PGS.TS VŨ VĂN PHÚC – Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng T.Ư
Những kết quả đạt được sau gần 40 năm đổi mới là nền tảng và điều kiện quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao
Sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, lý luận đường lối đổi mới, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội được định hình sáng rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn. Sau gần 40 năm đổi mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Ba trụ cột cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Ba trụ cột này có mối quan hệ biện chứng, tác động ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau. Nền tảng của ba trụ cột là Nhân dân, “dân là gốc”, “dân là chủ”, “dân là trung tâm”, dân vừa là mục tiêu vừa là động lực, nguồn lực cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ sở, nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ.
Sau 40 năm đổi mới, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển mạnh mẽ, trình độ nền kinh tế được nâng lên trình độ cao hơn, quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 35 trên thế giới, đứng thứ 5 trong ASEAN, GDP bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, gần gấp 58 lần sau ba thập kỷ, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 58% (theo chuẩn cũ) năm 1993 xuống còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều với tiêu chí cao hơn trước) năm 2023.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, duy trì tăng trưởng kinh tế khá cao so với khu vực và thế giới.
Sức mạnh tổng hợp quốc gia ngày càng tăng lên
Qua gần 40 năm đổi mới, Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, bảo đảm vai trò quản lý hiệu quả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân dân; đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế… đều có sự phát triển vượt bậc. Phát triển văn hóa, xã hội, con người có nhiều tiến bộ. Định hình hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Sức khỏe của Nhân dân được quan tâm chăm sóc; việc khám, chữa bệnh tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng, hội nhập quốc tế ngày càng hiệu quả. Việt Nam đã và đang thể hiện rõ, tốt vai trò là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao.
Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu.
Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên Hợp Quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là lựa chọn mang tính lịch sử, là sự nghiệp sáng tạo vĩ đại mang tầm vóc lịch sử, có ý nghĩa to lớn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam, quy luật, xu thế phát triển chung của thời đại. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo, y tế, thể dục – thể thao, quốc phòng – an ninh, đối ngoại của nước ta không ngừng nâng cao.
Sau gần 40 năm đổi mới mở ra cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mới, tầm nhìn mới cho đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/thoi-su/hoa-quyen-y-dang-long-dan-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-1425170.ldo