Bộ Quốc phòng Nga ngày 8/1 công bố video ghi lại cuộc tấn công của hệ thống pháo TOS-1A Solntsepyok nhằm vào các vị trí của lực lượng Ukraine ở miền Đông.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống Solntsepyok đã tấn công một cứ điểm và vị trí tập trung nhóm quân nhân Ukraine tại khu vực Torsky ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk (tự xưng).
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, kíp vận hành đã phóng đạn nhiệt áp 220mm vào các công sự của đối phương trước khi rời vị trí dưới sự yểm trợ của nhóm hỗ trợ hỏa lực.
Cuộc tấn công của hệ thống Solntsepyok được thực hiện với sự phối hợp của máy bay không người lái (UAV), giúp tập kích chính xác mục tiêu.
Trong thời gian qua, các hệ thống nhiệt áp hạng nặng của Nga đã thể hiện uy lực trên chiến trường khi phá hủy nhiều mục tiêu kiên cố của Ukraine. Nga dường như sử dụng đạn nhiệt áp trong nhiệm vụ tập kích vì loại đạn này có thể gây ra sức công phá lớn với mục tiêu kiên cố của đối phương.
Hệ thống TOS-1A còn được gọi với tên Solntsepyok. Đây là hệ thống pháo phản lực nhiệt áp với 24 ống phóng, có khả năng nhắm mục tiêu vào binh sĩ, khí tài hoặc bất kỳ công sự nào của đối phương trong khu vực rộng tương đương 6 sân bóng đá, lên tới 40.000m2.
Pháo phản lực phóng loạt TOS-1A được đưa vào hoạt động từ những năm 1987 và là một trong những vũ khí uy lực nhất trong kho pháo binh của quân đội Nga.
Được thiết kế với mục đích tấn công bộ binh đối phương trong công sự và trong các xe bọc thép hạng nhẹ, TOS-1A có khả năng phóng các tên lửa mang đầu đạn nhiệt áp hoặc đầu đạn cháy.
TOS-1A có khối lượng 46 tấn, dài 6,86m, rộng 3,46m, cao 2,6m, cỡ nòng 220mm, số ống phóng 24, tốc độ bắn 24 ống/12s, tầm bắn tối đa 6km, kíp xe 3 thành viên, tốc độ tối đa 65km/h, tầm hoạt động theo nhiên liệu 550km.
TOS-1A được trang bị 2 loại đạn gồm đạn chứa chất gây cháy và đầu đạn sử dụng chất nổ nhiệt áp.
Cả hai loại đầu đạn này khi bắn đến mục tiêu sẽ tạo ra các đám lửa đốt cháy, hủy diệt mục tiêu bằng vụ nổ hóa chất chứa trong tên lửa. Nguyên lý làm việc của đầu đạn này là phát tán một chất cháy đặc biệt thành “đám mây” bao quanh mục tiêu và kích hoạt đám mây để tạo vụ nổ lớn.
Ngọn lửa tạo ra khi đốt cháy nhiên liệu sẽ làm không khí giãn nở một cách đột ngột tạo ra các sóng chấn động, đủ khả năng sát thương cả bộ binh ẩn nấp trong hầm trú ẩn sâu dưới lòng đất, lẩn trốn trong boongke, hang động, thông qua việc đốt sạch oxi dự trữ và tạo ra hiện tượng chân không bán phần trong thời gian ngắn, hút sạch dưỡng khí qua các lỗ thông hơi, khiến đối phương bị tiêu diệt hoàn toàn mà không có cách chống đỡ.
Trong môi trường nhất định, nhiệt độ từ đầu đạn nhiệt áp của Solntsepyok có thể đạt tới mức 1.000 độ C mang lại sức công phá đáng kể. Vì vậy, hệ thống này được gọi là “lửa mặt trời”.