Tại Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy hòa bình bền vững thông qua phát triển chung” do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tổ chức tại New York, Mỹ ngày 20/11 vừa qua, Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo phúc lợi của người dân trong duy trì hòa bình và ổn định. Theo đó, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.
Việt Nam khẳng định: Cần có cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ nhấn mạnh hòa bình là điều kiện tiên quyết cho phát triển, mối quan hệ tương hỗ giữa hòa bình và phát triển càng trở nên quan trọng hơn khi chiến tranh và xung đột vẫn hiện hữu ở nhiều nơi trên thế giới, trong khi việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đang chậm tiến độ. Trong bối cảnh đó, HĐBA cần hoạt động hiệu quả hơn trong thực hiện chức năng ngăn ngừa xung đột, ngăn ngừa chạy đua vũ trang và giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình để tập trung nguồn lực cho phát triển. HĐBA cũng cần quan tâm và ưu tiên giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột có liên quan đến phát triển trong ngăn ngừa xung đột và tái thiết hậu xung đột.
Đại diện Việt Nam cho rằng LHQ, trong đó có HĐBA, cần có cách tiếp cận toàn diện để thúc đẩy hòa bình và phát triển bền vững, phá vỡ vòng luẩn quẩn của xung đột và đói nghèo. Hoạt động của HĐBA và các phái bộ gìn giữ hòa bình và phái bộ chính trị đặc biệt cần được đặt trong bối cảnh tổng thể thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và các sáng kiến quốc tế liên quan, có tính đến yếu tố phát triển trong huy động tài chính cho xây dựng hòa bình.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang cũng nhấn mạnh, HĐBA cần quan tâm hơn đến xử lý các thách thức mới nổi và phi truyền thống đối với phát triển chung và an ninh, trong đó có biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giải quyết các nguy cơ về an ninh của các vấn đề này, đóng góp hiệu quả hơn vào nỗ lực chung nhằm ngăn ngừa tác động tiêu cực đến phát triển.
Từ một nước bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển vượt bậc trong 50 năm qua, với tầm nhìn trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hơn ai hết, Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo phúc lợi của người dân trong duy trì hòa bình và ổn định. Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.
Trước đó, Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận mở về “Thúc đẩy hòa bình bền vững thông qua phát triển chung” dưới sự chủ trì của Trung Quốc – nước Chủ tịch HĐBA tháng 11/2023, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh mối liên hệ giữa hoà bình và phát triển chính là nền tảng cho sự ra đời của LHQ; xây dựng hòa bình là công cụ để đảm bảo an ninh lương thực, tiếp cận giáo dục, y tế và các dịch vụ xã hội cho mọi người dân.
Việt Nam cùng Liên hợp quốc tích cực đóng góp vì an ninh và hòa bình quốc tế
Quan điểm đó đã được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh trong buổi tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chiều 28/10/2023 nhân dịp tham dự Diễn đàn Cấp cao Vành đai – Con đường lần thứ 3. Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò và đóng góp của Tổng Thư ký và Liên hợp quốc cho hòa bình, ổn định, an ninh quốc tế, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn sẵn sàng ủng hộ và tích cực đóng góp vào các nỗ lực chung đó. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, Việt Nam luôn coi Liên hợp quốc là tổ chức hàng đầu vì hòa bình, hợp tác, phát triển trên thế giới và người bạn tin cậy, thủy chung, gắn bó lâu dài của Việt Nam trong mọi chặng đường phát triển đất nước. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cho biết, Việt Nam đang tích cực phối hợp với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc triển khai nhiều hoạt động hợp tác như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bảo đảm công bằng xã hội, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Trước đó, cuối tháng 9/2023, chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78, kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ và thăm chính thức Cộng hòa Liên bang Brazil kết thúc tốt đẹp, đã truyền tải thông điệp lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đến Hoa Kỳ, Brazil và bạn bè quốc tế về một Việt Nam hòa bình, hợp tác và hội nhập, tham gia tích cực hơn, chủ động hơn và hiệu quả hơn vào các tiến trình quốc tế, đóng góp quan trọng cho quan hệ Việt Nam – Liên hợp quốc, Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam – Brazil theo đường lối đối ngoại của Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Mới đây nhất, chuyến công tác của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Tuần lễ Cấp cao APEC và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ đã thành công tốt đẹp. Qua các phát biểu, các hoạt động của Chủ tịch nước, chúng ta đã truyền tải được những thông điệp quan trọng về quan điểm, cách tiếp cận của Việt Nam đối với những thách thức đang đặt ra với thế giới và khu vực, chủ trương, chính sách cụ thể trong triển khai đường lối đối ngoại.
Tại Tuần lễ Cấp cao năm 2023, đóng góp nổi bật của Việt Nam là những ý tưởng và đề xuất của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhằm ứng phó với các vấn đề cấp bách của kinh tế thế giới, đặc biệt là yêu cầu về một tư duy mới bao trùm, hài hoà và nhân văn. Chủ tịch nước cũng đã có những đề xuất cụ thể đối với sứ mệnh và nhiệm vụ của APEC trong giai đoạn mới nhằm thích ứng và tiếp tục thành công. Đó là duy trì và củng cố những thành tựu quan trọng về tự do hoá và tạo thuận lợi thương mại, đầu tư tại châu Á – Thái Bình Dương và toàn cầu. Đó là hợp tác xây dựng khu vực tự cường, từng nền kinh tế tự cường, sẵn sàng ứng phó với các thách thức. Đó là tạo khuôn khổ hợp tác hỗ trợ các nền kinh tế thành viên tận dụng cơ hội phát triển, thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Những ý tưởng, quan điểm này được các nhà Lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao và đưa vào văn kiện của Hội nghị, qua đó mở ra những hướng đi mới cho hợp tác của APEC. Tất cả thành viên APEC đều bày tỏ đánh giá cao những đóng góp rất thiết thực, xây dựng của Việt Nam đối với APEC trong hơn hai thập kỷ qua và khẳng định sự tin tưởng vào vai trò Chủ tịch APEC 2027 của Việt Nam.
Thư Anh