Viết cho thiếu nhi là một hành trình dài và xuyên suốt, nên với tôi, đây là công việc mang đến niềm vui, niềm hân hoan nhiều hơn. Nếu không vui thì chắc tôi sẽ không theo đuổi đến tận bây giờ. Bởi nếu có khó khăn gì, tôi thường nghĩ đến niềm vui để bước tới.
HỒ HUY SƠN
Tác giả trẻ này hiện viết văn làm báo ở TP.HCM.
Cho đến nay gia tài văn chương của anh đã lên đến hàng chục tác phẩm, có thể kể đến Con trai con gái (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2007), Đi qua những mùa vàng (Nhà xuất bản Kim Đồng, 2017), Những ngọn đèn thơm (Nhà xuất bản Văn học 2022)…
* Từ những tên riêng có mỹ thuật đẹp mắt, ngôn ngữ giản dị. Bởi vì anh hướng tác phẩm này đến thiếu nhi?
– Khi đọc những ấn phẩm mang tinh thần “Tiếng Việt mến yêu” của Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi thích thú với cách làm gần gũi, thiết thực, hữu ích với các em nhỏ.
Không ít người có mặc định sách về ngôn ngữ, về tiếng Việt phải được viết bởi những nhà văn hóa hay chuyên gia ngôn ngữ.
Những ấn phẩm hàn lâm đương nhiên cần thiết, nhưng để hướng đến bạn đọc nhỏ tuổi, cần có cách thể hiện khác: gần gũi, đẹp mắt, và không thể thiếu yếu tố thú vị.
Có như vậy mới tạo ra nguồn cảm hứng để các em tìm hiểu, khám phá, từ đó thêm yêu tiếng Việt hơn.
* Theo anh, viết cho thiếu nhi sẽ có khó khăn gì?
– Gần đây, tôi thấy không khí sáng tác, viết sách cho thiếu nhi có những bước chuyển tích cực. Sách cho thiếu nhi không chỉ đặc sắc về nội dung mà còn “ghi điểm” bởi hình thức.
Đó là nhờ các nhà xuất bản mạnh dạn đầu tư và hiểu thị hiếu của bạn đọc nhỏ tuổi bây giờ. So với sách thiếu nhi nước ngoài, sách thiếu nhi trong nước giờ đây không kém cạnh.
Có điều, theo tình trạng chung, sức đọc kéo theo sức mua vẫn còn ít khiến những tác giả nói chung và những tác giả viết sách cho thiếu nhi nói riêng ở Việt Nam chưa có nhiều động lực.
Chỉ một số ít ấn phẩm có số lượng phát hành vượt trội, còn đa phần dừng ở 1.000 – 2.000 cuốn cho mỗi lần in.
Dân số của nước ta trên 100 triệu người, nhóm tuổi từ 0 – 14 chiếm 23,9% (số liệu năm 2023). Rõ ràng con số 1.000 – 2.000 cuốn không thấm tháp vào đâu so với hơn 20 triệu trẻ em ở Việt Nam.
Tôi vừa đọc lại Cô gà mái xổng chuồng của nhà văn Hwang Sun Mi. Đây là một trong những cuốn sách được yêu thích nhất của văn học thiếu nhi Hàn Quốc. Nhưng theo tôi, ở Việt Nam không hiếm những tác phẩm hay như vậy hoặc hơn.
Chẳng hạn như Dế Mèn phiêu lưu ký, rồi sau này có Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ, Một thiên nằm mộng.
Trong khi Cô gà mái xổng chuồng được Bộ Giáo dục Hàn Quốc khuyên đọc, và được tái bản nhiều lần khi xuất bản ở Việt Nam thì chính ta dường như chưa có một chính sách hay một sự ưu ái nào tương tự vậy! Nếu có, tôi nghĩ cũng sẽ tạo ra những động thái tích cực cho cả người viết lẫn người đọc.
* Còn thơ cho thiếu nhi, có phải thơ ca hôm nay ít có bài ấn tượng như các bài thơ viết cho thiếu nhi ngày trước?
– Đến bây giờ, sau hàng chục năm đã trôi qua, tôi và các bạn vẫn lẩm nhẩm những câu thơ mà mình đã từng học, thấy lòng không khỏi bùi ngùi.
Những Thương ông (Tú Mỡ), Nói với em (Vũ Quần Phương), Gửi lời chào lớp một (Hữu Tưởng), Cô dạy (Phạm Hổ), Quạt cho bà ngủ (Thạch Quỳ)… Ngày xưa, chúng tôi bắt buộc phải học thuộc lòng. Có lẽ nhờ thế các bài thơ in sâu trong tâm trí.
Bây giờ, phương tiện giải trí quá nhiều khiến cho sự tập trung bị phân tán. Việc đọc và nhớ một bài thơ nào đó dường như là hơi xa xỉ. Nếu nói thơ ca hôm nay ít ấn tượng như ngày trước thì có vẻ hơi bất công.
Gần đây, tôi lại thấy thơ người lớn in ra để tặng thì ngược lại, những tập thơ thiếu nhi được các nhà xuất bản đầu tư, vẽ tranh, in màu rất đẹp; và hẳn nhiên phát hành rộng rãi.
Chỉ là thời thế thay đổi, việc đọc thơ cũng bị tác động nhiều. Sự bận rộn khiến người ta không có nhiều thời gian để lắng mình với thơ, có chăng chỉ lướt qua.
* Hồ Huy Sơn đã có một tập thơ thiếu nhi đấy?
– Tôi viết cho thiếu nhi từ khi còn là cậu học trò, đến nay cũng xấp xỉ 25 năm rồi.
Những tác phẩm văn học thiếu nhi (gồm thơ và văn xuôi) khiến mình thích thú thường được viết bởi những tác giả có tình yêu lớn với thiếu nhi, và thường đó là những người vẫn còn giữ cho mình sự hồn nhiên dù ai cũng biết không dễ.
Mỗi ngày tôi vẫn tự nhắc mình cố gắng bớt sân si, bớt tính toán và giữ được nhiều nhất sự hồn nhiên để có thể viết cho thiếu nhi.
Không có sự hồn nhiên, tôi nghĩ sẽ khó mà viết được cho thiếu nhi. Người đọc bây giờ tinh lắm, đọc là phát hiện ra liền, khó giấu!