Dấu ấn nổi bật
Chia sẻ những kết quả chính của Hội nghị WEF Đại Liên và dấu ấn nổi bật của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, chuyến công tác của Thủ tướng đã thành công tốt đẹp, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Hội nghị thu hút sự tham gia của 1.700 đại biểu, là nơi hội tụ, kiến tạo những ý tưởng mới, các lĩnh vực mới, mô hình tiên phong, sáng tạo sẽ định hình các ngành kinh tế trong tương lai.
Theo ông, đoàn Việt Nam đã để lại những dấu ấn nổi bật tại Hội nghị.
Trước hết, nước chủ nhà Trung Quốc cũng như Ban tổ chức Hội nghị đã thể hiện sự trân trọng, đánh giá rất cao vai trò, vị thế của Việt Nam.
Chính vì thế, WEF đã mời Thủ tướng Chính phủ liên tiếp dự các hội nghị WEF ở Thiên Tân (Trung Quốc) năm 2023, WEF ở Davos (Thụy Sỹ) đầu năm 2024 và lần này là WEF ở Đại Liên (Trung Quốc).
Thủ tướng Phạm Minh Chính là một trong hai người đứng đầu Nhà nước/Chính phủ được WEF và nước chủ nhà Trung Quốc mời tham dự Hội nghị. Tại Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn cấp cao Việt Nam đã mang đến thành phố cảng Đại Liên nhiều thông điệp quan trọng, cả tại Hội nghị cũng như trong tiếp xúc với các đối tác.
Điểm nhấn khác là bài phát biểu đặc biệt tại Phiên khai mạc toàn thể, trước khoảng 1.700 khách mời từ 80 quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng của Việt Nam về Đổi mới, hội nhập và phát triển.
Thủ tướng cũng chuyển tải những thông điệp sâu sắc, rõ nét về những thành tựu nổi bật về kinh tế – xã hội, về chủ trương, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Qua đây, chúng ta cũng khẳng định vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng đã trao đổi những nhận định sâu sắc về thế giới hiện nay và tương lai, đề xuất phải cùng nhau xây dựng, củng cố lòng tin, đề cao đối thoại, cần có cách tiếp cận, tư duy hợp tác toàn cầu mới mẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng cũng đã có những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc với các đối tác và doanh nghiệp, thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm cao của Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab ca ngợi Việt Nam là nền kinh tế năng động, ngọn hải đăng về phát triển kinh tế và đầu tầu tăng trưởng của khu vực.
“Những chia sẻ của Thủ tướng được các đối tác cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, thể hiện qua sự hứng khởi, quan tâm, mong muốn đầu tư kinh doanh tại Việt Nam nhất là trong những ngành lĩnh vực mới. Không khí các cuộc trao đổi đều rất hào hứng, khí thế, hứa hẹn nhiều cơ hội để mở rộng, thiết lập các quan hệ đối tác, đầu tư, sản xuất tại Việt Nam” – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết.
Coi sự phát triển quan hệ hai nước là “công trình hệ thống”
Về các cuộc hội đàm, hội kiến, làm việc tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, theo lãnh đạo ngành ngoại giao, trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có chương trình hoạt động song phương hết sức phong phú, bao gồm hội kiến, hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Cường, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Hộ Ninh…
Các hoạt động của Đoàn đã thành công tốt đẹp, đạt được các yêu cầu, mục đích đề ra. Kết quả và ý nghĩa của các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc thể hiện rõ nét trên 4 phương diện.
Trước hết là duy trì trao đổi chiến lược cấp cao thường xuyên giữa hai Đảng, hai nước, củng cố và tăng cường tin cậy chính trị giữa hai bên, phát huy vai trò định hướng quan trọng đối với sự phát triển của quan hệ song phương.
Bên cạnh đó, hai bên đã đi sâu trao đổi và thống nhất về các phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực thời gian tới.
Trong đó, hai bên nhất trí tăng cường kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, nhất là về cơ sở hạ tầng giao thông; đẩy nhanh kết nối đường sắt khu vực biên giới, thúc đẩy hợp tác phát triển một số tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn tại khu vực phía Bắc Việt Nam.
Đồng thời, hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa hợp tác thương mại, nhất là thương mại nông sản; trao đổi các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, nghiên cứu thúc đẩy xây dựng cửa khẩu thông minh, khu hợp tác kinh tế biên giới.
Thủ tướng tham gia nhiều hoạt động tiếp xúc, làm việc với các doanh nghiệp Trung Quốc (Ảnh: VGP).
Cùng nhau phối hợp xử lý dứt điểm các vướng mắc tại một số dự án hợp tác, đẩy nhanh tiến độ triển khai các khoản viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam.
Hai bên cũng thúc đẩy đầu tư chất lượng cao của Trung Quốc vào Việt Nam nhất là trong các lĩnh vực như xây dựng hạ tầng giao thông, kinh tế xanh, kinh tế số, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tăng cường hợp tác du lịch bền vững, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mở rộng hợp tác trong lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, tài chính – ngân hàng… Có thể nói, các lĩnh vực hợp tác giữa hai bên hết sức toàn diện, nội dung phong phú, thực chất.
Hai bên cũng không ngừng củng cố nền tảng xã hội vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước, coi đây là một “công trình hệ thống” để dày công thúc đẩy, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Trung Quốc.
Hai bên nỗ lực triển khai tốt và nâng cao hiệu quả các cơ chế giao lưu hữu nghị như Diễn đàn Nhân dân, Liên hoan nhân dân biên giới, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên, Liên hoan Thanh niên Việt – Trung; Trung Quốc sớm triển khai cung cấp 1.000 suất học bổng cho giáo viên tiếng Trung của Việt Nam; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hữu nghị truyền thống của hai Đảng, hai nước; thúc đẩy khôi phục hợp tác về du lịch, hàng không.
Cuối cùng là xử lý ổn thỏa bất đồng, cùng nhau giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định.
Hai bên nhất trí phối hợp tốt trong công tác quản lý biên giới trên đất liền, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về biên giới trên đất liền và 15 năm ký 03 văn kiện pháp lý về biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc trong năm 2024.
Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thực hiện nghiêm các thỏa thuận và nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao, tuân thủ luật pháp quốc tế, kiểm soát hiệu quả và xử lý thỏa đáng bất đồng, không để vấn đề bất đồng ảnh hưởng đến tổng thể quan hệ hai nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.