Ngày 13/8/2024, tại Ulan-Ude, thủ phủ Cộng hòa Buryatia thuộc Liên bang Nga, đã diễn ra Lễ khai mạc Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ 2 với chủ đề ”Phật giáo truyền thống và những thách thức đương đại”.
Tham dự diễn đàn có đại diện 15 quốc gia: Bangladesh, Belarus, Brazil, Bhutan, Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Lào, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, Thái Lan, Sri Lanka, Nhật Bản và đại diện nhiều khu vực của Liên bang Nga.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Bộ Nội vụ |
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm Trưởng đoàn; Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Chu Văn Tuấn; Tham tán – Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga Lê Quang Anh.
Diễn đàn Phật giáo quốc tế lần thứ 2 tập trung thảo luận toàn diện về sự phát triển của Phật giáo, văn hóa, triết học và thực hành Phật giáo, nhằm thúc đẩy phát triển hợp tác khoa học, giáo dục và văn hóa giữa các tổ chức Phật giáo của các quốc gia khác nhau.
Diễn đàn do Giáo hội Phật giáo truyền thống Nga, Chính quyền Cộng hòa Buryatia, Quỹ Xúc tiến giáo dục và nghiên cứu Phật giáo với sự hỗ trợ của Quỹ Roscongress tổ chức tại Buryatia từ ngày 12 – 14/8/2024.
Trong thông điệp gửi tới những người tham gia diễn đàn, Tổng thống Nga V.Putin đánh giá cao sự đóng góp của các tổ chức Phật giáo trong việc duy trì hòa bình, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau trong xã hội, cũng như sự phát triển đối thoại liên tôn giáo và các quốc gia.
Tổng thống Nga bày tỏ tin tưởng, diễn đàn lần này sẽ được tổ chức sáng tạo, mang tính xây dựng, góp phần tăng cường hợp tác nhân đạo quốc tế và triển khai các dự án chung.
Phát biểu chào mừng những người tham gia diễn đàn, người đứng đầu Cộng hoà Buryatia Alexei Tsydenov khẳng định, sự hội nhập và các giá trị của Phật giáo ngày càng trở nên quan trọng trên thế giới hiện nay. Buryatia là khu vực nơi, mọi người có thể thảo luận sâu sắc về các vấn đề Phật giáo.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cho biết, Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ hơn 2.000 năm trước, trở thành một trong những tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Trong quá trình du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành tôn giáo hòa bình, dung hợp với tín ngưỡng truyền thống của người Việt. Phật giáo Việt Nam luôn là tôn giáo nhập thế, gắn bó giữa đạo và đời, đồng hành với dân tộc và có nhiều đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng nhấn mạnh, trên lĩnh vực văn hóa tinh thần, Phật giáo có những đóng góp lớn cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Một số hệ thống triết lý của Phật giáo đã được dân gian hóa thành những biểu tượng, những chuẩn mực hết sức gần gũi và thân thuộc với con người Việt Nam.
Do vậy, Phật giáo đã nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, được nhân dân đón nhận và từng bước góp phần củng cố, duy trì phát huy giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng cũng cho biết, Phật giáo còn là cầu nối bảo tồn nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Thông qua những sinh hoạt Phật giáo, các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đã được phát huy trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay.
Ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu đã tham dự Hội thảo khoa học với chủ đề “Hiện tượng Pandiđo Khambo Lạt Ma Dashi Dorzhi Itigelov. Gần 100 năm trước, vào năm 1927, vị thiền sư lỗi lạc này đã bước vào trạng thái “nhục thân bất hoại”. Thi thể của ông cho đến nay vẫn giữ những dấu hiệu của người sống và điều này vẫn chưa có lời giải thích khoa học.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn đại biểu Việt Nam. Ảnh: Bộ Nội vụ |
PGS. TS. Chu Văn Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo – đã trình bày tham luận tại Hội thảo và nêu rõ, vấn đề nhục thân bất hoại của các nhà sư sau khi viên tịch là một vấn đề rất đáng nghiên cứu bởi rất khó giải thích theo quan điểm khoa học thông thường. Nhiều quan điểm cho rằng, chỉ những nhà sư tu hành đắc đạo mới có thể đạt được xá lợi toàn thân.
PGS. TS. Chu Văn Tuấn tập trung trình bày về trường hợp nhục thân bất hoại của ba nhà sư Việt Nam là Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường, những nhà sư sống trong thế kỷ XVII và nhà sư Thích Minh Đức, nhà sư sống trong thế kỷ XX đã tu hành đắc đạo và nhục thân vẫn còn nguyên vẹn cho đến ngày nay.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng làm việc với Thủ hiến Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga
Đến chiều ngày 14/8/2024, tại thành phố Ulan-Ude, Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam có buổi gặp và làm việc với Thủ hiến Cộng hòa Buryatia, Liên bang Nga Alexey Tsydenov, nhân dịp tham dự Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2.
Tại buổi làm việc, ông Alexey Tsydenov, Thủ hiến Cộng hòa Buryatia thông báo với phía Việt Nam những kết quả của Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 và những mặt mạnh về kinh tế, văn hóa và du lịch của Cộng hòa Buryatia.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VOV |
Về du lịch, Cộng hòa Buryatia tự hào có hồ Baikal là di sản thiên nhiên thế giới được Unesco công nhận, là hồ sâu nhất và hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất thế giới…
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng chúc mừng ông Alexey Tsydenov và phía bạn đã tổ chức thành công Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ 2 tại thành phố Ulan-Ude, đạt được mục tiêu mà Diễn đàn đặt ra theo đúng chủ đề là “Phật giáo truyền thống và thách thức của thời đại”.
Cũng như Liên bang Nga, Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo với 14 triệu tín đồ Phật giáo, hơn 50.000 ngôi chùa cơ sở thờ tự. Phật giáo đã xuất hiện ở Việt Nam được hơn 2.000 năm và luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng trân trọng mời Đoàn đại biểu Buriatia tham dự Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc – Vesak do Việt Nam đăng cai vào năm 2025.
Hai bên bày tỏ vui mừng về mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời, thể hiện sự quan tâm đến việc đào tạo chung nguồn nhân lực giữa hai nước trong các lĩnh vực khai thác khoáng sản, nông nghiệp và khoa học kỹ thuật. Hai bên nhất trí cho rằng, các quốc gia có truyền thống Phật giáo chiếm một nửa dân số thế giới và chiếm tỷ trọng hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu. Các nước châu Á – Thái Bình Dương đang không ngừng phát triển về mọi mặt, sự hợp tác của Buryatia với các nước này sẽ mang đến cho nước cộng hòa này những cơ hội phát triển mới.