Sáng 16/11, Tổ tư vấn Ban Chỉ đạo (BCĐ) triển khai thực hiện Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình (VHHB)” giai đoạn 2023 – 2030 (Đề án) tổ chức họp nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ Đề án chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Hội nghị đã thông qua dự thảo Kế hoạch về việc phân công nhiệm vụ của Tổ Tư vấn BCĐ. Tổ Tư vấn với tư cách là Tổ tham mưu, tư vấn cho BCĐ Đề án các biện pháp chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Đề án. Thành viên Tổ Tư vấn với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú là người dân tộc Mường, những người có hiểu biết sâu sắc về văn hóa và công tác bảo tồn văn hóa đồng bào dân tộc Mường và “VHHB”…
Theo báo cáo tình hình tổ chức triển khai thực hiện Đề án, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Đề án được quan tâm. Ngày 17/1/2024, tỉnh tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến triển khai thực hiện Đề án. Các sở, ban, ngành, 10 huyện, thành phố xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa (DSVH) vật thể, phi vật thể dân tộc Mường được quan tâm. Trong đó, đang triển khai công tác đầu tư xây dựng Quy hoạch xây dựng các hạng mục trong Khu bảo tồn không gian văn hóa dân tộc Mường gắn với phát triển du lịch tại xã Phong Phú, huyện Tân Lạc. Phối hợp với Viện Âm nhạc và các tỉnh, thành phố đã hoàn thiện bộ hồ sơ khoa học DSVH Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ đệ trình tổ chức UNESCO ghi danh vào danh sách DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Tiến hành kiểm kê, sưu tầm DSVH phi vật thể của dân tộc Mường.
Về bảo tồn và phát huy nền “VHHB”, đã hoàn thiện hồ sơ khoa học Di tích Hang xóm Trại và Mái đá Làng Vành, huyện Lạc Sơn, trình Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo quy định. Tiếp tục phối hợp với Viện Khảo cổ mời các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiến hành thám sát và nghiên cứu xác định giá trị các di sản khảo cổ của nền “VHHB” làm cơ sở đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương xây dựng hồ sơ về giá trị của các di tích khảo cổ của nền “VHHB” đệ trình tổ chức UNESCO…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các thành viên Tổ Tư vấn BCĐ đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc đóng góp cho mục tiêu của Đề án. Trong đó, các thành viên Tổ Tư vấn bày tỏ niềm vui khi tỉnh ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Đề án với nhiều nội dung, hoạt động cụ thể. Đồng thời trao đổi nhiều nội dung mang tính chất chuyên sâu, đề xuất các giải pháp để tư vấn BCĐ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “VHHB” giai đoạn 2023 – 2030…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khái quát những kết quả đã triển khai thực hiện Đề án trong thời gian qua. Đồng chí cảm ơn sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú và Tổ Tư vấn BCĐ. Khẳng định các giá trị văn hoá là tài sản vô giá và Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “VHHB” giai đoạn 2023 – 2030 có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh. Để thực hiện các nhiệm vụ Đề án đề ra cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Tiếp thu ý kiến của các thành viên Tổ Tư vấn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ mong muốn các đại biểu, thành viên Tổ Tư vấn bằng tình yêu với văn hoá Mường và nền “VHHB” tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp văn hoá, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Hương Lan
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/16/195552/Hop-To-tu-van-Ban-Chi-dao-trien-khai-thuc-hien-De-an-bao-ton,-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-Muong-va-nen-Van-hoa-Hoa-Binh.htm