Người dân xã Phú Nghĩa nói riêng và huyện Lạc Thuỷ nói chung thường nhắc nhau câu ca: “Dù ai đi đâu về đâu/ Mùa Xuân ngày hội cùng nhau đón chào/ Dù ai mải miết nơi nào/ Chùa Tiên mở hội cùng vào vui Xuân/ Dù ai đi xa đi gần/ Chùa Tiên Phú Nghĩa hội Xuân tìm về” để khẳng định giá trị của lễ hội truyền thống quê nhà được tổ chức hàng năm dịp đầu Xuân.
Nghi lễ rước kiệu từ đình Trung về chùa Tiên tham dự Lễ khai hội năm 2024.
Gọi là Lễ hội chùa Tiên nhưng đây là lễ hội chung cho cả quần thể khu di tích xã Phú Nghĩa. Lễ hội chùa Tiên có từ xa xưa và nay đã nổi tiếng trong, ngoài tỉnh. Năm 2024, Lễ hội chùa
Tiên được tổ chức quy mô cấp tỉnh. Ngay từ ngày đầu khai hội đã có đông du khách đến tham dự. Bà Vũ Huyền Chi, du khách Hà Nội chia sẻ: Khi biết Lễ hội chùa Tiên được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, mùng 4 Tết, tôi cùng gia đình đã về chiêm bái, vãn cảnh chùa. Quả thật nơi đây có cảnh sắc sơn thủy hữu tình níu chân du khách. Chắc chắn tôi sẽ trở lại để có thể khám phá được quần thể khu di tích rộng lớn, hùng vĩ này.
Là người con Lạc Thuỷ lập gia đình ở Hải Phòng, chị Giáng My năm nào cũng thu xếp về thăm quê vào dịp Tết, cũng là chính hội chùa Tiên. Chị My cho biết: Tôi đi chùa Tiên để cầu mong một năm mới sức khỏe dồi dào, công việc hanh thông. Vui hơn là được hòa vào không khí lễ hội với các trò chơi dân gian, xem hát chầu văn, tham quan, mua sắm ở khu hội chợ xuân với các sản vật không chỉ của huyện Lạc Thủy mà còn ở các huyện, thành phố trong tỉnh.
Lễ khai hội diễn ra trong 3 ngày, từ 12 – 14/2/2024 (tức mùng 3, 4, 5 tháng Giêng năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian phong phú, đa dạng như: thi đấu bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, giao lưu bóng chuyền; hội chợ xuân; chương trình giao lưu nghệ thuật dân gian, trình diễn nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật chiêng Mường, hát dân ca, chầu văn và tổ chức trình diễn thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ… Sau khai hội, lễ hội tiếp tục diễn ra trong 3 tháng (từ tháng 1 – 3 âm lịch).
Đến với lễ khai hội chùa Tiên, du khách được chứng kiến và tham gia vào lễ hội cổ truyền của dân tộc Mường với bản sắc riêng biệt. Đây là lễ hội lớn nhất của vùng đất Lạc Thuỷ. Mở đầu cho lễ khai hội chính thức, du khách được chiêm ngưỡng sắc màu rực rỡ, không khí sôi động của 3 đoàn rước từ 3 điểm. Khởi đầu là đoàn rước của đền Trình, thứ 2 là đoàn rước của đền Mẫu và thứ 3 là đoàn rước của đình Trung. Đoàn rước nào cũng rợp cờ với 2 hàng bát bảo khí sừng sững uy nghi, phường bát âm rộn ràng trong điệu lưu thuỷ, sự hùng tráng và vang xa của những dàn chiêng, sự vui nhộn và hùng dũng của các màn tứ linh, cùng dòng người nườm nượp về trẩy hội.
Hòa theo tiếng chiêng ngân vang của đất Mường Lạc Thuỷ, du khách được tham quan, chiêm bái quần thể khu di tích Động Tiên – Chùa Tiên – Mẫu Đầm Đa; các vị thần được thờ là Tổ Mẫu Âu Cơ, Tam vị Tản viên và Tứ vị Thánh Nương. Theo 10 sắc phong hiện còn được lưu giữ do các triều vua phong tặng, các vị thần đều được sắc phong là Thượng đẳng thần. Sắc chỉ cho xã Nhượng Lão (nay là xã Phú Nghĩa) được tôn kính và thờ phụng. Quần thể khu di tích danh lam thắng cảnh chùa Tiên có 20 điểm di tích, gồm nhiều loại hình như lịch sử văn hóa, khảo cổ học, thắng cảnh…, quần thể di tích này được tọa lạc trong thung lũng của 2 thôn Lão Nội và Lão Ngoại, xung quanh được che chắn bởi 2 dãy núi trải dài như 2 con rồng khổng lồ đang muốn vươn mình tới trời xanh. Đến đây, du khách như trở về với cội nguồn, được thả hồn với mây trời sắc núi; được chiêm ngưỡng từng đàn cò trắng dập dờn trên cánh đồng bát ngát; ngắm nhìn các sơn nữ thướt tha, duyên dáng trong trang phục dân tộc Mường; được du ngoạn động Tam Toà, Linh Sơn, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Long, suối Vàng suối Bạc, Thuỷ Tiên… Ngoài các điểm du lịch, du khách còn được thăm động Cô Chín, động Ông Hoàng Bảy, động Ông Hoàng Mười gắn liền với các truyền thuyết. Đặc biệt, thăm quần thể khu di tích, du khách sẽ được tham quan danh thắng động Tiên với nhiều điều kỳ thú. Đây là di chỉ khảo cổ học đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích quốc gia năm 1989…
Hiện nay, tuyến cáp treo Hương Bình nằm tại vùng trũng của tam giác tâm linh “Chùa Hương – Chùa Tiên – Tam Chúc” đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kết nối giao thông, tạo cơ hội cho du khách khám phá sự độc đáo của cảnh sắc thiên nhiên. Đồng chí Nguyễn Văn
Hải, Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy chia sẻ: Nhân dân và du khách đã hội tụ về đây, cùng tận hưởng không khí rộn ràng của mùa Xuân và trải nghiệm giá trị văn hóa của vùng đất, con người huyện Lạc Thủy. Thông qua các hoạt động của lễ hội, mỗi người sẽ cảm nhận một cách sâu sắc về sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống tinh thần của nhân dân. Đồng thời, quảng bá sản phẩm du lịch của địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển KT-XH trên địa bàn.
Hương Lan