Mê văn hóa, thích sưu tầm ảnh
Tôi gặp họa sĩ Nohochi tại buổi trưng bày, giới thiệu hình ảnh quý hiếm về vùng đất Buôn Ma Thuột từ những năm 60-70 của thế kỷ trước, được in độc bản trên gỗ cây cà phê. Họa sĩ Nohochi tên thật là Nông Hoàng Chiến (SN 1977), dân tộc Nùng ở Cao Bằng. “Họa sĩ Nohochi, nghe có vẻ lạ, na ná như tên của người Nhật Bản. Thực ra, chỉ đơn giản ghép 2 chữ cái đầu của họ, đệm và tên của tôi mà thành. Nohochi là viết tắt, không dấu của hai chữ đầu họ tên Nông Hoàng Chiến”, họa sĩ Nohochi hài hước giải thích về tên của mình.
Rời quê hương Cao Bằng theo gia đình vào Buôn Ma Thuột lập nghiệp từ năm 8 tuổi. Do vậy, hình ảnh về những ngôi nhà nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội, sinh hoạt cộng đồng đặc sắc, không gian văn hóa cồng chiêng trên cao nguyên đầy nắng và gió đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của anh, để rồi tình yêu và niềm đam mê văn hóa Tây Nguyên cứ như thế lớn dần, in sâu vào tâm trí người con Tây Bắc.
Anh bắt đầu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, con người vùng đất Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung. Rồi tự mày mò trên các trang mạng, tự mày mò trên các trang mạng, tìm những hình ảnh về Buôn Ma Thuột xưa. Anh không quản ngại tìm đến các địa điểm thực tế, hỏi người lớn tuổi về những thông tin tư liệu, tên địa danh xưa của vùng đất này.
Miệt mài sưu tầm, đến nay anh Chiến sở hữu bộ sưu tập hàng trăm tấm ảnh về Buôn Ma Thuột ở thập niên 50, 60, 70. Trong đó, có những hình ảnh quý giá về cuộc sống người dân tộc Ê- Đê xưa, về những di tích, danh lam thắng cảnh…
Anh Chiến chia sẻ: Mỗi tấm ảnh tư liệu về Buôn Ma Thuột xưa mà anh sưu tầm, đều chứa đựng thông tin về cuộc sống, văn hóa, cảnh sắc của người dân trên vùng đất Buôn Ma Thuột. Tôi cho rằng, đó là nguồn tư liệu quý về lịch sử, văn hóa truyền thống. Điển hình như bức ảnh bến nước quen thuộc, gắn liền với đời sống, văn hóa, lễ nghi của người Ê Đê. “Bến nước là đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và dân tộc Ê Đê nói riêng. Bến nước không chỉ nuôi sống người dân buôn làng mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Ngày xưa, cứ chiều về người dân ở các buôn làng lại tập trung về bến nước tắm giặt, gùi nước về sinh ăn uống. Đồng bào dân tộc Ê Đê thực hiện rất nhiều lễ cúng tại bến nước như lễ cúng bến nước, cúng cầu mưa,…
Cầm bức ảnh nhà dài phóng tác trên gỗ cà phê, anh Nông Hoàng Chiến bảo: Bức ảnh nhà dài truyền thống này không chỉ thể kiến trúc văn hóa độc đáo, rất riêng, mà ở đó là cả tập quán đẹp về hôn nhân, không gian sinh hoạt gia đình của người Ê Đê.
Ngoài ra, bộ sưu tập ảnh của anh còn có những tấm ảnh về sinh hoạt, lễ hội, trang phục truyền thống… của dân tộc Ê Đê và không gian của Buôn Ma Thuột xưa.
Độc bản trên gỗ cà phê
Mong muốn đưa những hình ảnh tư liệu quý về Buôn Ma Thuột xưa đến gần hơn với người dân và du khách gần xa, đồng thời quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa và tôn vinh giá trị cây cà phê của xứ này, Nông Hoàng Chiến đã tìm hiểu, phóng tác 15 bức ảnh về Buôn Ma Thuột thập niên 50, 60, 70 lên những lát cắt từ thân cây cà phê.
Tư liệu nếu chỉ lưu giữ trong kho sẽ không tạo thành giá trị, “tôi đưa ảnh lên gỗ để lưu giữ và mong muốn lan tỏa sâu rộng để vẻ đẹp về Buôn Ma Thuột xưa không bị phai mờ theo thời gian. Hy vọng, đây chính là một điểm cộng cho vùng đất thủ phủ cà phê, góp phần lan tỏa hình ảnh về con người Buôn Ma Thuột gần gũi, mến khách đến với mọi người”.
Một lần nữa, hình ảnh nếp nhà dài truyền thống ẩn mình trong không gian xanh ngát của buôn làng, rồi cô gái Ê Đê duyên dáng trong trang phục truyền thống, hay đàn voi nhà ngoan ngoãn nghe theo điều khiển của các quản tượng và cảnh sắc hoang sơ, thanh bình của buôn làng nơi phố thị… được Nông Hoàng Chiến tái hiện trên gỗ cà phê một sách sống động và độc đáo.
Sinh sống ở xứ sở cà phê và có nhiều dịp đến vùng chuyên canh, anh đã thấy cây cà phê già có nhiều nu, thân gỗ rất lớn, nên ý tưởng phóng tác những tác phẩm ảnh về Buôn Ma Thuột xưa lên thân gỗ cà phê dần hình thành trong suy nghĩ. Anh tìm đến những vùng chuyên canh cà phê lâu năm để tìm và lựa chọn nhưng cây cà phê ưng ý và mua những cây cà phê Robusta hơn 30 tuổi về xử lý, cưa thành từng lát để in tác phẩm.
Hỏi về kỹ thuật chế tác, anh Chiến chia sẻ: Thật ra, kỹ thuật in ảnh lên các chất liệu cứng không mới, các công đoạn không quá phức tạp. Thực tế đã có nhiều nghệ sĩ sáng tạo trên chất liệu nhôm, đồng hay đá, sành, gốm sứ. Sở dĩ anh chọn in ảnh lên gỗ cây cà phê bởi hình ảnh cây cà phê đã gắn với đời sống người dân Tây Nguyên hàng trăm năm nay, như một “đặc sản”.
Phóng tác ảnh tư liệu lên lát cắt của thân cây cà phê không đơn thuần quảng bá giá trị lịch sử, văn hóa của Buôn Ma Thuột, mà còn tôn vinh loại cây trồng gắn với vùng đất được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Kỹ thuật in này hoàn toàn bằng thủ công, công đoạn không mấy phức tạp, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng để có bức ảnh hoàn hảo. Đầu tiên, anh in các bức ảnh ra khổ giấy A4, rồi dùng keo chuyên dụng dán vào gỗ từ 6 đến 12 giờ đồng hồ cho keo thật khô. Sau đó, phun nước tẩy giấy cho thấm ướt, rồi tách lớp giấy ra khỏi bề mặc gỗ, những hình ảnh quý được đưa lên lát gỗ một cách hoàn hảo.
Tư liệu nếu chỉ lưu giữ trong kho sẽ không tạo thành giá trị, “tôi đưa ảnh lên gỗ để lưu giữ và mong muốn lan tỏa sâu rộng để vẻ đẹp về Buôn Ma Thuột xưa không bị phai mờ theo thời gian. Hy vọng, đây chính là một điểm cộng cho vùng đất thủ phủ cà phê, góp phần lan tỏa hình ảnh về con người Buôn Ma Thuột gần gũi, mến khách đến với mọi người”, anh Chiến chia sẻ.
Các tác phẩm ảnh phóng tác trên lát cắt thân cây cà phê của anh Nông Hoàng Chiến đang được trưng bày tại Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột và thu hút sự chú ý của du khách gần xa.