Bệnh nhân nam (sinh năm 1956) được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn, Lào Cai với chẩn đoán suy tim EF 15%, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính. Trước đó, người bệnh đã được điều trị tại Bệnh viện tỉnh Lào Cai 2 tuần, được mở khí quản và chuyển Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn điều trị tiếp.
Trong thời gian điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn, tình trạng của người bệnh đang ổn định, đột ngột xuất hiện mất ý thức. Cùng các bác sĩ Khoa Cấp cứu tại đây, bác sĩ Nguyễn Văn Ánh, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội ngay lập tức tiếp cận người bệnh.
Các bác sĩ đánh giá người bệnh có dấu hiệu ngừng tuần hoàn nên đã triển khai phác đồ cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao. Sau hơn 30 phút với 4 lần sốc điện, kèm sử dụng các thuốc trong cấp cứu như adrenalin, lidocain, magie sulfat… người bệnh dần khôi phục tuần hoàn trở lại.
Do người bệnh được phát hiện sớm, đồng thời, nhân viên y tế tại khoa cấp cứu, Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn đã được đào tạo lại về cấp cứu ngừng tuần hoàn nên việc tiếp cận, đánh giá kèm xử trí vô cùng nhanh chóng.
Người bệnh sau cấp cứu đã khôi phục ý thức hoàn toàn, cắt được vận mạch, thở máy hỗ trợ. Hiện tại, người bệnh đã được rút ống mở khí quản, xuất viện và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường tại nhà.
Thời gian vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã cử nhiều đoàn bác sĩ nội trú về huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa thuộc tỉnh Lào Cai nhằm tạo cơ hội cho người dân tại đây được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên.
Trường hợp người bệnh trên may mắn được cấp cứu ngừng tuần hoàn thành công ngay ở tuyến huyện.
Khi về công tác tại cơ sở y tế này, bác sĩ Ánh đã có trao đổi với các đồng nghiệp tại Bệnh viện Văn Bàn về cấp cứu ngừng tuần hoàn.
Vì thế, ngay khi người bệnh đột ngột mất ý thức đúng lúc đang giao ban bệnh viện, điều dưỡng tại bệnh phòng đã tiếp cận, lập tức ép tim sau khi đánh giá có ngừng tuần hoàn. Đồng thời, khẩn trương báo động cho những nhân viên y tế khác. Các bác sĩ có mặt ngay sau đó, quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn được triển khai.
Chia sẻ về thời điểm cấp cứu khẩn cấp, bác sĩ Ánh cho hay, thông thường, những ca ngừng tim từ 30 phút sẽ có kỳ vọng tim đập trở lại rất thấp.
“Tôi cùng các đồng nghiệp của Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn đều rất hồi hộp. Tuy nhiên, sau đó người bệnh đã có mạch đập trở lại, bắt đầu cử động tay và đầu. Khi ấy chúng tôi đều hy vọng người bệnh sẽ có cải thiện tốt về chức năng thần kinh. Hiện tại, bệnh nhân đã xuất viện về nhà và trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường”, bác sĩ Ánh nói.
Ngừng tuần hoàn là trường hợp cấp cứu thường gặp tại Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội, nhưng ít gặp ở các bệnh viện tuyến huyện.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để nâng cao hiệu quả trong công tác cấp cứu, việc đào tạo đặc biệt là đào tạo về cấp cứu ngừng tuần hoàn nâng cao cần phải được tiến hành thường xuyên cho nhân viên y tế.
Chương trình hợp tác hỗ trợ chuyên môn giữa Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện đa khoa huyện Văn Bàn nói riêng cũng như các bệnh viện tuyến huyện của tỉnh Lào Cai nói chung đã góp phần nâng cao chất lượng y tế, chăm sóc người bệnh.
Nguồn: https://nhandan.vn/ho-tro-benh-vien-tuyen-huyen-vung-cao-cuu-thanh-cong-ca-benh-ngung-tuan-hoan-post814748.html