TPO – Ngày 16/11, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) huyện Đam Rông bàn giao một số mô hình đa dạng sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo thuộc 4 xã đặc biệt khó khăn, bao gồm Đạ M’Rông, Đạ Long, Đạ Tông và Liêng Srônh.
Thanh niên tình nguyện hướng dẫn người dân vùng sâu vùng xa làm phân bón từ vỏ cà phê |
Năm nay, từ nguồn kinh phí Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo”, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) được Ủy ban MTTQVN tỉnh phân bổ trên 3,4 tỷ đồng để hỗ trợ các mô hình đa dạng sinh kế cho hộ nghèo và cận nghèo thuộc các xã đặc biệt khó khăn.
Ủy ban MTTQVN huyện Đam Rông đã tiến hành khảo sát, quyết định hỗ trợ sinh kế cho 167 hộ đã đăng ký thoát nghèo; trong đó, có 82 hộ đề nghị được hỗ trợ máy móc, nông cụ các loại phục vụ sản xuất như máy tưới, ống nước, máy phát cỏ, máy xịt thuốc và máy cày tay.
Bên cạnh đó, 64 hộ có nhu cầu được hỗ trợ dụng cụ nuôi tằm và giống tằm con, 20 hộ đề nghị được hỗ trợ giống sầu riêng và phân bón…
Đến nay, huyện Đam Rông đã bàn giao xong các dụng cụ nuôi tằm cho các hộ nghèo và chuẩn bị bàn giao những mô hình sinh kế còn lại cho các hộ nghèo.
Mặt khác, huyện Đam Rông được phân bổ gần 6 tỷ đồng để triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; trong đó, trên 5,3 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và hơn 602 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Với số vốn này, huyện Đam Rông triển khai thực hiện một số dự án như: Đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…
Theo ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Đam Rông, hiệu quả lớn nhất mà các mô hình sinh kế mang lại là đã từng bước thay đổi nhận thức của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
“Cùng với sự hỗ trợ về vốn đầu tư lẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt từ Nhà nước, người dân huyện Đam Rông đã mạnh dạn, tự tin phát triển kinh tế gia đình để giảm nghèo bền vững. Đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng chủ động hơn trong việc làm ăn; không trông chờ, ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước”, ông Hương nhấn mạnh.
Cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở Đam Rông lên tới 19,3%. Năm nay, với việc triển khai đạt hiệu quả nhiều chương trình, dự án, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều xuống còn 14,3%.
Nguồn: https://tienphong.vn/ho-tro-sinh-ke-cho-167-ho-ngheo-o-vung-sau-vung-xa-dam-rong-post1587681.tpo