Ngày 28/10/2024, tại Hà Nội, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam ra mắt thử nghiệm sàn thương mại điện tử (TMĐT) Nông sản Bưu điện để giới thiệu các loại nông sản đặc sản vùng miền trong cả nước. Tại buổi ra mắt, những trái cam Cao Phong đã vượt qua nhiều sản phẩm tiêu biểu, được lựa chọn để giới thiệu đến các doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng. Sau khi trải nghiệm, khách hàng có những phản hồi tích cực về những tiện ích sàn giao dịch TMĐT này mang lại, cũng như hương vị đặc trưng thơm, ngọt của trái cam Cao Phong. Trong 2 ngày diễn ra sự kiện, số lượng cam Cao Phong được tiêu thụ lên tới 5.250 kg. Tiếp sau đó, sản phẩm cam Cao Phong liên tiếp được ghi nhận là một trong những mặt hàng dẫn đầu về sản lượng tiêu thụ trên sàn TMĐT này.
Cán bộ Bưu điện Cao Phong đóng gói sản phẩm cam chuyển đến khách hàng đặt mua trên sàn thương mại điện tử Nông sản Bưu điện.
Mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm
Trên thực tế, ngoài sản phẩm cam Cao Phong, thời gian qua, dưới sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp trong việc đẩy mạnh thực hiện chương trình tổng thể phát triển TMĐT theo Quyết định số 2761, ngày 10/11/2020 của UBND tỉnh về “Kế hoạch phát triển TMĐT tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 – 2025”. Theo thống kê của Sở Công Thương, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 30% tổ chức, cá nhân tham gia các website TMĐT để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) như: cam, quýt, bưởi, trứng gà, trà, miến, mật ong, chuối, nhãn, bí xanh, dưa chuột, lặc lày… và các sản phẩm chế biến: ớt rẽ, cao cà gai leo, trà giảo cổ lam, măng muối… trên các sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn, sendo.vn hay sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ hoabinhtrade.gov.vn.
Cùng với đó, các DN kinh doanh dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh việc lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua mạng bưu chính. Hầu hết các DN trong tỉnh đã nhận thức được lợi ích ứng dụng TMĐT, 80% DN tiến hành giao dịch trên hệ thống các sàn TMĐT. Trong đó, 70% DN sử dụng thư điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, trên 30% DN có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% DN tham gia các website TMĐT để mua bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ liên quan đến hoạt động SXKD, trên 20% DN ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động SXKD. Bước đầu hình thành các tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng. Nhiều DN đầu tư phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý SXKD cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao dịch hợp tác kinh doanh.
Đáng chú ý, không chỉ các doanh nghiệp SXKD mà cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều nông dân ở các địa phương đã linh hoạt, nắm bắt thời cơ sử dụng các nền tảng TMĐT, mạng xã hội (MXH) để bán hàng nông sản. Từ đó mở ra những cơ hội tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng. Nổi bật như trong 5 năm qua (2019 – 2024), các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã hướng dẫn hàng nghìn hội viên cách thức tạo tài khoản, quảng bá về sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn TMĐT. Theo đó, đã có trên 2.970 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn Postmart.vn; 284 sản phẩm được bán trên sàn Voso.vn…
Đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá: Các sàn TMĐT đã và đang từng bước trở thành kênh phân phối mới, hiệu quả trong tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp SXKD nói chung và tiêu thụ nông sản cho người nông dân nói riêng. Từ việc đẩy mạnh hoạt động này đã góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân trong tỉnh sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh nhất, tránh ùn ứ, giữ giá nông sản khi cao điểm thu hoạch.
Nhiều nguy cơ thách thức
Mặc dù việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT đã mở ra nhiều cơ hội cũng như hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu, mở rộng tiêu thụ cho hàng hoá nội địa và thúc đẩy phát triển TMĐT tại địa phương, cũng như hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của DN… Tuy nhiên, việc đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Theo đồng chí Dương Quốc Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương: Một trong những vấn đề chúng ta phải xử lý, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết là việc kết nối liên thông một số phần mềm, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành Trung ương để phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người dân còn chậm. Đa phần các chương trình ứng dụng chuyên ngành chủ yếu được triển khai sử dụng riêng lẻ tại nội bộ các sở, ngành, chưa được triển khai đến cấp huyện, cấp xã, chưa được tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước với nhau, dẫn tới tình trạng dữ liệu riêng lẻ, việc cập nhật dữ liệu của các cơ quan chưa bảo đảm chính xác, kịp thời. Nhiều tổ chức, cá nhân có phát sinh hoạt động quảng cáo bán hàng trên TMĐT qua nền tảng MXH facebook, zalo, fanpage, tiktok không có địa điểm kinh doanh cụ thể; kho hàng thường gắn với nơi ở; thường xuyên thay đổi địa điểm kho hàng hoặc thuê những vị trí ở vùng sâu, vùng xa, nơi ít dân cư; chủ yếu bán hàng tại nhà riêng, không có biển hiệu cơ sở kinh doanh…, dẫn đến khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng chức năng.
Trong tháng 8/2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh phối hợp Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh); Cục Thuế tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 3 tổ chức/cá nhân sở hữu website vi phạm không thông báo website TMĐT bán hàng, hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng, hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng, số tiền phạt trên 74 triệu đồng. Mặc dù vậy, theo đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh: Trong quá trình triển khai, các lực lượng khai thác được thời điểm khởi tạo, thời điểm vận hành và doanh số, cũng như tình trạng của các đơn hàng đã giao dịch trên website và lịch sử tạo tài khoản thương nhân… Tuy nhiên, quá trình tiếp nhận, xác minh thông tin website có dấu hiệu vi phạm mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đối tượng vi phạm nắm được thông tin kiểm tra đã đóng website, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xác minh làm rõ.
Thời gian tới, “cùng với sự phát triển của công nghệ, hoạt động kinh doanh, mua sắm trên môi trường trực tuyến trở thành một phần tất yếu của đời sống xã hội. Trong đó, xu hướng kinh doanh qua các ứng dụng nền tảng MXH, ứng dụng di động, các mô hình bán lẻ đa kênh đang dần chiếm ưu thế trong TMĐT. Do vậy, bên cạnh những tiện ích vẫn còn nhiều vấn đề, nguy cơ, thách thức đan xen, như việc lợi dụng TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, bán hàng giả, hàng kém chất lượng, giả mạo các cơ quan, đơn vị, DN để kinh doanh, bán các sản phẩm, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, kém chất lượng…”, đồng chí Trương Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh chia sẻ thêm.
Mạnh Hùng
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/12/195740/Nhieu-co-hoi,-thach-thuc-dan-xen-tr111ng-phat-trien-thuong-mai-dien-tu.htm