Mây Miền là triển lãm cá nhân lần thứ 16 của họa sĩ của Trần Nhật Thăng. Tuy nhiên đây lại lần đầu tiên anh đưa các tác phẩm đến với Đà Lạt.
Triển lãm được tổ chức tại Ana Mandara Đà Lạt trưng bày 27 bức họa trừu tượng mà họa sĩ sáng tác trong dịp anh sinh sống tại Vân Hồ (Mộc Châu, Sơn La). Các tác phẩm Arcylic vẽ trên toan được đặt tên từ Mây Miền 1 đến Mây Miền 27.
“Có lần tôi đột nhiên thấy mây ùa vào nhà và trong phút chốc, mọi thứ từ có thành không, từ chật hẹp thành mênh mông. Ý tưởng cho Mây Miền cũng nảy sinh từ đó. Cái tên không chỉ mang tầng ý nghĩa diễn tiến hành động của mây mà là một nội hàm mây, một thế giới mây”, anh lý giải cho chủ đề triển lãm.
Trần Nhật Thăng bộc bạch, hơn 10 năm trước anh từng ở trạng thái “điên nhất”, vẽ vài bức trong một đêm trắng. Sau đó anh như một cỗ máy cạn kiệt và phải mất thời gian rất dài để phục hồi năng lượng. Với anh, điều khó khăn nhất của người nghệ sĩ là tìm kiếm ý tưởng sáng tạo.
“Làm thế nào để có một ý tưởng, một khái niệm và làm thế nào diễn giải chúng lên toan, biến chúng từ sống ý thức thành những vệt màu loằng ngoằng trong mắt của mình. Thế nên, để có Mây Miền vẽ trong 1 vòng tháng, tôi đã mất 30 năm”, anh nói.
Trần Nhật Thăng sinh 1972, là một trong những họa sĩ tiên phong của hội họa Hậu Đổi mới ở Việt Nam cuối thập kỷ 90.
Với bút pháp vừa ngẫu hứng mà tinh tế, các sáng tác của Trần Nhật Thăng là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lối vẽ tranh thuỷ mặc và thư pháp truyền thống phương Đông với phong cách trừu tượng tối giản của hội hoạ hiện đại.
Anh quan niệm “chỉ vẽ cảm giác của mình, lòng mình, tâm mình, nhìn vào trong mình để vẽ”.
Nhận định về tranh trừu tượng của Trần Nhật Thăng, nhà phê bình nghệ thuật Phan Cẩm Thượng cho biết: “Khoảng cách giữa những gì họa sĩ vẽ trừu tượng và cuộc sống của họ là khá xa, nên không như lối vẽ có hình, người ta thấy ngay được những liên quan về cuộc đời và nghệ thuật. Hội họa Trừu tượng có lẽ là một thứ viễn vọng, mơ hồ, mà lại xuất phát từ những cảm giác trần trụi trực tiếp.
Thăng dường như đang thanh lọc thân tâm mình, như tự bóc vỏ để đi vào cốt lõi bên trong. Tổng thể bức họa rất có phương án, tính cấu trúc rõ ràng, dù đơn giản, nhưng bề mặt đôi khi có cảm giác chưa vẽ gì, hoặc vẽ rất ít.
Họa sĩ can thiệp rất ít vào cách thức sáng tác của mình, anh không chú trọng đến bề mặt lầy lội biểu hiện như rất nhiều họa sĩ trừu tượng khác, rồi tìm về lối vẽ đen trắng thuần túy hoặc điểm mầu. Những năm gần đây do ảnh hưởng từ Phật giáo theo nghĩa có tu tập, anh vẽ nhiều khoảng trống, mảng phẳng và lối Thiền họa gợi tâm ý.
Nhưng con người này không đơn giản đến thế, anh cũng đang thăng trầm với thế sự và những khó khăn riêng của gia đình, dù đang lông bông trên các đỉnh núi”.
Với 16 triển lãm cá nhân và tham gia hơn 100 triển lãm nhóm trong và ngoài nước, Trần Nhật Thăng có không ít tác phẩm nằm trong nhiều bộ sưu tập tư nhân và các tổ chức tại châu Âu, châu Á và Mỹ.
Ngoài hội hoạ, Trần Nhật Thăng còn có các thử nghiệm nghệ thuật trong lĩnh vực trình diễn và sắp đặt. Anh cũng là người khởi xướng và tổ chức một số sự kiện nghệ thuật nhằm tưởng nhớ các liệt sĩ ở nghĩa trang Trường Sơn (năm 2012) và nhằm các mục đích từ thiện khác.
Nguồn: https://vtcnews.vn/hoa-si-tran-nhat-thang-mat-30-nam-de-ve-27-buc-tranh-trong-1-thang-ar869003.html