Từ đầu thế kỷ XVI, tranh truyện Chiêu Quân Cống Hồ đã được biết đến bằng 49 bài thơ nôm theo thể Đường luật, kể lại cuộc đời của Vương Chiêu Quân.
Chiều 18/3, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và họa sĩ Phan Ngọc Khuê phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”.
Tham dự sự kiện có đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam, các bảo tàng, di tích, các trường đại học cùng các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ sĩ và cơ quan thông tấn báo chí.
Đại biểu tham dự khai mạc triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống”. (Ảnh: Lê Nhàn) |
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, khẳng định: “Với người Hà Nội xưa, có một món ăn tinh thần không thể thiếu và là thú chơi tao nhã, đó chính là thưởng thức tranh dân gian Hàng Trống”.
Theo bà, mỗi bức được trưng bày tại triển lãm này đều toát lên sự sinh động, tinh tế, ý nghĩa sâu sắc cả về nội dung và hình thức, tiêu biểu cho nghệ thuật tạo hình dân gian độc đáo của Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nhấn mạnh, trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức khó khăn đối với dòng tranh dân gian trong đời sống, sự kiện chính là cơ hội tốt để công chúng chiêm ngưỡng, cảm nhận rõ hơn những nét đẹp về giá trị của một dòng tranh nổi tiếng đất Hà Thành.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phát biểu khai mạc triển lãm. (Ảnh: Phương Thảo) |
Chia sẻ về hành trình sưu tầm tranh dân gian Hàng Trống, họa sĩ Phan Ngọc Khuê cho biết, đi đến đâu ông cũng hỏi bà con có nguồn tranh nào hoặc có giữ được bức tranh dân gian nào không, vì dòng tranh này phổ biến trong nhân dân.
Theo ông, tranh được làm bằng giấy và với khí hậu nóng ẩm của nước ta thì rất khó để gìn giữ lâu dài. Do đó, việc sưu tầm, bảo quản hết sức quan trọng.
Giới thiệu về bộ tranh truyện Chiêu Quân Cống Hồ được trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, họa sĩ nói: “Từ đầu thế kỷ XVI, truyện này đã được biết đến bằng 49 bài thơ nôm theo thể Đường luật, kể lại cuộc đời của Vương Chiêu Quân. Ca ngợi những bậc nữ nhi trung hiếu, anh kiệt, tác phẩm đề cao giáo dục những nhân cách cao đẹp mà xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho con người”.
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê (thứ ba, từ phải qua) cùng đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và khách mời cắt băng khánh thành triển lãm. (Ảnh: Lê Nhàn) |
Họa sĩ cho biết thêm, bộ tranh hiện tại là do cụ Trương Thị Bảo, chủ hiệu tranh Thanh An rất nổi tiếng ở Hà Nội vào những năm 1980 tặng ông. Qua quá trình bồi tranh, ông đã có được những bức tranh để ra mắt và trưng bày tại bảo tàng.
Ngoài ra, trong khuôn khổ triển lãm “Tranh truyện Hàng Trống” còn giới thiệu đến công chúng 10 bộ tứ bình với các tích truyện nổi tiếng như: Sơn Hậu, Nhị Độ Mai, Tứ Dân, Hán Sở Tranh Hùng…
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan từ ngày 18-31/3 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, số 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Bộ tranh truyện “Chiêu Quân Cống Hồ”. (Ảnh: Phương Thảo) |
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê, nhà nghiên cứu nghệ thuật các dân tộc Việt Nam, được biết đến là người đã dành cả đời say mê nghiên cứu dòng tranh dân gian, đặc biệt là tranh dân gian Hàng Trống. Ông đã sưu tầm và trân trọng lưu gữ những tác phẩm tuyệt vời của tranh truyện Hàng Trống. Với những bức tranh Hàng Trống được trưng bày tại triển lãm lần này, họa sĩ đã góp phần giữ lửa cho loại hình tranh dân gian Hàng Trống của Việt Nam. Triển lãm tiếp tục lan tỏa tình yêu, ý thức bảo tồn di sản văn văn hóa dân tộc của họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói riêng và của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nói chung tới cộng đồng. |