Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS) giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, những năm qua, bên cạnh việc tập trung hỗ trợ cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân tỉnh (HND) đã quan tâm, triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ nông dân trong việc chuyển đổi số (CĐS).
Nhiều giải pháp được HND tỉnh triển khi thực hiện để thúc đẩy CĐS trong hội viên nông dân, trong đó phát triển bán hàng qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) được xem như một hình thức tiêu thụ hàng hóa hiệu quả, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, mở ra hướng đi mới bền vững cho các mặt hàng nông sản và thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp. Thông qua việc ký kết giữa HND Việt Nam và Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về “Hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025, đã góp phần tạo tiền đề cho nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh có đầu ra ổn định hơn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 17.110 hộ sản xuất nông nghiệp mở tài khoản mua và bán, trong đó có 11.004 tài khoản được kích hoạt.
Nông dân xã Bắc Phong (Thuận Bắc) chăm sóc vườn rau thủy canh.
Việc hỗ trợ nông dân thực hiện CĐS đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy một trong những khó khăn của đa số các cơ sở, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ nên việc tiêu thụ nông sản thường bị hạn chế về quy mô sản xuất lẫn kinh nghiệm marketing online, nên việc đăng tin giới thiệu, quảng bá sản phẩm chưa gây được ấn tượng với khách hàng và còn lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng, kỹ năng bán hàng trên mạng… Do vậy, để hỗ trợ nông dân từng bước thương mại hóa sản phẩm trên sàn TMĐT, đẩy mạnh CĐS trong nông nghiệp, HND các cấp đã tổ chức tập huấn kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh, doanh. Hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp cách mở tài khoản, tham gia giao dịch trên sàn TMĐT, quảng bá sản phẩm trên địa chỉ Postmart.vn, … Từ đó, giúp hội viên nông dân nắm chắc, hiểu rõ về việc đưa thông tin và tiêu thụ sản phẩm trên sàn TMĐT, góp phần quảng bá, mở rộng thị trường để nâng cao thu nhập cho bà con cũng như góp phần thúc đẩy phát triển ngành Nông nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Lắm, Chủ tịch HND huyện Thuận Bắc, cho biết: Đến nay, huyện đã có 4 sản phẩm là Nấm bào ngư xám, Rau thủy canh (xã Bắc Phong), Gùi thôn Tập Lá (xã Phước Chiến), Mãng cầu dai sạch (xã Phước Kháng) của 2 cơ sở và 2 hội viên nông dân được hỗ trợ đưa lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. HND huyện đang tích cực phối hợp các đơn vị chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các hộ hội viên nông dân đăng ký mã QR, tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, để nông sản được chứng nhận sản phẩm VietGAP, hỗ trợ quảng bá nông sản trên trang web,…
Bên cạnh việc triển khai đưa nông sản lên sàn TMĐT, HND tỉnh còn phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản tỉnh tổ chức các lớp tuyên truyền kiến thức pháp luật, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong thu mua, sơ chế, chế biến nông, lâm, thuỷ sản và tích cực tham gia hội chợ kết nối nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như: Tham gia giới thiệu gian hàng trực tuyến tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại tỉnh Sơn La trên nền tảng Postmart.vn; tổ chức gian hàng trưng bày nông sản địa phương gắn với tuyên truyền giao diện sàn giao dịch thương mại Postmart.vn và giới thiệu sản phẩm sau thu hoạch nhân dịp tổ chức Hội thi “Nhà Nông đua tài” tỉnh năm 2022,…
Gần đây nhất, HND tỉnh cùng với Viễn Thông tỉnh Ninh Thuận ký kết thỏa thuận hợp tác về CĐS giai đoạn 2023-2028, đây được xem là giải pháp nhằm hướng đến xây dựng dữ liệu trong nông dân, thúc đẩy quá trình CĐS trong nông nghiệp. Trong đó, hướng đến tập trung nâng cao việc quản lý điểm, tích hợp thanh toán, ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao thương hàng hóa hằng ngày giữa tổ chức với cá nhân, tem truy xuất nguồn gốc các sản phẩm đặc sản của tỉnh Ninh Thuận trên internet và mạng xã hội, biên lai điện tử hàng hóa giữa tổ chức, cá nhân trong kinh doanh hàng hóa…
Ông Nguyễn Dâng Tuyển, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp là yêu cầu bắt buộc để nông dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao hiệu quả sản xuất, hướng đến chất lượng cao hơn và giảm chi phí sản xuất để gia tăng lợi nhuận. HND tỉnh xác định việc hỗ trợ hội viên nông dân CĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng mang tính chiến lược lâu dài. Để ứng dụng TMĐT hiệu quả, trong thời gian tới các cấp Hội quan tâm đầu tư, hỗ trợ nông dân nhiều hơn nữa về các điều kiện tham gia sàn TMĐT từ khâu truy xuất nguồn gốc đến mã vùng trồng, vùng nuôi; tập huấn kỹ năng số và sử dụng các thiết bị di động thông minh để thuận lợi trong quá trình giao dịch trên sàn TMĐT.
Anh Thi