đưa tin Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu cơ bản đã đồng ý về một thỏa thuận ngừng bắn với Hezbollah, mặc dù vẫn còn nhiều điểm bất đồng cần được thảo luận tiếp. (Al Jazeera)
Châu Mỹ – Mỹ Latinh
*Đảng Dân chủ lên kế hoạch bầu lãnh đạo mới: Đảng Dân chủ Mỹ ngày 25/11 thông báo sẽ bầu lãnh đạo đảng mới vào tháng 2/2025. Cuộc bầu chọn này được cho là điểm khởi đầu quan trọng sau thất bại của đảng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Hiện có 2 đảng viên Dân chủ đã tuyên bố tranh cử chức chủ tịch là ông Ken Martin, Phó Chủ tịch DNC và ông Martin O’Malley, cựu Thống đốc bang Maryland và hiện là ủy viên của Cơ quan An sinh Xã hội.
Những đảng viên Dân chủ hàng đầu khác cũng đang cân nhắc chạy đua để kế nhiệm ông Harrison bao gồm cựu Dân biểu Texas Beto O’Rourke, cựu Phó Chủ tịch đảng Michael Blake; Chủ tịch đảng Dân chủ Wisconsin Ben Wikler; Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel, Thượng nghị sĩ Mallory McMorrow và Chuck Rocha, một chiến lược gia lâu năm của đảng Dân chủ. (AFP)
*Tòa liên bang ngừng xét xử vụ án hình sự đối với Tổng thống đắc cử Donald Trump: Ngày 25/11, thẩm phán liên bang Mỹ đã quyết định ngừng xét xử vụ án hình sự đối với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, trong đó cáo buộc ông tìm cách lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Động thái trên diễn ra sau khi các công tố viên đề nghị đình chỉ vụ án này và một vụ khác liên quan đến tổng thống đắc cử.
Công tố viên Smith ngày 25/11 còn từ bỏ kháng cáo quyết định hủy truy tố ông Trump về vụ xử lý sai tài liệu mật ở Florida mà thẩm phán liên bang Aileen Cannon đưa ra hồi tháng 7. Tuy nhiên, ông vẫn sẽ theo đuổi nỗ lực nhằm vào hai bị cáo khác liên quan là Walt Nauta và Carlos De Oliveira. (Reuters)
*Tổng thống đắc cử Mỹ tuyên bố áp thuế đối với Canada, Mexico, Trung Quốc: Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ngày 25/11 tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với tất cả các sản phẩm từ Mexico và Canada, và thêm 10% thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc, viện dẫn lo ngại về tình trạng nhập cư bất hợp pháp và buôn ma túy.
Đối với Trung Quốc, Tổng thống đắc cử Mỹ cho biết sẽ bổ sung 10% thuế quan đối với Trung Quốc, ngoài các loại thuế quan bổ sung, đối với tất cả sản phẩm của nước này.
Trước đây, ông Trump đã cam kết sẽ chấm dứt quy chế tối huệ quốc đối với Trung Quốc và áp thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc trên mức 60%, cao hơn nhiều so với mức thuế áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Phía Mexico, Canada và Trung Quốc hiện chưa đưa ra phản hồi về tuyên bố của ông Trump. (Reuters)