Nhà thiết kế Võ Việt Chung – chủ tịch Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024, trưởng ban tổ chức – cho Tuổi Trẻ Online biết ban tổ chức bắt đầu nhận hồ sơ dự thi từ nay đến hết ngày 30-9.
Dự kiến vòng chung kết sẽ diễn ra cuối tháng 11-2024, tại phố cổ Hội An.
Chấp nhận thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ
Cuộc thi Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024 do Công ty TNHH Silk Fashion World và thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) phối hợp tổ chức. Đây là mùa tổ chức đầu tiên.
Đối tượng dự thi là nữ từ 18 đến 30 tuổi, cao từ 1,6m, có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, chưa lập gia đình, chưa đăng ký kết hôn, chưa sinh con.
Thí sinh có thể đã qua phẫu thuật thẩm mỹ nhưng chỉ làm hoàn thiện một số khiếm khuyết như làm răng sứ, lệch hàm, vẹo sống mũi, mắt lác…
Nhà thiết kế Võ Việt Chung cho biết các thí sinh đoạt một số danh hiệu trong các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp diễn ra trong năm 2022 và 2023 được xem xét đặc cách vào vòng bán kết hoặc chung kết.
Người đẹp giành danh hiệu hoa hậu cuộc thi Hoa hậu Lụa di sản Việt Nam 2024 nhận được giải thưởng có tổng giá trị hơn 2,5 tỉ đồng.
Á hậu 1 và 2 sẽ nhận tổng giá trị giải thưởng hơn 1 tỉ đồng.
Ngoài ra, ban tổ chức còn trao nhiều giải thưởng phụ, mỗi giải thưởng tổng trị giá 100 triệu đồng.
Giữ gìn, phát huy làng nghề truyền thống
Với chủ đề “Hành trình dệt gấm thêu hoa”, cuộc thi Hoa hậu Lụa Di sản Việt Nam 2024 đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp, trang phục truyền thống, đặc biệt là các làng nghề truyền thống, trong đó có làng nghề dệt lụa.
Đây cũng là lý do ban tổ chức chọn Hội An là nơi tổ chức cuộc thi.
Hội An được nhiều người biết đến là một địa phương có ngành may mặc phát triển. Còn tỉnh Quảng Nam là một trong những cái nôi của ngành tơ tằm của nước ta.
Thông qua cuộc thi này, ban tổ chức mong muốn tôn vinh các giá trị truyền thống, đồng thời quảng bá đến đông đảo bạn bè quốc tế.
Điều thú vị, trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức sẽ tổ chức cuộc thi thiết kế áo dài truyền thống.
“Các thiết kế tôn dáng, mang đậm dấu ấn áo dài truyền thống. Các thí sinh có thể thiết kế cách điệu nhưng trong chừng mực.
Thí sinh thiết kế trên chất liệu lụa của nước ta như lụa Vạn Phúc, lụa Hà Đông, Lãnh Mỹ A…” – Võ Việt Chung cho biết thêm.
Với chủ đề Lụa là Việt Nam, cuộc thi mong muốn giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống của Việt Nam thông qua các tài năng của các nhà thiết kế trẻ. Từ đó, quảng bá văn hóa mặc của người dân Việt Nam ra thế giới.
Thạc sĩ Hoàng Quốc Long – hiệu trưởng Trường trung cấp Nguyễn Tất Thành – làm trưởng ban giám khảo phần thi này.
Tham gia với vai trò giám khảo còn có nhà thiết kế Thuận Việt, Đức Vince, Châu Báu Ngọc Ngà và đạo diễn Lê Việt.
Ban tổ chức cho biết sẽ chọn top 35 mẫu thiết kế đẹp nhất, để thí sinh trình diễn trong khuôn khổ vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu Lụa Di sản Việt Nam 2024.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoa-hau-lua-di-san-viet-nam-se-nhan-vuong-mien-kem-giai-thuong-hon-2-5-ti-dong-2024053116195144.htm