Ngày 12.9, bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Minh Thuận, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM), cho biết dị vật là khoen khóa lon bia có kích thước 2×1 cm, nằm sâu trong niêm mạc phế quản, tạo ổ nhiễm trùng khu trú.
Dị vật mắc kẹt trong đường thở người bệnh lâu ngày, hiện tượng thực bào xảy ra khiến các mô hạt mọc nhiều, che lên và bao phủ xung quanh dị vật.
“Càng để lâu, dị vật càng ăn sâu vào mô niêm mạc phế quản, nguy cơ biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng”, bác sĩ Minh Thuận cho biết.
Khai thác bệnh sử, ông N. cho biết trong một lần ăn uống, cháu ông lỡ bỏ một khoen khóa lon bia vào ly của ông. Ông quên lấy ra, sau đó vừa ăn vừa uống cạn ly. Lúc đó ông ho, sặc, đi khám tại bệnh viện địa phương, nội soi dạ dày và chụp X-quang cột sống cổ nhưng không phát hiện dị vật.
Bác sĩ Minh Thuận cho biết 2 kỹ thuật trên không phát hiện được dị vật đường thở. Cần chụp X-quang ngực thẳng hoặc CT phổi mới chẩn đoán chính xác.
Ông N. được chỉ định điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh kết hợp kháng viêm liều cao liên tục 5 ngày để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng và ngăn ngừa biến chứng viêm phổi. Sau đó, chỉ định loại bỏ dị vật trong phế quản người bệnh bằng phương pháp nội soi phế quản ống mềm.
Nội soi loại bỏ dị vật tại phòng mổ
Bác sĩ nhận định dị vật nằm sâu trong niêm mạc phế quản và có nhiều mô hạt bao phủ lên trên nên quá trình nội soi loại bỏ dị vật rủi ro cao làm rách phế quản. Khi đó, máu chảy ồ ạt trong đường thở, khó cầm, nguy hiểm tính mạng người bệnh.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa, thống nhất chỉ định nội soi loại bỏ dị vật tại phòng mổ. Trường hợp nguy cấp có thể chuyển sang can thiệp mổ hở ngay lập tức.
Trong thời gian 30 phút, bác sĩ kỹ lưỡng thao tác, xoay và ấn dị vật từng chút một, lấy thành công dị vật ra ngoài. Hết thuốc mê, ông N. tỉnh lại, nói chuyện, đi đứng, ăn uống bình thường. Tình trạng ho cải thiện rõ rệt.
“Khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ hóc dị vật đường thở. Người bệnh nên thăm khám kịp thời tại chuyên khoa hô hấp hoặc nội tổng hợp. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định chụp X-quang ngực thẳng hoặc CT phổi giúp chẩn đoán, phát hiện kịp thời các dị vật. Từ đó, có biện pháp can thiệp lấy dị vật ra ngoài an toàn, tránh để lâu nguy hiểm”, bác sĩ Thuận khuyến cáo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ho-khan-3-thang-di-kham-phat-hien-khoen-khoa-lon-bia-ket-trong-phoi-185240912150724043.htm