Thạc sĩ LÊ ANH TÚ (Trường ĐH Văn Lang)
Mỗi thế hệ đều có ưu điểm và hạn chế riêng. Hợp tác với gen Z là cách được nhiều người chọn để cùng làm việc, có thể tăng năng lực cạnh tranh ở công ty.
Các ‘gen’ cùng gen Z hợp tác
Quản lý nhân viên bán hàng đều trai xinh gái đẹp gen Z, anh Trần Hiếu (31 tuổi, quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết nói rõ mục tiêu làm việc với các bạn ngay từ đầu chứ không úp mở, nhất là các quy trình, để đỡ nhức đầu xử lý phát sinh. Anh hiểu tâm lý các bạn thường khó chịu được áp lực cao, nên cứ gặp sai sót gì chỉ ra ngay kèm cách cải thiện.
Anh Hiếu nói, nhiều bạn có cái tôi cao nhưng “ngựa chứng là ngựa giỏi”, người cá tính mạnh khi vào khuôn khổ sẽ mang lại hiệu quả cao. Cách mà anh Hiếu chọn là khích tướng để các bạn chứng minh sự giỏi giang của mỗi người để có cách định hướng. Nếu bạn nào không đạt sẽ phải chấp nhận thay đổi cách làm việc và thái độ.
“Các bạn cần môi trường chuyên nghiệp, không quá gò bó. Tôi thường có những buổi cà phê hay trà sữa “chill” chút để nghe các bạn tâm sự mỏng nên họ cởi mở hơn, tinh thần làm việc cũng cháy hơn” – anh Hiếu khoe.
Là chủ một studio tại quận 3 (TP.HCM), anh Nguyễn Minh Cường (36 tuổi) khẳng định tiệm mình khó lòng cạnh tranh nếu không có sự hỗ trợ của các bạn thời gian qua.
Tiệm đang có 14 bạn gen Z vừa học vừa làm. Trước đó, anh từng xếp xó hồ sơ các bạn vì nghĩ còn quá trẻ và cũng ngán làm việc với mấy bạn gen Z, vì “thấy người ta chê đầy trên mạng, nhưng vì thiếu người quá nên đánh liều nhận các bạn vào làm thử”.
Không có mặt đúng giờ, làm việc nửa vời, giao việc không đúng chuyên môn sẽ ngồi bấm điện thoại lạc trôi… là những “kiếp nạn” anh Cường gặp phải. “Nhiều lần mình cũng định cho nghỉ việc quá nửa, nhưng nghĩ lại các bạn đáng tuổi em út, còn đang học việc nên thôi kiên nhẫn xíu” – anh Cường nói.
Cả hai sếp nói trên hay bày chuyện ăn uống với nhóm bạn này vì “có thực mới vực được đạo”. Quan trọng là những buổi ấy sẽ trao đổi, nắm thêm nguyện vọng của từng bạn để sắp xếp công việc phù hợp. Mà một trong những người anh Cường nhớ nhất là Trọng Công (21 tuổi).
Bạn này từng định một đi không trở lại, vì thấy chẳng học được gì, vài lần còn giảng ngược lại về kiến thức nhiếp ảnh với sếp dù bản thân chưa rành dùng loại máy ảnh cơ. Nhưng anh Cường lắng nghe hết, vì điều Công nói hữu ích, góc chụp mới bạn học trên mạng. Các bạn còn hướng dẫn anh tạo trang để marketing tốt hơn, nhờ đó tiệm cũng cạnh tranh xịn xò hẳn.
Làm bạn gen Z, tại sao không?
Chị Quế Châu (30 tuổi, quận 3, TP.HCM), nhân viên văn phòng, nói sẽ để ý thái độ của các bạn gen Z vào thực tập. Nếu thấy cư xử ổn, chị sẽ nhận hướng dẫn, ngược lại sẽ từ chối khéo. Vì biết có thể do ngại ngùng nên chị chủ động bắt chuyện, nhưng bạn nào xa cách thì thôi, chị hạn chế tiếp xúc.
“Một số bạn vào công ty chỉ biết người hướng dẫn trực tiếp, chào mỗi người này mà xem xung quanh như vô hình, vậy là không ổn” – chị Châu góp ý.
Gắn bó với nhiều bạn trẻ gen Z, anh Đức Trường (quản lý KOL TikTok) nhận xét các bạn dễ thương, trẻ trung, sôi nổi, đi với các bạn nhiều còn cảm thấy trẻ ra. Anh cho rằng người thuộc thế hệ khác không nên tạo rào cản tuổi tác, vì làm vậy chỉ tự cô lập bản thân.
“Cứ nghĩ hướng tích cực rằng gen Z năng động, nhiệt huyết và đặc biệt sáng tạo, như thế làm việc với họ sẽ dễ hơn rất nhiều” – anh Trường bày tỏ.
Thạc sĩ Lê Anh Tú, giảng viên khoa quan hệ công chúng – truyền thông Trường ĐH Văn Lang, nói ngoài công việc, thế hệ lớn hơn hoàn toàn có thể làm bạn với gen Z. Tiếp xúc nhiều, anh Tú nhận thấy gen Z Việt Nam và nước ngoài khá tương đồng.
Anh Tú nói: “Các bạn tiếp cận nhiều xu thế mới, tính toàn cầu hóa cao. Chỉ cần doanh nghiệp, người quản lý cởi mở và có tư duy toàn cầu hơn sẽ thấy làm việc được với các bạn gen Z trong nước gần như sẽ hợp tác được với gen Z quốc tế”.
Tâm thế cởi mở, minh bạch từ cấp quản lý là điều cần thiết để dung hòa, giúp gen Z yêu thích văn hóa công ty hơn.
Theo thạc sĩ Tú, nên lắng nghe gen Z nhiều hơn bởi có bạn thích cân bằng cuộc sống và công việc, có bạn lại ưu tiên công việc. Người quản lý nên tùy tính cách, sở trường mà phát huy mỗi bạn, đưa vào đội nhóm hợp lý, đôi lúc không nên giao quá nhiều việc vì sẽ khó hiệu quả.
“Các anh chị đi trước nên góp ý để các bạn trẻ hiểu vấn đề nhưng đừng gay gắt quá” – anh Tú nói.
Khiêm tốn, lắng nghe sẽ còn tiến xa
Tiếp tục những phản hồi sau các bài viết, bạn đọc tên Nguyen cho rằng gen Z bây giờ nhiều bạn sợ lên công ty, đi trễ về sớm, nói thì bảo bó buộc mà không nói không được, chẳng biết làm thế nào để các em ấy tăng hứng thú công việc.
Bạn đọc thieunguyen nói trong công việc chỉ có kết quả mới là cái tôi đáng nể nhất, ngoài ra đều “xoàng” và không đáng đề cập, vì nhiều bạn “không sang mà chảnh là thảm họa”! Chia sẻ hơn, bạn đọc Tiến P. Lê bày tỏ cùng với sự năng động, thế mạnh công nghệ, ngoại hình, thế hệ Z nếu khiêm tốn và biết lắng nghe sẽ tiến rất xa trong sự nghiệp.
Còn bạn chọn cách làm việc với gen Z ra sao, hay là một gen Z, bạn chọn cách ứng xử nào? Vui lòng chia sẻ với chúng tôi qua email: quoclinh@tuoitre.com.vn.