Nét văn hóa nhà sàn của dân tộc Mường với nhiều giá trị truyền thống đã và đang được người dân lưu giữ, đồng thời phát triển thành ngành du lịch.
Bản làng Giang Mỗ xinh đẹp. Ảnh: Xuân Xuân
Cách dựng nhà sàn cổ của người Mường
Những ngày đầu tháng 8, PV Báo Lao Động đã tìm về với bản Giang Mỗ, một bản của người Mường, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình. Đến đây không khó để bắt gặp những mái nhà sàn thấp thoáng sau làn sương mờ.
Trong áng mo “Đẻ đất, đẻ nước” của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: Bốn chân tôi là bốn cột cái/Hai mai tôi là hai mái nhà/Xương sống tôi là đòn nóc/Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp. Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời của nhà sàn cổ của người Mường…
Theo ông Đinh Trọng Thịnh (46 tuổi, trú tại bản Giang Mỗ), nhà của người Mường chủ yếu được làm từ các vật liệu có trong tự nhiên như gỗ, bương, tre, tranh, lá cọ… Gỗ là vật liệu chính để làm cột, kèo những phần quan trọng của ngôi nhà, vì vậy cần chọn các loại gỗ tốt như trai, đinh, nghiến, lim. “Đi tìm gỗ có khi phải mất cả năm, rồi đem đi ngâm để tránh mối mọt, cuối cùng là phơi khô rồi mới có thể đục làm khung nhà” – ông Thịnh nói.
Cũng theo ông Thịnh, để thi công nhà sàn người Mường theo đúng kiểu truyền thống, gia chủ cần ít nhất 7-10 người thợ có kinh nghiệm đảm nhận những khâu quan trọng, nhà bé thì khoảng 1-3 tháng, nhà to thì thời gian sẽ lâu hơn. Sau khi thợ mộc đục đẽo xong, gia chủ sẽ mổ cả con lợn, con bò mời dân làng ăn và nhờ cả làng mới có thể dựng thành một ngôi nhà sàn.
Nhà sàn của người Mường thường sẽ có quy tắc cơ bản bất di bất dịch đó là bộ khung theo kiểu truyền thống, khác nhau chỉ là những phần trang trí hoặc thêm bớt một số chi tiết tùy theo từng gia chủ.
Còn ông Bùi Văn Phiến (50 tuổi một người dân trong bản Giang Mỗ) chia sẻ, cấu trúc nhà sàn cổ của người Mường thường một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái (3 gian, 5 gian, 7 gian…) phân ra ba mặt bằng, mặt trên cùng là gác dùng để đồ vật trong gia đình.
Ông Phiến cho hay, các cửa sổ, bậc thang đều phải làm số lẻ 5, 7, 9, 11, 13 tùy theo độ lớn của ngôi nhà mà số cửa và bậc cũng khác nhau. Bởi quan niệm của người dân tộc Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào – ra – vào để của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, hạnh phúc, nếu làm bậc thang số chẵn thì đó là điều xui xẻo và không may mắn.
Nhà sàn của người Mường có 2 cầu thang, cầu thang chính được đặt ở đầu hồi bên phải, cầu thang phụ ở đầu hồi bên trái. Ở cầu thang chính dành cho khách đến chơi, hoặc vào khi gia đình có việc trọng đại như tang lễ, đám cưới.
Dưới gầm sàn thường để củi, công cụ lao động. Ảnh: Xuân Xuân
Bậc thang nhà sàn người Mường luôn phải là những con số lẻ. Ảnh: Xuân Xuân
Bảo tồn giá trị văn hóa thông qua hoạt động du lịch cộng đồng
Bà Đinh Thị Quyến (45 tuổi, chủ một homestay) cho biết: “Khách đến đây chủ yếu là để trải nghiệm văn hóa ngủ nhà sàn, cối xay giã gạo, cồng chiêng, ca múa nhạc dân tộc, đốt lửa trại và thưởng thức ẩm thực cỗ lá người Mường”.
Theo bà Quyến, cả bản có 140 hộ đang sinh sống nhưng chia làm nhiều cụm và cụm làm du lịch có 36 hộ, mỗi năm có khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan. Khách đến bản chủ yếu vào những tháng Tết hoặc dịp nghỉ hè các cháu học sinh sẽ trải nghiệm khoảng một tuần, còn lại các tháng khác thường sẽ vắng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lưu Huy Linh – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình – đánh giá, các nếp nhà sàn gỗ của đồng bào dân tộc Mường ở bản Giang Mỗ vẫn còn rất nguyên sơ và nhuốm màu của thời gian.
Theo ông Linh, đây có thể coi là điểm mạnh để phát triển du lịch cộng đồng của bản Giang Mỗ nói riêng và của tỉnh Hòa Bình nói chung. Hiện nay, các cấp, các ngành đã và đang có nhiều chính sách để phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của người Mường, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Xuân Xuân
Nguồn:https://dulich.laodong.vn/tin-tuc/doc-dao-nha-san-truyen-thong-cua-nguoi-muong-o-hoa-binh-1380316.html