Sở GTVT TPHCM vừa đề xuất UBND TPHCM ưu tiên xây dựng cầu vượt tại 5 nút giao nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Tổng vốn đầu tư cho dự án này dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng và sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Những nút giao được đề xuất bổ sung gồm: nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ – Ngô Gia Tự – Lý Thái Tổ – Lê Hồng Phong (quận 3, quận 10); nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự – Nguyễn Chí Thanh (quận 5, quận 10); nút giao Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị (quận Gò Vấp); nút giao QL1 – đường số 7 – đường số 18 (quận Bình Tân). Trong đó, tổng mức đầu tư dự kiến là 400 tỷ đồng/dự án.
Các nút giao được ưu tiên xây cầu vượt là những điểm nóng về ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Việc đầu tư xây dựng cầu vượt không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn cải thiện an toàn giao thông và phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông của thành phố.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại nút giao ngã bảy Lý Thái Tổ tuy không phải giờ cao điểm nhưng khu vực này thường xuyên chật kín các phương tiện. Đây cũng là nơi giao nhau của nhiều tuyến đường lớn, kết nối giao thông với các quận 1, 3 và quận 5.
Ngã sáu Nguyễn Tri Phương và ngã bảy Lý Thái Tổ là 2 trong số những nút giao lớn nhất nằm trong vùng nội đô. Theo đó, cầu vượt được xây tại hai khu vực này sẽ gồm các nhánh băng qua nút giao, giúp giảm giao cắt như hiện nay. Hướng đi của các nhánh cầu sẽ được tính toán phù hợp khi bước vào giai đoạn nghiên cứu cụ thể các dự án.
Dự án cầu vượt tại nút giao ngã tư Bốn Xã (quận Bình Tân) với mức đầu tư gần 2.400 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng gần 2.100 tỷ đồng), đây là nút giao có tổng vốn đầu tư lớn nhất với quy mô xây cầu vượt theo hướng đường Lê Văn Quới – Hòa Bình chiều dài 280m, rộng 12m và lưu thông hai chiều.
Từ năm 2016, dự án cầu vượt tại ngã tư Bốn Xã đã được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương nhưng chưa thực hiện vì thiếu vốn.
Ngã tư Bốn Xã là điểm giao nhau của 6 con đường: Bình Long, Thoại Ngọc Hầu, Hòa Bình, Phan Anh, Hương Lộ 2 và Lê Văn Quới, nằm trong danh sách 24 điểm đen ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM.
”Buổi sáng đi làm mà như cực hình, bình thường đường không đông tôi chỉ mất 15 phút đến chỗ làm. Thế nhưng có hôm tắc đường tôi phải mất gần 1 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Nếu có cầu vượt ở đây thì tốt biết mấy, không lo chen chúc nữa”, chị Trần Kim Ngọc (28 tuổi, quận Bình Tân) nói.
Tại khu vực cửa ngõ phía Bắc, ngã tư Nguyễn Oanh – Phan Văn Trị cũng là một trong những điểm đen kẹt xe. Dự án xây dựng cầu vượt được đề xuất chi 400 tỷ đồng, cầu có chiều dài 500m, rộng 2 – 4 làn (cho xe lưu thông hai chiều theo hướng Nguyễn Oanh).
Với nút giao QL1 – đường số 7 – đường số 18, ngành giao thông TP dự kiến xây cầu vượt hoặc hầm chui với chiều dài 400m, rộng 2 – 4 làn (cho xe lưu thông hai chiều hướng đường số 7 – đường số 18).
Việc xây dựng các dự án cầu vượt không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội của thành phố trong tương lai.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/can-canh-5-nut-giao-o-tphcm-sap-duoc-xay-cau-vuot-20240801141357878.htm