Khổ sở vì nước hôi tanh, cặn vôi
Nằm ở vị trí cửa ngõ của tỉnh Hoà Bình, xã Thịnh Minh (TP Hoà Bình, tỉnhHoà Bình) được nhiều người biết đến là nơi có nhà máy nước sạch Sông Đà (thuộc Công ty CP Đầu tư nước sạch Sông Đà). Tuy nhiên, khoảng 1.600 nhân khẩu của xã suốt thời gian dài phải chịu cảnh khổ sở vì thiếu nước sạch sinh hoạt.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (49 tuổi, trú tại thôn Vật Lại) ở ngay cạnh nhà máy nước sông Đà nhưng đã gần 20 năm nay chỉ có lựa chọn duy nhất là dùng giếng khoan.
Theo anh Hưng, mỗi ngày mở cửa ra anh đều nhìn thấy nhà máy nước sạch nhưng khi cúi xuống chậu nước giếng khoan đầy cặn vôi, mùi hôi tanh thì lại ngậm ngùi.
“Chưa có cơ quan chức năng nào mang nước giếng khoan đi kiểm nghiệm chất lượng để biết chính xác thực trạng. Suốt thời gian dài, tôi và các thành viên trong nhà thường xuyên bị mẩn ngứa khi tắm rửa bằng nước giếng”, anh Hưng chia sẻ.
Cách nhà anh Hưng mấy trăm mét, vợ chồng ông Nguyễn Minh Thuận cũng loay hoay với bài toán tìm nguồn nước sạch suốt hơn một thập niên qua. Nguồn nước mà gia đình ông Thuận đang sử dụng không khá hơn so với các hộ dân khác trong vùng.
Bà Nguyễn Thị Hồng (vợ ông Thuận) cho biết: “So với nhiều gia đình khác trong thôn, nhà tôi vẫn còn may mắn, bởi còn những hộ dân không có nổi nước giếng khoan để dùng, họ phải dùng thứ nước có mùi tanh rất khó chịu”.
Đến xã Thịnh Minh, đi dọc những con đường làng không khó để bắt gặp hình ảnh hàng chục vòi nước màu đen túa ra từ những bụi cây. Theo chia sẻ của người dân, vì khan hiếm nước nên dù tiêu tốn nhiều tiền của để thuê người khoan giếng nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được mạch nước. Có gia đình khoan 2-3 lần nhưng vẫn thất bại, có nhà khoan được nước nhưng chất lượng nước nhiều tạp chất, vẩn đục nên không dám dùng để ăn, uống.
Chính vì không thể chủ động tìm nguồn nước giếng khoan nên rất nhiều người dân trong xã phải sử dụng nước từ khe suối chảy về.
Bà Hoàng Thị Ảnh (thôn Vật Lại) phản ánh: “Nước giếng khoan của gia đình tôi khi bơm lên thì màu đục, vị chát và tanh, nếu để qua đêm thì chậu ngả sang màu vàng. Do đó, tôi chỉ dùng nước giếng khoan để tắm rửa chứ không nấu ăn”. Để có nước sạch, nhà bà trông chờ chủ yếu vào nước lấy từ khe núi.
“Khi trời mưa nước lại ô nhiễm do khe nước nằm gần một công trường. Vào mùa khô, nguồn nước khe không đủ để gia đình sinh hoạt”, bà Ảnh nói.
Nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng
Trước thực trạng trên, trả lời VietNamNet, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thịnh Minh cho biết: Hiện tại, xã có 7.236 nhân khẩu với khoảng trên 1.600 hộ. Các hộ vẫn dùng nước giếng khoan và nước từ khe núi.
Còn theo ông Trần Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Minh, thực trạng thiếu nước sạch của người dân trên địa bàn đã tồn tại nhiều năm, chính quyền xã không ít lần kiến nghị lên cấp trên. TP Hoà Bình đã xây dựng đề án giải quyết vấn đề nước sạch cho bà con. Tuy nhiên, việc triển khai vào ngày nào thì xã chưa có thông tin cụ thể.
“Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của mọi người dân chứ không riêng xã Thịnh Minh. Hiện nay vì thiếu nước, đời sống sinh hoạt của bà con sẽ trở nên rất khó khăn. Bởi vậy, điều mong mỏi của các hộ dân trong xã là có đủ nước sạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày”, ông Trần Văn Trường chia sẻ.
* Bài 2: 15 năm dân không có nước sạch dùng, nhà máy nước nói ‘không bán lẻ’
Kỳ lạ Hòa Bình: Vạn tấn rác đổ tạm từ rừng sâu đến con đường triệu USD
Nghìn tấn rác đổ giữa rừng Hòa Bình đã được lãnh đạo tỉnh đồng ý
Hòa Bình gấp rút xây đường, phủ bạt vạn tấn rác bủa vây thành phố