Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan hiểu rõ hơn về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA, chính sách và pháp luật của một số quốc gia thành viên EVFTA, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ và tận dụng các lợi thế từ Hiệp định, ngày 28/211/2024, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phối hợp với Sở Công thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đóng vai trò quan trọng trong quan hệ đối tác toàn diện, thúc đây hội nhập, nâng cao thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Liên minh châu Âu. Trong đó, các cam kết về cạnh tranh Hiệp định EVFTA gồm nhiều cam kết có ý nghĩa quan trọng, tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, công bằng cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam và các nước thành viên EU; qua đó góp phần thúc đây mục tiêu về thương mại, đầu tư và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của các nước thành viên. Việc hiểu rõ và thực hiện đúng các cam kết về cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tận dụng các cơ hội do Hiệp định mang lại trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn tránh được những rủi ro pháp lý và bảo vệ quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh quốc tế.
Tại hội thảo, đại diện của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã phổ biến chính sách, quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; chính sách, quy định về cạnh tranh không lành mạnh và việc tuân thủ chính sách, pháp luật cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, đưa ra những lưu ý cho cộng đồng doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, khuyến nghị các doanh nghiệp Bà Rịa – Vũng Tàu cần chủ động hiểu, nắm rõ và tuân thủ pháp luật về cạnh tranh; thông tin đến cơ quan cạnh tranh về dấu hiệu các hình vi phản cạnh tranh trên thị trường, những giao dịch tập trung kinh tế có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh; hợp tác với cơ quan cạnh tranh trong quá trình điều tra vụ việc cạnh tranh; hướng dẫn, đào tạo nhân viên về các quy định pháp luật cạnh tranh.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan hiểu rõ hơn về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định EVETA, chính sách và pháp luật của một số quốc gia thành viên EVETA. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn trong việc tuân thủ và tận dụng các lợi thế từ hiệp định.
Hiệp định thương mại được thiết kế không chỉ để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu. Các doanh nghiệp cần chú ý một số nội dung về pháp luật cạnh tranh của Việt Nam và EU nhằm tận dụng tốt nhất lợi ích do Hiệp định EVFTA đem lại khi tiến hành hoạt động kinh doanh tại thị trường EU.
Hiệp định EVFTA mang lại cơ hội và thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh của Việt Nam cũng như của EU, cụ thể ở đây là các doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam không chỉ kinh doanh, buôn bán hàng hóa sang lãnh thổ các nước trong EU mà ở chiều ngược lại các tổ chức, cá nhân tại EU cũng có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển mở rộng thương mại tại Việt Nam. Bởi vậy, việc nắm chắc pháp luật cạnh tranh Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác của mình không bị thua thiệt ngay trên chính phần sân nhà.
Nguồn: https://moit.gov.vn/tin-tuc/phat-trien-nguon-nhan-luc/ho-tro-doanh-nghiep-hieu-ro-hon-ve-cam-ket-canh-tranh-trong-hiep-dinh-eveta.html