Sự nhiệt tình của nhà đầu tư đã giảm xuống khi các chỉ số kinh tế yếu đi trong khi bối cảnh toàn cầu cho thấy căng thẳng chính trị gia tăng còn tăng trưởng kinh tế giảm sút.
Dường như thị trường chứng khoán đang mất niềm tin vào đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc. (Nguồn: SCMP) |
Những hy vọng về đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc sau đại dịch đang phai nhạt khi các nhà đầu tư nhỏ lẻ tại nước này chứng kiến sự xuống giá của cổ phiếu.
Các nhà môi giới Trung Quốc từng kỳ vọng hàng tỷ NDT tiền tiết kiệm sẽ đổ vào thị trường chứng khoán trong năm nay khi nền kinh tế phục hồi và sự không chắc chắn đối với thị trường bất động sản sẽ khiến cổ phiếu trở thành một trong những kênh đầu tư duy nhất.
Tuy nhiên, khi lượng tiền mặt từ nước ngoài không đổ vào thị trường chứng khoán Trung Quốc, các hộ gia đình cũng quay lưng khiến thị trường chứng khoán sụt giảm.
Chỉ số Hang Seng của thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc) đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Sự mất đà của thị trường chứng khoán đang khiến thúc đẩy các nhà đầu tư rút vốn. Các cuộc phỏng vấn với hàng chục nhà đầu tư nhỏ lẻ cho thấy thất vọng là tâm lý phổ biến.
Theo Chủ tịch Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc Yi Huiman, các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Trung Quốc cũng là một lực lượng lớn trên thị trường, khi chiếm khoảng 60% doanh thu.
Số dư giao dịch ký quỹ chứng khoán của nước này đang dao động quanh mức thấp nhất trong một tháng. Doanh thu trên thị trường cổ phiếu hạng A cũng ở mức thấp nhất kể từ đầu tháng Ba.
Việc tạo tài khoản môi giới đã giảm trong tháng Tư. Các đợt ra mắt quỹ tương hỗ, một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư, cũng giảm.
Nhà kinh tế trưởng của tập đoàn Grow Investment Group Hong Hao nhận định, dường như thị trường chứng khoán đang mất niềm tin vào đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc.
Sự nhiệt tình của nhà đầu tư đã giảm xuống khi các chỉ số kinh tế yếu đi và bối cảnh toàn cầu cho thấy căng thẳng chính trị gia tăng còn tăng trưởng kinh tế giảm sút.
Tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng Tư đều thấp hơn dự báo. Các khoản cho vay giảm mạnh trong khi những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự phụ thuộc vào sản xuất của nước này đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Tất cả những vấn đề trên đều khiến các nhà đầu tư trong nước lo lắng. Wang Zaizheng, một nhà đầu tư cho rằng, thật khó để nắm bắt các cơ hội đầu tư trong năm nay khi các chủ đề xoay chuyển quá nhanh và cần thận trọng trước những rủi ro về chính sách và địa chính trị.
Tuy nhiên, không phải mọi dấu hiệu đều trở nên tiêu cực. Một số nhà quan sát coi sự trở lại của các nhà đầu tư địa phương như một sự thúc đẩy mạnh mẽ.
Ông Chi Lo, chiến lược gia đầu tư tại BNP Paribas Asset Management có trụ sở tại Hong Kong dự báo, khoảng 800 tỷ NDT sẽ được đầu tư vào thị trường.
Bên cạnh đó, ông Hayden Briscoe, người đứng đầu bộ phận quản lý tài sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương của UBS Asset Management, cho biết, những nhà đầu tư địa phương sẽ thúc đẩy thị trường tăng trưởng mạnh mẽ hơn và việc mở rộng hoạt động cho vay phi ngân hàng gần đây là một dấu hiệu tích cực sớm cho thấy dòng tiền bắt đầu chảy vào nền kinh tế.