Với hơn 70% đơn vị vận tải có số lượng dưới 5 xe như hiện nay, các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ, nhất là đảm bảo ATGT và tính mạng hành khách.
Đảm bảo công bằng, bình đẳng
Theo quy định hiện nay, chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) mới được kinh doanh loại hình xe tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe chở container. Nhưng thực tế cho thấy, các HTX vận tải chủ yếu chỉ làm thủ tục để thu tiền, bán phù hiệu, không nắm bắt được xã viên hoạt động ra sao. Giám đốc các HTX hầu như không có tiếng nói gì đối với xã viên.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, theo hình thức này, bản chất quy trình quản lý kinh doanh vẫn là chủ hộ thực hiện.
Theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ quy định về hoạt động vận tải, hộ kinh doanh cá thể có thể trực tiếp tham gia kinh doanh vận tải mà không phải thông qua các HTX.
Lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, việc cho phép hộ cá thể được mở rộng loại hình kinh doanh đảm bảo quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp, cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nhìn nhận, việc cho phép hộ cá thể được kinh doanh xe taxi, tuyến cố định, xe buýt thể hiện chủ trương của Nhà nước là mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật.
Tính đến hết năm 2023, có gần 90.000 đơn vị kinh doanh vận tải với 946.000 phương tiện (cả hành khách và hàng hóa). Tính riêng vận tải khách, có hơn 82% các đơn vị có dưới 5 xe.
Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ đối với hộ kinh doanh cá thể, đảm bảo thị trường kinh doanh vận tải cạnh tranh lành mạnh.
Ông Nguyễn Công Hùng nhìn nhận, kinh doanh vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, liên quan tới tính mạng con người. Hộ kinh doanh cá thể chỉ có 1-5 xe, không đủ chi phí để thành lập bộ máy đào tạo, kiểm soát các vấn đề về ATGT.
“Vì vậy, hộ cá thể vẫn phải có bộ phận quản lý theo dõi về ATGT, có thể linh hoạt quy định chủ xe cũng đồng thời là người theo dõi ATGT. Đồng thời, có chế tài cụ thể để xử lý khi để xảy ra sự cố mất an toàn”, ông Hùng nói.
Đã kinh doanh phải có bộ phận an toàn
Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, số lượng xe của hộ kinh doanh thường chỉ một vài xe, nếu yêu cầu họ thực hiện đầy đủ các yêu cầu quản lý như doanh nghiệp sẽ mất khoản chi phí lớn, khó đảm bảo tính khả thi. Vì vậy, yêu cầu quản lý đối tượng này cần có giải pháp phù hợp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty Thương mại và Du lịch Hà Lan cho rằng, đối với các đơn vị vận tải chỉ có vài xe, việc thành lập bộ phận theo dõi ATGT rất khó khăn.
Lý giải về quy định trên, lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, theo Luật Đường bộ 2008, chỉ có doanh nghiệp, HTX mới được phép kinh doanh taxi, tuyến cố định xe buýt, xe chở container và phải có bộ phận quản lý an toàn. Hộ cá thể không được kinh doanh các loại hình này.
Luật Đường bộ 2024 cho phép hộ cá thể kinh doanh tuyến cố định, taxi và xe buýt, đồng thời cũng yêu cầu đối tượng này cũng phải có bộ phận an toàn. Đi đôi với quyền lợi, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cũng phải có điều kiện, trách nhiệm ngang nhau.
Một đơn vị kinh doanh vận tải có thể kinh doanh nhiều loại hình, tuy nhiên khi tham gia vào loại hình nào thì phải chấp hành các điều kiện của loại hình đó. Hay nói cách khác, đến nay không phân biệt là doanh nghiệp, HTX, hay hộ cá thể, nếu đã kinh doanh vận tải là phải có bộ phận an toàn. Nếu không đảm bảo thì không được phép kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh có thể kiêm giám sát
Để đảm bảo tính khả thi quy định bộ phận theo dõi ATGT đối với hộ kinh doanh chỉ có một vài xe, chủ hộ kiêm luôn lái xe, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Đường bộ cho phép trong bộ phận theo dõi ATGT, chủ hộ được kiêm luôn người điều hành nhưng phải có kinh nghiệm 3 năm hoạt động vận tải.
Trường hợp chủ hộ mới đầu tư mua xe kinh doanh vận tải kiêm luôn chủ xe sẽ không yêu cầu phải có kinh nghiệm. Khi đó, chủ hộ kiêm người điều hành sẽ phải chịu trách nhiệm cao hơn trong hoạt động kinh doanh vận tải.
Với các trường hợp đơn vị có quy mô lớn, nhiều xe, phải đảm bảo số lượng người của bộ phận ATGT tương xứng với số lượng phương tiện. Quy định này phù hợp với Luật Đường bộ, Luật Dân sự và các quy định liên quan.
Tuy nhiên, việc tham gia hoạt động kinh doanh phải tuân thủ mọi điều kiện về kinh doanh vận tải như: Phải có giấy phép kinh doanh, điều kiện về lái xe và giấy phép lái xe hạng phù hợp; lắp thiết bị giám sát hành trình; phải có niêm yết thông tin về hộ kinh doanh cá thể bên ngoài xe; có phù hiệu do sở GTVT cấp; xây dựng và thực hiện quy trình bảo đảm ATGT…
Để đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh vận tải, Luật Đường bộ 2024 quy định đơn vị kinh doanh vận tải phải có bộ phận quản lý an toàn. Bộ phận này có nhiệm vụ giám sát trực tuyến hoạt động của phương tiện và người lái, giám sát tài xế từ khi xe xuất phát, hoạt động trên đường và kết thúc hành trình.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ho-ca-the-duoc-kinh-doanh-taxi-co-lo-mat-an-toan-192241014224940588.htm