Hòa bình đã lập lại trên mảnh đất hình chữ S được gần nửa thế kỷ, nhưng cứ gần đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27-7, trong lòng tôi lại trào dâng xúc động, tự hào về truyền thống gia đình, những gì mà thế hệ cha ông đi trước đã hiến dâng cho Tổ quốc.
Tiếp bước truyền thống gia đình, tôi đã nỗ lực để thực hiện được ước mơ trở thành người lính Bộ đội Cụ Hồ và hiện nay đang công tác trong Quân chủng Hải quân.
Ký ức thời thơ ấu
Cụ tôi sinh được năm người con thì có ba người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.
Bà nội tôi kể gia đình có truyền thống hiếu học và tham gia cách mạng. Năm 20 tuổi, ông nội đã là đảng viên, giáo viên dạy bình dân học vụ. Nghe theo tiếng gọi Tổ quốc, ông lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông mất vào năm 1968, tại chiến trường ở Thành cổ Quảng Trị.
Ông đi, để lại mẹ già nơi quê nhà đang ngóng trông con từng ngày, để lại người vợ trẻ với bốn người con, mà cậu con út vẫn chưa biết mặt bố.
Năm 1975 khi đất nước được giải phóng, gia đình chúng tôi đã nhiều lần vào Quảng Trị tìm hài cốt ông nội tôi nhưng đều không thấy.
Phải đến năm 1998 qua nhiều nguồn tin, gia đình tôi đã vào Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và tìm thấy ông ở đó. Tôi vẫn nhớ như in ngày đó mình đang học lớp 2, bố và chú út là những người vào Quảng Trị đón ông tôi về quê nhà.
Bà nội đón ông từ đầu làng, hai hàng nước mắt cứ chảy dài không ngớt. Bà ôm di hài ông vào lòng như muốn nói với ông rằng: “Vợ và các con đã đón anh về với quê cha, đất mẹ”.
Điều day dứt nhất với gia đình là ngày đón ông về với quê hương thì cụ tôi – người đã ngóng chờ con trai suốt mấy chục năm trời – không còn nữa.
Gia đình tôi còn một người ông – là anh ruột của ông nội tôi – cũng đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Ngày nhỏ, mỗi lần đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ, bố đều lên xã nhận quà, còn mẹ tất bật ra vườn cắt những nải chuối đẹp nhất để về đặt lên bàn thờ. Nhưng mỗi lần thắp những nén hương thơm là nước mắt của bố mẹ cứ chảy dài trên gò má.
Giá trị của hòa bình là vô giá
Gần 20 năm kể từ ngày hai anh em chúng tôi rời gia đình, xa quê hương vào miền Nam lập nghiệp. Nhưng mỗi lần chuẩn bị đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ, những ký ức thuở nhỏ lại ùa về.
Tôi vẫn nhớ như in những lời kể của mẹ về truyền thống của gia đình: Cụ nội là mẹ Việt Nam anh hùng, bà nội là vợ liệt sĩ, còn bố tôi là con trai của liệt sĩ. Từ khi bắt đầu hiểu chuyện, tôi đã không ngừng cố gắng trong học tập để tiếp bước truyền thống vinh quang và đầy tự hào của thế hệ đi trước trong gia đình.
Mỗi lần đến Ngày Thương binh – Liệt sĩ, hai anh em chúng tôi lại quây quần cùng nhau, sửa soạn trái cây, hoa tươi, thắp nén hương thơm thành kính tri ân thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương để chúng tôi có được như ngày hôm nay.
Anh tôi thường tâm sự với tôi rằng để có được như ngày hôm nay đều là nhờ công ơn giáo dục của bố mẹ và truyền thống tốt đẹp của gia đình, vì vậy anh em mình và cả các con của chúng ta không bao giờ được phép quên điều đó.
Dịp 27-7 năm nay cũng đặc biệt hơn mọi năm vì có mẹ từ ngoài Bắc vào chơi, con cháu được quây quần bên mẹ, nghe mẹ kể những câu chuyện về gia đình mà chúng tôi nghe mãi không chán.
Thế hệ chúng tôi hôm nay có trách nhiệm truyền đạt lại những giá trị tốt đẹp ấy cho các con của mình, để các con hiểu hơn về lịch sử và truyền thống của gia đình. Để mai sau dù ở nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này các con cũng sẽ cống hiến hết mình cho Tổ quốc Việt Nam.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoa-binh-la-vo-gia-2024072318104364.htm