- Bình Dương sáng tạo nhiều mô hình giảm nghèo
- Quảng Nam xây dựng mô hình trồng cây dược liệu có giá trị kinh tế trên địa bàn huyện Bắc Trà My
Cụ thể, căn cứ đề xuất các dự án, mô hình là các nghị quyết, nghị định của Chính phủ, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của Bộ, ngành hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đề xuất các dự án, mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới: Hỗ trợ phát triển chăn nuôi bò sinh sản cho phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo góp phần thúc đẩy bình đẳng giới và các mục tiêu về giảm nghèo của địa phương.
Hồ sơ đề xuất các dự án, mô hình bao gồm: Văn bản đề xuất thực hiện dự án, mô hình Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo về bình đẳng giới năm 2023; dự án, mô hình dự kiến triển khai thực hiện. Hồ sơ năng lực của đơn vị đề xuất thực hiện dự án gồm: Quyết định quy định chức năng nhiệm vụ hoặc giấy phép kinh doanh, hoạt động; tổ chức bộ máy, năng lực tài chính và thông tin liên quan đến năng lực của đơn vị; các hoạt động đã thực hiện liên quan đến dự án, mô hình đề xuất; thông tin liên hệ (email, website, địa chỉ, số điện thoại). Thời gian thực hiện dự án trong năm 2023 trên phạm vi cả nước, ưu tiên các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Đối tượng hỗ trợ: Theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 và các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình. Kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 giao cho Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH theo Quyết định số 1376/QĐ-LĐTBXH ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH về việc giao dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2023.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, năm 2022, ngân sách nhà nước đã ưu tiên bố trí 23.000 tỷ để thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Đến cuối năm 2022, cả nước có 1.057.374 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 4,03% tổng số hộ của cả nước.
Tuy nhiên, thách thức phải kể đến là phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu sinh kế, việc làm, thu nhập thấp, không ổn định. Việc ban hành văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn chậm ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình; triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 ở một số địa phương còn chậm… Những tháng đầu năm 2023, Bộ tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Đồng thời, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai kế hoạch và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Đến nay, kinh phí thực hiện Chương trình đã phân bổ là 12.692 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư phát triển là 5.400 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 7.292 tỷ đồng. Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản hướng dẫn về phạm vi, đối tượng phân bổ vốn Chương trình năm 2023.
Theo số liệu theo dõi của Bộ Tài chính, đến hết tháng 3/2023, tổng vốn đầu tư phát triển Chương trình đã giải ngân là 867,434 tỷ đồng, đạt khoảng 8,7% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, chính sách hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, hỗ trợ tiền điện, chính sách trợ giúp pháp lý…