Xác định vai trò, tầm quan trọng của các dự án trong các khu công nghiệp (KCN), UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý các KCN tỉnh tích cực phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung bồi thường - giải phóng mặt bằng (BT-GPMB); đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng năng lực sản xuất và hỗ trợ cho các dự án sớm đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong năm 2025, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh ở mức 2 con số.
Dù nhiều lần kiến nghị, đề xuất, song những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại Khu công nghiệp Bá Thiện II, giai đoạn 2 (Bình Xuyên) vẫn chưa được giải quyết. Ảnh: Đức Chung
Là huyện công nghiệp trọng điểm của tỉnh, đến nay, Bình Xuyên đã có 8 KCN với quy mô diện tích đất hơn 1.776 ha, trong đó có 4 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang xây dựng và 2 KCN đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa được giao đất để xây dựng (Nam Bình Xuyên và Bình Xuyên II - giai đoạn 1).
Các KCN đã thu hút được 403 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 308 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 5,4 tỷ USD và 95 dự án DDI với số vốn đăng ký hơn 23 nghìn tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy các KCN đang hoạt động đạt hơn 84%.
Tuy nhiên, tại các KCN đã được thành lập trên địa bàn huyện vẫn còn 587,3 ha chưa hoàn thành BT-GPMB để giao đất cho chủ đầu tư, dẫn đến phải kéo dài, giãn tiến độ thực hiện dự án, đẩy giá thuê hạ tầng, giá thuê nhà xưởng trong KCN lên cao, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh, hiệu quả của dự án cũng như môi trường đầu tư của tỉnh.
Đến nay, trong số 17 KCN đã được thành lập và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 9 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN đang triển khai xây dựng và 5 KCN đang thực hiện GPMB.
Trong số 82 dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, có 33 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 40 dự án mới cấp và đang làm các thủ tục triển khai dự án, 5 dự án đang thực hiện BT-GPMB và 4 dự án đang giãn tiến độ, chưa triển khai.
Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các dự án sớm đi vào hoạt động, từ năm 2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh đã tích cực hỗ trợ, giải quyết nhanh thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tăng vốn đầu tư hoặc thực hiện thủ tục điều chỉnh bổ sung mục tiêu, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, thay đổi thông tin nhà đầu tư, đổi tên dự án đầu tư...
Có thể kể đến như vướng mắc của Công ty TNHH Inno Flex Vina II thực hiện bổ sung thêm 2 dây chuyền mạ vào quy trình sản xuất; Công ty TNHH Utech Việt Nam trong quá trình chuyển đổi dự án, bổ sung, điều chỉnh mục tiêu hoạt động phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đầu tư của KCN Bình Xuyên; tháo gỡ xong vướng mắc giữa Công ty TNHH DM Vina và Công ty Viettronics về vấn đề liên quan đến địa điểm thực hiện dự án; tham mưu UBND tỉnh giải quyết khó khăn của một số KCN trong việc tìm kiếm nguồn đất san nền...
Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại trong nhiều năm qua liên quan đến công tác BT-GPMB, thiếu nhà ở công nhân hay khó khăn cục bộ như thiếu đất san nền, xác định giá thuê đất... đã và đang khiến nhiều dự án trong các KCN chậm tiến độ xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc - Phú Thọ, Vĩnh Phúc được xác định là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho toàn vùng và đóng vai trò là trung tâm công nghiệp của vùng Thủ đô Hà Nội. Chính vì vậy, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số trong năm 2025, qua buổi làm việc, kiểm tra thực địa và nghe UBND các huyện Bình Xuyên, Tam Dương và các chủ đầu tư báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong công tác BT-GPMB các dự án KCN mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đã giao các sở, ngành phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện phương án tái định cư phù hợp với thực tiễn, tháo gỡ những vướng mắc về trình tự, thủ tục thực hiện công tác BT-GPMB theo quy định trong thời gian sớm nhất.
Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Bình Xuyên kiến nghị với lãnh đạo tỉnh về khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Ảnh: Đức Chung
Đặc biệt đối với Bình Xuyên - huyện trọng điểm phát triển các KCN của tỉnh với quyết tâm xây dựng phương án cưỡng chế đối với những trường hợp chây ỳ; quyết tâm hoàn thành công tác BT - GPMB dự án KCN Nam Bình Xuyên trước tháng 12/2025.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN theo quy định.
Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Ban Quản lý các KCN tỉnh tiếp tục chủ trì phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố rà soát, tham mưu UBND tỉnh tình hình thực tế và các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư xây dựng, hoàn thiện hạ tầng 8 KCN đang triển khai trên địa bàn tỉnh gồm Sông Lô I, Sông Lô II, Tam Dương I - Khu 2, Tam Dương II - khu A, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa - Liễn Sơn - Liên Hòa, Phúc Yên, Đồng Sóc, nhất là về BT-GPMB, xác định giá thuê đất…
Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tích cực cho 32 dự án dự kiến đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 nhằm đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả kế hoạch chương trình xúc tiến, thu hút đầu tư vào các KCN của tỉnh theo định hướng, chủ trương của tỉnh; trong đó, ưu tiên công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hạ tầng KCN; phấn đấu thu hút vốn đầu tư trong KCN tối thiểu đạt 690 triệu USD vốn FDI và 2 nghìn tỷ đồng vốn DDI.
Lưu Nhung
Nguồn: https://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/124042/Ho-tro-tich-cuc-cac-du-an-trong-khu-cong-nghiep
Bình luận (0)