Hoa Kỳ kết luận cuối cùng vụ rà soát áp thuế chống bán phá giá với tháp gió từ Việt Nam Hoa Kỳ kết luận sơ bộ vụ điều tra chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam |
Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, ngày 24/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra vụ việc theo đề nghị của nguyên đơn: Liên minh nhôm, thép, giấy và lâm nghiệp, cao su, công nghiệp, năng lượng, liên đoàn công nghiệp và dịch vụ Hoa Kỳ.
Thông tin chung về vụ việc, theo Cục Phòng vệ thương mại như sau:
Thời kỳ điều tra bán phá giá: Từ ngày 1/4 đến ngày 30/9/2023. Ngày 25/10/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Q&V Questionnaires) cho 13 doanh nghiệp bị nguyên đơn nêu tên mà có địa chỉ đầy đủ nhằm thu thập thông tin để lựa chọn bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên, Bộ Thương mại Hoa Kỳ chỉ nhận được phản hồi đúng hạn từ 7/13 doanh nghiệp bị nêu tên và 31 doanh nghiệp không bị nêu tên.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho phép các doanh nghiệp nộp đơn xin hưởng thuế suất riêng rẽ (thường được tính bằng bình quân gia quyền của các bị đơn bắt buộc), trong đó công ty phải chứng minh không bị chính phủ kiểm soát cả về mặt pháp lý và thực tế đối với các hoạt động xuất khẩu và đã nhận được 31 đơn.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) ban hành kết luận cuối cùng. Ảnh minh họa |
Ngày 27/11/2023, Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) ban hành kết luận sơ bộ rằng ngành công nghiệp Hoa Kỳ có dấu hiệu chịu thiệt hại đáng kể do nhôm đùn ép và các sản phẩm từ nhôm nhập khẩu từ Việt Nam gây ra. Ngày 12/12/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã chọn 2 doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc. Tuy nhiên, ngày 26/12/2023, một bị đơn đã nộp đơn xin rút khỏi danh sách doanh nghiệp làm bị đơn bắt buộc do không sản xuất hoặc xuất khẩu sản phẩm bị điều tra sang Hoa Kỳ trong thời kỳ điều tra. Do đó, bị đơn duy nhất còn lại trong vụ việc, tiếp tục trả lời các bản câu hỏi điều tra của Bộ Thương mại Hoa Kỳ.
Ngày 19/4/2024, nguyên đơn đã nộp đơn cáo buộc tình trạng khẩn cấp của vụ việc do lượng xuất khẩu sản phẩm bị điều tra từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giai đoạn tháng 10/2023 đến tháng 2/2023 (sau khi Hoa Kỳ nhận đơn và khởi xướng vụ việc) tăng đột biến 36,07% so với giai đoạn 5 tháng trước đó (tháng 5 đến tháng 9 năm 2023).
Ngày 28/5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đăng công báo về việc nộp tiền ký quỹ bằng với biên độ bán phá giá tương ứng trong thời gian hồi tố 90 ngày trước ngày đăng công báo kết luận sơ bộ (tức là từ ngày 7/2/2024). Quy định này nhằm ngăn chặn việc hàng hóa bị điều tra xuất khẩu ồ ạt vào Hoa Kỳ khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa kịp áp dụng các biện pháp sơ bộ.
Do Việt Nam bị Hoa Kỳ coi là nước có nền kinh tế phi thị trường, Bộ Thương mại Hoa Kỳ lựa chọn nước thay thế để tính giá trị thông thường cho Việt Nam. Ngày 13/2/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ yêu cầu các bên bình luận về vấn đề lựa chọn nước thay thế/ dữ liệu thay thế. Trong khi nguyên đơn đề nghị lựa chọn Indonesia làm nước thay thế thì bị đơn đề nghị lựa chọn Indonesia hoặc Gioóc-đan hoặc Phillippnes hoặc Ma-rốc hoặc Xri Lan-ca làm nước thay thế.
Sau khi xem xét các yếu tố như khả năng so sánh về mặt kinh tế, sản xuất số lượng đáng kể hàng hóa có thể so sánh, sự sẵn có và chất lượng dữ liệu, Bộ Thương mại Hoa Kỳ lựa chọn Indonesia làm nước thay thế cho Việt Nam.
Ngày 1/5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành kết luận sơ bộ về phạm vi hàng hóa bị điều tra do có nhiều ý kiến phản đối của nhà xuất khẩu Việt Nam, nhà nhập khẩu và các Nghị sĩ Hoa Kỳ về phạm vi đề xuất quá rộng của nguyên đơn. Ngày 3/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đăng công báo kết luận cuối cùng về phạm vi hàng hóa bị điều tra để làm rõ đối tượng bị áp thuế.
Ngày 7/5/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đăng công báo kết luận sơ bộ của vụ việc. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định biên độ phá giá cho bị đơn bắt buộc duy nhất còn lại là 2,85%. 28 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ cũng chịu mức này. Các doanh nghiệp khác chịu mức thuế suất toàn quốc bằng biên độ do nguyên đơn cáo buộc là 41,84%.
Ngày 3/10/2024, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đăng công báo kết luận cuối cùng của vụ việc. Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kỳ xác định biên độ phá giá cho bị đơn bắt buộc duy nhất còn lại là 14,15% (tăng 11,3% so với kết luận sơ bộ). 28 doanh nghiệp đáp ứng điều kiện hưởng thuế suất riêng rẽ cũng chịu mức này. Các doanh nghiệp khác chịu mức thuế suất toàn quốc bằng biên độ do nguyên đơn cáo buộc là 41,84% (giữ nguyên so với kết luận sơ bộ).
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thay đổi mức thuế là do Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường nên Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng chi phí của nước thứ ba (trong vụ việc này là Indonesia) làm giá trị thay thế và thay đổi 2 điểm ở kết luận cuối cùng, cụ thể như sau: Thay đổi trong sử dụng doanh thu tài chính, chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển, giá điện; Thay đổi trong sử dụng mã HS của một số nguyên liệu sử dụng trong quy trình sản xuất nhập khẩu vào Indonesia (thay vì mã HS như ở kết luận sơ bộ).
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo cho Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Hoa Kỳ (CBP) để đình chỉ thanh khoản và yêu cầu ký quỹ bằng mức biên độ phá giá đối với các lô hàng nhập khẩu.
Cụ thể như sau: Đối với tổ hợp nhà sản xuất/ nhà xuất khẩu được liệt kê trong bảng trên, mức ký quỹ là 2,85%; Đối với tổ hợp của các nhà sản xuất/ xuất khẩu Việt Nam không được liệt kê trong bảng trên, mức ký quỹ là 41,84%; và đối với tất cả các nhà xuất khẩu của nước thứ ba không được liệt kê trong bảng trên, mức ký quỹ bằng biên độ áp dụng cho tổ hợp nhà sản xuất/ nhà xuất khẩu Việt Nam được liệt kê trong bảng trên hoặc mức toàn quốc (tùy vào việc họ mua hàng của nhà sản xuất/ nhà xuất khẩu nào của Việt Nam).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thông báo tới ITC về kết luận cuối cùng này. Theo quy định của Hoa Kỳ, ITC sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong vòng 45 ngày kể từ ngày Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành kết luận cuối cùng. Trường hợp ITC kết luận không có thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa thì vụ việc vụ việc được chấm dứt và hoàn lại toàn bộ tiền đặt cọc. Trường hợp ngược lại, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá.
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị: Đối với Hội Nhôm thanh định hình Việt Nam: Cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm bị điều tra.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm liên quan: Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của vụ việc; chủ động nghiên cứu, nắm vững quy định, trình tự, thủ tục điều tra chống bán phá giá của Hoa Kỳ; đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; Hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.
Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, bất kỳ hành động thể hiện sự bất hợp tác hoặc hợp tác không đầy đủ có thể dẫn tới việc Cơ quan điều tra Hoa Kỳ sử dụng các chứng cứ sẵn có bất lợi hoặc áp dụng mức thuế chống bán phá giá cao nhất cho doanh nghiệp; cân nhắc đề nghị rà soát hành chính hoặc rà soát nhà xuất khẩu mới (nếu thấy cần thiết); thường xuyên phối hợp, cập nhật thông tin cho Cục Phòng vệ thương mại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.
Nguồn: https://congthuong.vn/hoa-ky-ban-hanh-ket-luan-cuoi-cung-vu-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-nhom-dun-ep-viet-nam-352852.html