Nhiều hạn chế trong tích tụ đất nông nghiệp
Trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện vai trò vô cùng to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đặc biệt trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.
Tuy vậy, khu vực nông nghiệp nông thôn bộc lộ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tăng trưởng nông nghiệp chậm lại, chưa bền vững, chủ yếu dựa trên thâm dụng tài nguyên. Cơ giới hóa chậm, thu hút đầu tư vào nông nghiệp chưa được như kỳ vọng, liên kết yếu, chưa hình thành các vùng chuyên canh.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, TS. Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn – thừa nhận, hiện đất sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu hiệu quả. Tích tụ ruộng đất hiện diễn ra chậm và phần lớn chỉ có thể xảy ra ở vùng đất trống, đồi trọc, đất mặt nước chưa đưa vào sử dụng, nhưng tại các vùng này giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lại không rõ ràng.
Chỉ ra nhiều mặt hạn chế của tích tụ, tập trung đất nông nghiệp sau thời gian thi hành Luật đất đai 2013, ông Thắng nhìn nhận vấn đề liên quan đến hạn mức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thời gian, cách thức, đối tượng.
Cụ thể, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất, không cho phép hộ có diện tích trên lớn hơn hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Một số vướng mắc trong thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như thủ tục hành chính phức tạp để triển khai dự án đầu tư, các quy định về điều kiện được thụ hưởng chính sách tương đối khắt khe, quy định quy mô dự án lớn nên doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận, nguồn ngân sách đảm bảo thực hiện chính sách thấp và giải ngân chậm.
Đồng thời, chưa có cơ chế pháp lý để doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp dài hạn của hộ nông nghiệp sử dụng quyền thuê này làm thế chấp để vay vốn ngân hàng và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp chuyển đổi một phần diện tích xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ phục vụ cho hoạt động trước và sau của sản xuất nông nghiệp.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cho rằng, Luật đất đai sửa đổi cần phải có những quy định làm sao giữ được diện tích đất lúa, làm thế nào dù có chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thì đất vẫn có thể trồng lúa.
“Hạn điền là vấn đề bức xúc nhất trong sản xuất nông nghiệp, do đó cần có cơ chế để tích tụ đất đai với diện tích lớn để doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất”, ông Báo nói.
Bên cạnh đó, theo ông Báo, thời hạn thuê đất đối với doanh nghiệp phải dài như trong hợp đồng kinh doanh, tránh việc quy định thời hạn thuê tự do, mỗi địa phương cho thuê một kiểu thời gian khiến doanh nghiệp suốt ngày phải đi xin lại.
Tháo “nút thắt” cho đất nông nghiệp
Đánh giá về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, TS. Nguyễn Đình Bồng – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Đất Việt Nam cho rằng một số vấn đề về tập trung, tích tụ đất đai hiện đã được khơi thông, mang ý tưởng độc đáo.
“Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thì được Nhà nước xem xét cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư”, ông Bồng chỉ ra.
Về tích tụ và tập trung đất nông nghiệp, TS. Nguyễn Đình Bồng cho biết, dự thảo Luật quy định cụ thể về nguyên tắc và phương thức tập trung và tích tụ đất nông nghiệp. Với những quy định mới về tích tụ, tập trung đất nông nghiệp như vậy, sẽ góp phần điều chỉnh đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục những bất cập hiện tại.
Đồng thời, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được xây dựng theo hướng đáp ứng yêu cầu của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các tổ chức kinh tế trong nước (các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp thuộc các tập đoàn kinh tế), các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thúc đẩy tích tụ tập trung đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, tập trung, hiệu quả.
Chính vì vậy, theo vị chuyên gia, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sẽ tạo cơ hội cho hộ gia đình sản xuất nông nghiệp và các nhà đầu tư tiếp cận với đất đai; khuyến khích, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp hàng hóa mà nước ta có lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy tập trung, tích tụ đất đai theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn.
Tuy nhiên, ông Bồng nêu quan điểm sản xuất hàng hóa nói chung, nông nghiệp nói riêng phụ thuộc vào các yếu tố, gồm: đất đai – lao động – vốn. Vì vậy tích tụ, tập trung đất nông nghiệp đòi hỏi gắn chuyển dịch cơ cấu đất đai với chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn, nông nghiệp theo hướng công nghiệp, dịch vụ.
Từ đó, TS. Nguyễn Đình Bồng kiến nghị: Tập trung đất nông nghiệp sẽ diễn ra nhiều hình thức linh hoạt, nhưng dù theo hình thức nào cũng phải bảo đảm mục đích để phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, bảo đảm tự nguyện, cùng có lợi giữa người giao quyền sử dụng đất, đơn vị nhận quyền sử dụng đất và Nhà nước; xác định quy mô sản xuất và tập trung đất nông nghiệp từ nhu cầu có khả năng thanh toán và dự báo trước những hệ quả có thể xảy ra để có giải pháp thích hợp.
Đồng thời, theo ông Bồng, tích tụ đất nông nghiệp vận động theo cơ chế thị trường, thông qua các hình thức giao dịch dân sự. Một bộ phận hộ nông dân hoặc nhà đầu tư có nguồn vốn, có năng lực tổ chức sản xuất, có nhu cầu nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sử dụng đất. Hộ gia đình nông dân thiếu vốn đầu tư sản xuất, để duy trì sản xuất, có thể chọn hình thức khác.
Cuối cùng, vị chuyên gia cho rằng, song song với viện ban hành các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành Luật đất đai, cần rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách về tài chính đất đai, giá đất, định giá đất, điều kiện và thủ tục thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đối với đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng, tạo điều kiện cho các chủ thể sử dụng đất có cơ hội tiếp cận nguồn cung đất nông nghiệp trên thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp thông thoáng, tuân thủ pháp luật.