Tokyo hiện được đặt trong tình trạng khẩn cấp thứ 4 kể từ khi bắt đầu bùng dịch Covid-19 vào tầm tháng 2 năm ngoái. Đợt “phong tỏa” đầu tiên diễn ra vào đầu tháng 3. Tokyo cũng như những thành phố lớn khác trên thế giới, không thể tránh khỏi vòng xoáy của virus SARS-CoV-2. Nhớ những ngày “phong tỏa” đầu tiên, các con phố vắng tanh. Bản thân tôi cũng không tránh khỏi bị cuốn vào cơn lốc xoáy này.
Là một người Việt sống và làm việc tại Tokyo gần 10 năm, chưa bao giờ tôi thấy ngã tư Shibuya tấp nập chỉ còn lèo tèo vài bóng người như lúc đó. Người dân lo lắng nên mua đồ ăn nhiều hơn. Các doanh nghiệp lớn bắt đầu cho nhân viên làm việc tại nhà. Hàng quán đóng cửa sớm và chuyển sang bán mang đi. Hầu hết rạp chiếu phim lớn đều đóng cửa, những sự kiện giải trí tụ tập đông người cũng bị hủy… Bầu không khí vắng lặng và u ám bao trùm lấy Tokyo những ngày tháng 3 ngay trước mùa hoa anh đào nở.
Ban đầu, khi chưa biết nhiều về con virus này, ai cũng thật sự lo lắng, nhất là khi mọi thứ còn quá mới mẻ với cả người dân và chính quyền. Mọi động thái đưa ra đều có sự tham gia của các chuyên gia để cân nhắc và thay đổi theo từng thời điểm và diễn biến của dịch. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm kể từ ngày bùng dịch, Tokyo vẫn tiếp tục cuộc sống, mọi thứ vẫn vận hành nhưng theo một cách mà người ta hay gọi là “bình thường mới”.
Lúc trước, cứ mỗi lần “phong tỏa” thì dân chúng có xu hướng mua đồ dự trữ nhưng bây giờ, hầu như không có phản ứng gì đáng kể. Ngay cả trong đợt “phong tỏa” đầu tiên thì các quầy hàng ở siêu thị dù vơi đi cũng ngay lập tức được lấp đầy. Việc phân phối hàng hóa cho Tokyo đã theo một hệ thống từ trước đến nay, không có việc ngăn cấm đi lại nên không ảnh hưởng gì.
Bắt đầu là những tập đoàn lớn hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ để cho nhân viên làm việc tại nhà nhằm giảm khả năng lây nhiễm khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng. Việc đi lại ở Tokyo chủ yếu bằng tàu điện nên đây cũng là việc cấp bách cần làm. Hiện nay thì hầu hết các công ty đều cho nhân viên làm việc tại nhà hoặc luân phiên nhau đến công ty mỗi tuần vài buổi.
Đường phố khu Ginza, trung tâm thủ đô Tokyo – Nhật Bản hôm 15-7
Cá nhân tôi làm việc trong ngành quảng cáo nên được tiếp xúc nhiều sản phẩm khá hay của Nhật trong nỗ lực hoàn thiện quy trình “làm việc tại nhà”. Theo đó, nhiều công ty chú trọng sáng tạo ra các phần mềm IT nhằm giúp doanh nghiệp quản lý nhân viên làm việc tại nhà tốt hơn, giúp nhân viên làm việc tại nhà hiệu quả. Tất cả hướng tới giải quyết mọi việc trên mạng để hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm.
Cá nhân tôi thì nhận ra cần phải quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Tôi nghĩ không chỉ riêng tôi mà nhiều người dân Tokyo khác cũng bắt đầu các hoạt động thể dục thể thao để cải thiện sức khỏe.
Đầu tiên, cách chủ động nhất để đối phó với virus SARS-CoV-2 là tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh thì khả năng bị lây nhiễm sẽ thấp hơn và nếu có lây nhiễm thì khả năng hồi phục cũng cao hơn. Hơn nữa, vì chuyển sang làm việc ở nhà nên mọi người tiết kiệm được thời gian di chuyển.
Tuy vậy, việc ở nhà nhiều một mình cũng dễ gây stress cho nhiều người. Ở Nhật không có việc cấm hay phạt vì ra khỏi nhà. Thời kỳ đầu, vì lo lắng nên người dân cũng ít rời nhà. Hiện nay người ta cũng bắt đầu quay lại cuộc sống thường nhật nhưng vẫn bảo đảm đeo khẩu trang, tránh đến những nơi đông người hay tụ tập trong phòng kín.
Về vấn đề cách ly thì chỉ thời điểm ban đầu khi số người lây nhiễm còn ít mới cho cách ly tập trung. Còn F1 thì tự cách ly tại nhà. Hiện nay, người nhiễm Covid-19 nhưng biểu hiện nhẹ vẫn tự cách ly tại nhà, nếu có biểu hiện nặng hơn thì mới đưa đến bệnh viện. Một vài người tôi quen cũng từng nhiễm và tự cách ly điều trị tại nhà. May mắn các bạn đều vượt qua.
Đã hai mùa hoa anh đào trôi qua kể từ ngày dịch bùng phát tại Nhật. Mỗi lần ngắm nhìn tán hoa anh đào nở rộ dưới nắng tháng 4, tôi đều nghĩ: dù thế nào thì hoa vẫn nở…Con virus này vẫn tồn tại và biến đổi mỗi ngày thì chúng ta vẫn phải tiếp tục chiến đấu, kiên trì và thay đổi để sống chung với nó. Điều quan trọng là phải giữ cho mình một cơ thể khỏe mạnh, một tinh thần sáng suốt. Để cuối cùng sẽ thấy: Dù thế nào thì hoa vẫn nở.