Hơn mười năm trước, tôi theo gia đình vào Tây Nguyên để làm kinh tế. Hôm nay, tôi mới có dịp trở về quê. Tôi đến thăm cô giáo chủ nhiệm thời còn học cấp hai. Giàn bông giấy trước cổng được uốn cắt gọn gàng chứng tỏ chủ nhà rất quan tâm, chăm chút. Những chùm bông rực rỡ khoe sắc, tô điểm cho lối vào nhà trở nên thơ mộng. Cô vẫn yêu bông giấy như xưa. Tôi tần ngần trước cổng, gọi to hay cứ vào để cô bất ngờ? Liệu cô có còn nhận ra mình, còn nhớ mình hay không? Tôi còn đang chần chừ thì bỗng nghe tiếng phía sau:
– Chị hỏi ai?
Tôi quay người lại:
– Cô! Em là Ngân. Lữ Bình Ngân! Ngân sáu ngón mà cô chủ nhiệm ngày lớp 9 đây ạ!
Tôi nhìn cô. Rõ ràng, cô đang rất ngạc nhiên. Chuyện của bao năm về trước như vừa mới hôm qua.
Cô chủ nhiệm mới của tôi (thay cô chủ nhiệm mới về nghỉ hưu) bước vào lớp, sau màn chào hỏi, giới thiệu thông thường, cô nói:
– Năm nay là năm cuối cấp của các em rồi, chúng ta cùng cố gắng nhé. Cố gắng để theo đuổi mục tiêu phía trước: Đỗ tốt nghiệp, vào được trường cấp 3 để tiếp tục con đường chinh phục tri thức…
Gì chứ? Cô không dạy đi mà nói chi đủ thứ vậy không biết. Tương lai của tôi ư? Chú thím tôi bảo học mà không tốt thì hết cấp 2 là được rồi, con gái cần gì học lắm, với lại chú thím cũng còn phải nuôi thằng Bân và con Lanh (hai đứa em con nhà chú) ăn học, có đâu nuôi thêm tôi. Cũng không phải tôi không muốn học, nhưng chú thím nói sao tôi nghe vậy, phận ăn nhờ ở đậu mà (thím tôi vẫn hay nói mát trong bữa cơm như thế). Cho làm sao thì biết vậy. Tôi cũng không oán trách gì thím, đến mẹ đẻ tôi còn từ chối tôi, còn bỏ lại tôi khi bố tôi qua đời vì bị ung thư. “Lúc đó mày còn đỏ hỏn, còn quấn tã, khóc ngằn ngặt suốt ngày, còn hơn cả con Lanh ấy chứ”. Ngày thím sinh con Lanh, tôi cũng đã lớp 4, tôi biết nó quấy khóc cỡ nào, mà tôi còn hơn nó thì thật kinh khủng. Bà nội dặn tôi “có những lúc thím bực dọc mắng mỏ cũng không được cãi. Thím còn hơn mẹ của mày, thím chính là mẹ mày”. Mẹ tôi bỏ tôi, còn thím không bỏ. Thế nhưng từ khi bà nội không còn nữa, tôi có cảm giác chú thím muốn tống cổ tôi ra khỏi ngôi nhà đó. Và lần đó, nếu không có cô thì có lẽ bức tường ngăn cách giữa tôi và chú thím sẽ cứ dầy mãi lên, không thể nào xóa bỏ được.
Minh họa: Ngọc Tâm |
– Con Ngân, con Ngân đâu! Mày ra đây, mau!
Giờ ra chơi, thím tôi đến tận lớp la lối um sùm, tóm lấy tay tôi lôi ra ngoài. Tôi nào đã biết chuyện gì mà thím lại đang tức giận như vậy nên cũng chẳng dám cãi. Tôi sợ. Bạn bè chỉ trỏ, xì xào. Tôi xấu hổ. Tôi muốn giẳng tay mình khỏi tay thím mà không dám. Thím vừa kéo được tôi ra cửa lớp thì cô hớt hải chạy tới (Có lẽ bạn nào đó đã báo với cô). Cô vội vàng đến trước thím và tôi:
– Chị! Chị bình tĩnh đã! Em mời chị xuống phòng hội đồng, có gì mình từ từ nói chuyện ạ!
– Cô không biết đâu, tiền tôi để dành bao lâu nay, nó lấy mất luôn rồi!
Nói rồi tự nhiên thím bật khóc. Bình thường, thím cứ hay gắt gỏng, khó chịu mà tự nhiên lại khóc. Ngay lúc đó, tôi chẳng hiểu vì sao thím lại vậy nhưng trong lòng cũng cảm thấy hơi áy náy. Thím định đưa tôi đi về:
– Cô cứ cho tôi xin cho cháu nghỉ buổi nay, về nhà tôi nói chuyện với nó.
– Chị! Chị nghe xem cháu nói sao đã. Biết đâu… (cô đưa tay giữ tay thím lại).
Bỗng cô không nói nữa khi thấy ánh mắt của thím đang dừng lại nơi bàn tay cô đang cầm tay thím. Có lẽ, cô đoán biết thím đang nghĩ gì. Cô cầm lấy bàn tay trái, nơi có ngón tay thứ sáu mọc thừa bên cạnh ngón út, mỉm cười:
– Bé Ngân cũng giống em. Chính vì khác bạn bè nên ngày nhỏ em cũng từng khổ sở khi bị trêu chọc đấy chị ạ. May mà có mẹ luôn bên cạnh che chở, động viên.
– Còn con bé Ngân thì bị mẹ nó bỏ đi từ khi còn đỏ hỏn.
Thím nói nhỏ lại. Tôi chợt phát hiện giọng thím tôi chùng xuống, như có gì đó nghẹn lại. Cô giáo đưa tay kéo tôi lại. Cô nhìn tôi, nhưng lại nói với thím hay nói với cả hai, chỉ biết khi nghe cô nói, thím tôi đã khóc thực sự.
– Có những điều nếu nói ra sẽ tốt hơn là giữ mãi trong lòng. Trồng cây hạnh phúc sẽ hái được hạnh phúc. Gieo đau thương sẽ chỉ gặt đau thương.
Thím gạt vội dòng nước mắt đang ứ căng nơi khóe mắt, xúc động nói:
– Cô ạ! Không phải vì nó là cháu chồng mà tôi không thương đâu. Tôi thương hai đứa con tôi một thì thương nó hai. Thương nó côi cút từ lúc còn ẵm ngửa, thương nó chẳng được lành lặn như bao đứa trẻ bình thường. Những lúc nó đi học về, thấy nó buồn vì bị bạn bè trêu chọc, tôi cũng xót lắm chứ. Nhưng biết làm sao được. Chẳng lẽ đi đôi co với con nhà người ta. Bao lâu nay, tôi tích cóp được chút tiền, chờ đủ thì cho nó đi phẫu thuật, cắt ngón tay thừa đó đi… Nay tìm đến, không thấy nữa.
– Nên chị nghĩ là bé Ngân lấy?
– Tôi đã tra hỏi hai đứa em nó ở nhà rồi. Cô biết đấy, đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ. Con nít con nôi, chúng nó chẳng giấu được chuyện gì lâu. Bọn chúng bảo là chị Ngân lấy, nói là để sau này đi cắt tay. Đừng nói với mẹ.
Cô đưa mắt nhìn tôi như chờ đợi câu trả lời. Tôi co rúm người lại rồi bật khóc nức nở:
– Thím nói dối, chú thím đời nào cho tiền con đi phẫu thuật. Chú thím bảo con học không giỏi thì hết cấp hai nghỉ đi làm thuê, thím còn nuôi em Bân và em Lanh nữa. Thím ghét con nên hay mắng con, hay bắt bẻ con từng tí một, nhiều cái thím bắt làm đi làm lại cho thật tốt mới thôi. Thím… thím…
Tôi chẳng đủ bình tĩnh, dũng cảm mà nói hết ra nỗi niềm của mình nữa. Tôi vụt bỏ chạy ra phía khu vườn cây của trường. Ở đó có một cây xà cừ rất to, chắc có từ lâu lắm rồi, những lúc buồn tôi hay đến ngồi dưới gốc cây, chỉ để lặng yên nghe gió thổi. Tôi nghe tiếng thím gọi với theo, nhưng cô giữ thím lại. Không biết cô và thím nói với nhau những gì. Nhưng khi thím về rồi, cô mới đi tìm tôi ở vườn trường. Cô đến, lặng lẽ ngồi bên tôi rất lâu. Chờ đến khi tôi đã bình tĩnh trở lại, cô mới thủ thỉ:
– Ngân này, thím không sinh ra em nhưng lại nuôi em từ khi mới lọt lòng, như vậy khác nào mẹ đâu. Mà cha mẹ nào cũng thương con cái mình cả.
– Không đâu cô, thím ghét em lắm nên mới hay mắng mỏ.
– Vậy là em chưa hiểu rồi. Cha mẹ thương con, đâu chỉ có ngọt ngào. Mỗi người sẽ thương yêu con mình theo một cách khác nhau. Lúc dễ chịu, khi khắt khe; lúc vui vẻ, khi cáu gắt,… nhưng tất cả đều là muốn tốt cho các con.
– Nhưng…
– Cô hỏi em nhé. Những điều thím bắt em làm có hại gì cho em không?
– Không ạ!
– Thím có thiên vị hai con mình mà ghẻ lạnh em không?
– Không ạ!
– Vậy thím có đối xử tệ bạc với em không?
– Không cô.
…Cô hỏi thật nhiều, dần dần tôi không còn trả lời được nữa, chỉ là sự im lặng và những lần gật, lắc đầu. Nước mắt tôi cứ rơi. Không phải vì sự uất ức, mà là sự hối hận. Thì ra không phải thím ghét bỏ gì tôi mà thím làm vậy vì muốn tôi trở thành một con bé mạnh mẽ, có thể tự lập, có thể tự lo cho bản thân khi sau này rời vòng tay chú thím. Tôi hối hận thật sự vì lâu nay tôi đã trách móc chú thím đủ điều. Nếu không có cô hóa giải những ấm ức trong lòng tôi thì bức tường mà tôi tự xây ngăn cách tôi và chú thím sẽ còn cao lên mãi.
Từ sau lần nói chuyện đó với cô, chú thím cũng thay đổi. Thím gần gũi với tôi hơn, ít khắt khe với tôi hơn. Thím bảo, trước giờ thím cứ nghĩ phải nghiêm khắc với tôi để tôi trưởng thành chứ có ngờ đâu lại làm tôi hiểu nhầm như vậy. Có những lúc, tôi đã muốn gọi thím bằng mẹ và có lần tôi đã lỡ miệng gọi thím là mẹ. Thím chẳng nói gì, coi đó như chuyện bình thường. Bởi với chú thím, tôi, em Bân và em Lanh, ba đứa con mà tôi là chị cả.
***
Tôi đưa bàn tay cầm lấy tay cô, mười hai năm như vừa mới hôm qua. Tôi còn đang xúc động bởi những kí ức ngày cũ vừa chạy qua trí nhớ thì cô cất tiếng:
– Em về khi nào? Công việc, chồng con sao rồi? Chú thím em khỏe chứ? Chú thím có về cùng em không? Cô xem nào, chừng ấy năm, thay đổi nhiều quá, đâu còn là con bé con hay nhút nhát, e dè ngày nào đâu mà cô có thể nhận ra chứ. Em về lâu không? Trưa nay nhất định phải ở lại ăn cơm với cô nhé…
Cô hỏi thật nhiều, tôi chỉ còn biết đứng mỉm cười. Mọi chuyện tôi sẽ kể từ từ với cô sau. Tôi ôm lấy cô, cười thật tươi:
– Thưa cô, gia đình em vẫn khỏe ạ!