Nhà báo với Trường SaCơ may từ nghề nghiệp đã giúp nhiều người làm báo có cơ hội được đến với Trường Sa – vùng đảo, vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Với hết thảy trong số họ, đó là chuyến hải trình rất đỗi quý giá, không chỉ giúp họ mở rộng trải nghiệm của bản thân, nhân lên tình yêu với đất nước, quê hương mà hơn thế còn thấy rõ hơn trách nhiệm tuyên truyền, phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Báo Nhà báo & Công luận ghi lại một số những cảm xúc, trải nghiệm ấy của họ. |
Theo đại diện Quân chủng Hải quân (Bộ Quốc phòng), từ đầu năm cho đến trước khi đoàn công tác của chúng tôi bắt đầu hải trình (khoảng trung tuần tháng 4/2024), đã có gần 15.000 đại biểu đăng ký đi Trường Sa. Điều đó minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, Ban, ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội, các doanh nghiệp, doanh nhân và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về biển đảo Tổ quốc.
Trong chuyến công tác, đoàn của chúng tôi đã đến thăm, động viên, tặng quà quân, dân tại 5 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/8, các trạm hải đăng, trạm khí tượng, tàu trực… Chứng kiến cuộc sống khó khăn, vất vả và điều kiện thời tiết khắc nghiệt với những ngày nắng cháy da, khi thì bão tố dữ dội mà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân ta phải đối mặt hàng ngày, tôi cảm thấy tự hào và hiểu rõ hơn những đóng góp to lớn, chiến công vẻ vang của lớp lớp các thế hệ đã kiên cường bám trụ, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi càng thêm yêu biển, yêu đảo hơn và nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, cổ vũ các hoạt động hướng về biển, đảo quê hương.
Những năm qua, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều đoàn công tác đã đến với quân, dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK1, tạo nên phong trào “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” đầy ý nghĩa và sức sống mãnh liệt. Những phong trào này không chỉ làm cho đảo gần hơn với đất liền mà còn khẳng định sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng giữa biển khơi là của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân.
Đáp lại tình cảm và lòng mong đợi của cả nước, Quân chủng Hải quân đã và đang nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, xây dựng mỗi đảo, điểm đảo, nhà giàn thành: “Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường và mẫu mực về quan hệ quân dân”. Những chuyến công tác như chúng tôi chính là minh chứng sống động cho sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam và kết quả to lớn của các phong trào hướng về biển, đảo thân yêu. Các đại biểu có những trải nghiệm bổ ích, để lại những dấu ấn và kỷ niệm đẹp, cung cấp thêm thực tiễn quý giá để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp hiệu quả, cùng lực lượng vũ trang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo.
Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với bất kỳ ai ra thăm Trường Sa là Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn. Trước cột mốc chủ quyền, dưới lá cờ đỏ thắm tung bay trong gió biển, từng lời bài hát Quốc ca vang lên với khí thế hào hùng, thiêng liêng đầy kiêu hãnh và tự hào, khẳng định vững chắc chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Lễ chào cờ trên đảo Trường Sa lớn là biểu tượng của sự kiên cường và bất khuất của dân tộc Việt Nam. Mỗi người tham gia Lễ chào cờ đều cảm nhận được tinh thần đoàn kết, ý chí sắt đá và lòng yêu nước mạnh mẽ. Những giọt nước mắt rơi xuống không chỉ vì niềm tự hào mà còn vì sự cảm động trước những hy sinh thầm lặng của các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Đó thực sự là những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc!
Chuẩn Đô đốc Hoàng Hồng Hà – Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân nhấn mạnh: “Lễ chào cờ Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, để cán bộ, chiến sĩ và người dân hiểu được trong bất luận hoàn cảnh nào thì các cán bộ, chiến sĩ cũng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Nhà nước, với Nhân dân và sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ chế độ. Lễ chào cờ tại đảo Trường Sa còn khẳng định chế độ công tác điều lệnh của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ luôn được duy trì nghiêm ở mọi nơi, ngay cả những nơi biển đảo xa xôi, cách đất liền gần 1.000 km”.
Một sự kiện cũng không thể quên đối với tôi là “Lễ Tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc” tại vùng biển gần đảo Gạc Ma, Cô-Lin, Len Đao. Nơi đây, hơn 36 năm về trước, ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam chống lại kẻ thù xâm lược để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Vùng biển Gạc Ma, Cô-Lin, Len Đao mãi mãi trở thành khúc tráng ca hào hùng của dân tộc. Với lòng thành kính và niềm tiếc thương vô hạn, đoàn công tác kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ – những người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến trọn đời mình vì sự toàn vẹn của biển, đảo. Sau lễ dâng hương, đoàn công tác đã thả đài hoa, lễ vật, đèn hoa đăng, những cánh hạc giấy… xuống sóng nước Trường Sa, cầu nguyện hương hồn các liệt sĩ siêu thoát. Trong không khí linh thiêng và xúc động của Lễ Tưởng niệm, nhiều đại biểu không kìm được nước mắt.
Đối với các đại biểu và đặc biệt là những nhà báo như tôi, Lễ tưởng niệm không chỉ là một sự kiện để ghi lại mà còn là dịp để hiểu sâu hơn về lịch sử và tinh thần quả cảm của các chiến sĩ. Những câu chuyện về trận chiến Gạc Ma, về sự kiên cường bảo vệ từng tấc đất, từng hải lý của các Anh hùng liệt sĩ trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho các bài viết trên trang báo…
Biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng, là máu thịt của đất mẹ Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Hiện nay, với những biến động phức tạp trên Biển Đông, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Niềm tin và trách nhiệm bảo vệ Trường Sa, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc cần được củng cố và lan tỏa mạnh mẽ.
Chuyến công tác đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn sự kiên cường, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của những người lính, các lực lượng quân và dân tại Trường Sa. Trở về đất liền, tôi tự nhủ sẽ cùng các đồng nghiệp nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền, để lan tỏa nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng yêu nước trong mỗi người dân, “hòa chung nhịp đập” vào sự nghiệp bảo vệ biển đảo, cho Việt Nam thực sự là quốc gia mạnh về biển, phát triển từ biển và giàu từ biển.
Nguyễn Hường
Nguồn: https://www.congluan.vn/nha-bao-nguyen-huong-bao-nha-bao-va-cong-luan-hoa-chung-nhip-dap-voi-bien-dao-thieng-lieng-post299601.html