(VHQN) – Tôi vẫn nhớ những đêm mịt mùng tăm tối, mẹ trở dậy, bừng lên trong cơn mơ hoang dại, chạy về phía con đê ngút ngàn. Tôi sấp ngửa chạy theo mẹ. Đôi chân trần tướp máu. Tiếng chó rộ lên từ phía đầu làng. Rồi vụn vỡ vào đêm. Phía chân trời run rẩy vài ánh chớp. Cây mộc miên già quằn quại trong cơn khát đêm man dại. Những cánh tay gầy guộc, lêu nghêu vươn lên cào cấu, xé rách từng mảng trời đen thẫm. Hoa đổ ào ạt như những cục máu lớn bầm tím rơi rụng từ những vết thương sâu hoắm nơi đỉnh trời. Mẹ đạp trên những xác hoa nát bấy. Từng cánh ứa máu. Mặn chát. Mẹ ngấu nghiến ăn những cánh hoa như muốn nuốt trọn cả cơn mơ nhập nhòa trong bóng tối của quá khứ bủa vây.
Tôi lẳng lặng đỡ mẹ về. Những bước chân mẹ vẫn trôi dài trong mê man.
Từng ấy năm rồi.
Những cơn mộng du vẫn trở đi trở lại…
Tôi sinh ra mà không biết mặt cha. Cha với tôi là một ý niệm mơ hồ. Như sương khói tháng Ba giăng giăng mỗi chiều tả tơi mộc miên rơi đỏ ối. Mẹ kể hồi ấy làng nghèo lắm. Hạn hán liên miên, đồng ruộng khô nứt nẻ. Dòng sông quê cạn nước đục ngầu, chẳng thể tắm mát đồng làng trong cơn khô khát. Cây gạo những muốn vươn cánh tay cào xé, rạch nát đỉnh trời hòng kiếm những giọt mưa. Nhưng vô vọng! Chỉ còn lại những cánh tay xương xẩu rền rĩ trong đau đớn tự cào tướp ngực mình. Rồi nở ra những bông hoa như từng giọt máu vỡ òa trong bất lực. Lúc ấy, cha bảo sẽ theo người ta đi làm ăn xa, chứ ở nhà, trông vào đồng ruộng thế này, làm sao sống nổi? Mẹ tôi nhìn quanh, giật mình nhận ra, đàn ông trai tráng trong làng hầu như cũng bỏ quê mà đi vì cuộc mưu sinh. Mẹ gạt nước mắt tiễn cha đi. Hai người chia tay nhau dưới gốc gạo già. Lồng lộng gió trên đỉnh trời vần vũ. Từng đàn chim từ đâu ùa về, liệng vòng kêu thê thiết. Mẹ bấu vào vạt áo của cha, nhùng nhằng mãi rồi mới dứt được ra. Không ngờ từ bấy đến giờ, cha đi luôn. Có lẽ cha cũng không ngờ mình lại có một người con gái là tôi ở trên đời…
Tại sao mày không ngăn nó lại? Bà hỏi khi mẹ tôi đi tiễn cha về. Dù bà biết rằng, đến bà còn không ngăn được, huống chi là mẹ? Nhưng bà vẫn nói, như đay như nghiến, như xoáy vào tâm can.
Mẹ lặng im. Rồi mỗi ngày phấp phỏng chờ đợi tin cha. Cha đi được non tháng thì mẹ thấy lạ ở trong người. Khó ở, mệt mỏi, buồn nôn, đến bữa thì không ăn nổi. Bà nhìn mẹ, nửa mừng vui, nửa nghi hoặc. Ánh mắt bà sáng lên lấp lánh rồi bỗng tối sầm lại.
Bà cứ mang theo cái tâm trạng nửa vời ấy từ khi biết mẹ mang thai tôi, suốt bao nhiêu năm trời, đến khi đôi mắt bà lòa đi. Phải chăng, chỉ đến khi không còn nhìn thấy cuộc sống với những sắc màu hiện ra trước mắt, chỉ đến khi thấu suốt cõi lòng sâu thẳm, bà mới khép lại cái nhìn nghi hoặc của định kiến suốt gần nửa đời người, để bao dung và bình thản hơn.
Năm ấy, bà đổ bệnh. Bà nằm thọt lỏm trên chiếc giường bùng nhùng chăn chiếu. Đôi mắt đục mờ của bà thỉnh thoảng giương lên, tròng mắt đảo quanh như muốn tìm kiếm thứ gì. Kẽ mắt tèm nhèm đọng lại những gỉ mắt dấp dính. Tôi lau mắt cho bà. Đôi tay của bà gầy guộc, lêu nghêu như những cành gạo già bấu vào tay tôi run rẩy. Sao mày lại để nó ra đi? Hai giọt nước mắt lăn trên khóe mắt bà, rồi chạy lan vào những vệt chân chim, như nguồn nước phù sa của dòng sông cạn cố lan thấm vào những mảnh ruộng khô cằn. Bà cứ lặp lại câu hỏi đó cho đến khi kiệt sức.
Mẹ yên lặng nhìn bà. Mẹ không khóc nhưng toàn thân chợt như co rúm lại vì đau khổ và bất lực.
Ngày hôm sau, mẹ tôi dẫn bác hàng xóm đến bên giường bà rồi lay bà dậy. Tôi ngạc nhiên thấy bác ôm chầm lấy bà, vừa nói vừa khóc trong nghẹn ngào, tức tưởi: “Mẹ ơi, con trai của mẹ đây! Con đã trở về!”. Bà tôi giật mình ngơ ngác, đôi mắt mở căng hết cỡ. Liệu bà sẽ nhìn thấy gì trong đôi mắt mù lòa kia? Khuôn mặt nhăn nhúm của bà bỗng giãn ra và sáng lên lạ lùng. Bà giơ đôi tay khô đét lên sờ nắn khuôn mặt đứa con trai thân yêu đã xa cách hơn hai chục năm trời. Cái thằng trời đánh! Giọng bà run run. Bà cười mà như mếu, về là tốt rồi, từ rày, chớ có được đi đâu!
Rồi đôi tay bà dần dần buông thõng. Hơi thở mỏng dần, mỏng dần và tan thành sương. Chỉ có nụ cười vẫn phảng phất trên môi. Bao dung và bình thản.
Tôi đăng tin tìm cha trên các phương tiện truyền thông.
Ông Phùng Văn A đi khỏi nhà từ ngày… tháng… năm…
Mẹ đưa tôi bức ảnh vàng ố của cha để tôi đăng cho người ta nhận diện. Bức ảnh thấm đẫm mồ hôi và nước mắt mà bao năm trời mẹ đã cầm trên tay ròng rã khắp các nẻo đường ra Bắc vào Nam để tìm cha.
Giờ tôi lại đi tiếp con đường của mẹ.
Hôm nay, có cuộc điện thoại từ một người lạ. Người ấy nói rằng, hơn hai mươi năm trước từng cứu một người đàn ông bị chết đuối. Ông ta có dáng người như thế, như thế… đúng theo những mô tả tìm người. Chỉ tiếc là, mạng sống thì còn nhưng trí nhớ thì mất. Ông hoàn toàn không biết mình là ai, thuộc về thế giới nào…
Mẹ tôi run rẩy, đánh rơi chiếc máy điện thoại.
Tôi hoang mang trước những gì vừa nghe thấy. Liệu người ấy có phải là cha tôi hay không? Có phải là người mà bà và mẹ tôi mòn mỏi chờ đợi đến khô héo suốt cả một đời?
Mẹ trằn trọc không sao ngủ được. Thấp thỏm, ngóng trông, rồi hy vọng và thất vọng, liệu sẽ là gì sau cuộc hẹn sớm mai?
Đêm nay, mẹ tôi không mộng du. Mà ngoài đê xa kia, những bông gạo cuối mùa vẫn run lên trong cơn khát đêm hoang dại.