Chiều 28/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình phối hợp Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân (phường Dân Chủ, TP. Hoà Bình) và Công ty Tomas Trade Co.Ltd Hàn Quốc, Công ty ASIA Ocean xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, nhu cầu của doanh nghiệp Hàn Quốc cần khoảng 4.000 tấn ớt muối chua/năm. Dự kiến năm 2024, Công ty TNHH Đầu tư và thương mại Tiến Ngân sẽ xuất khẩu 150 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, từ nay đến cuối năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình sẽ mở rộng khoảng 50 ha diện tích trồng ớt chỉ địa muối chua xuất khẩu, tập trung tại các huyện: Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi và TP. Hòa Bình.
Lễ xuất khẩu hàng ớt muối chua Hoà Bình sang thị trường Hàn Quốc |
Còn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình Nguyễn Huy Nhuận thông tin, xuất khẩu nông sản ở Hoà Bình những năm gần đây có nhiều khởi sắc, tăng trưởng cao cả về sản lượng xuất khẩu và số lượng thị trường xuất khẩu. Với lô ớt xuất khẩu lần này có điểm mới vì đây là lô sản phẩm đầu tiên được xuất khẩu theo đặt hàng từ đối tác nước ngoài (kể cả về chủng loại giống, kỹ thuật sơ chế, chế biến, đóng gói đều đã đáp ứng yêu cầu của đối tác).
Đặc biệt, lô hàng ớt lần này cùng với các sản phẩm khác như mía đường, bưởi diễn, măng Kim Bôi… được kỳ vọng sẽ tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian tới.
Sản phẩm ớt muối chua của Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Tiến Ngân được đưa lên container |
Những năm qua, tỉnh Hòa Bình không chỉ xuất khẩu những mặt hàng truyền thống như mía, cam, bưởi… sang thị trường nước ngoài mà tiến tới đẩy mạnh cả với những sản phẩm, cây trồng mới; đồng thời, củng cố niềm tin của người sản xuất, cán bộ, chính quyền địa phương trong việc tổ chức sản xuất theo yêu cầu đặt hàng.
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng khuyến khích các vùng trồng nông sản chủ lực, doanh nghiệp xuất khẩu mạnh dạn đầu tư dây chuyền, công nghệ để chế biến sâu, tạo động lực để chuyển từ xuất khẩu sản phẩm thô, tươi sống sang xuất khẩu sản phẩm đã chế biến nhằm tăng sản lượng, gia tăng giá trị sản phẩm.