Thâm nhập đường dây “phù phép” xe kinh doanh vận tải:
Kỳ 1: Dễ dàng mua biển số màu vàng giả
Kỳ 2: “Hô biến” đăng ký xe xin phù hiệu vận tải
Vô tư làm giả giấy tờ
Thông tư 58/2020 của Bộ Công an quy định: Sau thời điểm 31/12/2021, xe kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số nền màu vàng.
Tại Hà Nội, xe kinh doanh vận tải phải đổi sang đầu số 29, ví dụ 29E, 29F, 29H… Đầu số 30 như 30H, 30K, 30N… chỉ dành cho xe cá nhân với biển số màu trắng.
Điều này đồng nghĩa, khi xe mua mới hoặc xe đang chạy biển số màu trắng, nếu chuyển sang xe kinh doanh vận tải thì trên giấy đăng ký đều phải có chữ V và có mã QR.
Như đã đề cập trong bài trước về chiêu thức mà Hoàng Anh (tự nhận là người của HTX dịch vụ vận tải Bình Minh), sau khi mua biển số màu vàng giả giúp tài xế đăng kiểm chuyển sang xe kinh doanh vận tải, người này chụp giấy chứng nhận đăng kiểm và đăng ký xe của PV để làm thủ tục xin cấp phù hiệu xe hợp đồng.
Theo quy định, khi chủ xe đi chuyển đổi sang biển vàng, công an sẽ thu lại đăng ký biển số màu trắng và cấp giấy đăng ký xe kinh doanh vận tải nền màu vàng có chữ (V).
Để có đăng ký xe kinh doanh vận tải nộp xin cấp phù hiệu mà vẫn giữ nguyên được đăng ký biển màu trắng, Hoàng Anh đã dùng thủ đoạn giả đăng ký bằng hình thức: Sau khi chủ xe chụp và gửi đăng ký xe, qua phần mềm photoshop, đánh bay chữ T và thay bằng chữ V.
Tiếp đó, hình ảnh các giấy tờ như đăng ký kinh doanh vận tải giả, giấy đăng kiểm xe kinh doanh vận tải sẽ được gửi sang phòng công chứng để chứng thực mà không cần bản gốc. Hồ sơ giấy tờ sau đó được đưa lên website của Sở GTVT Hà Nội xin cấp phù hiệu.
Lỗ hổng quy trình cấp phù hiệu?
Nhìn nhận về quá quy trình cấp phù hiệu này, một chuyên gia giao thông cho rằng, HTX chỉ làm giả được chữ T sang chữ V, mã QR trên giấy đăng ký xe không thể làm giả.
Nếu cán bộ cấp phép quét mã bằng điện thoại sẽ hiện các thông tin biển số trên đăng ký vẫn là biển nền màu trắng và có thể ngăn việc cấp phù hiệu ngay từ khâu này.
“Khi tài xế được cấp phù hiệu kinh doanh vận tải nhưng giấy tờ thật của xe vẫn đang là biển số màu trắng thì quy trình xử lý hồ sơ có vấn đề. Đây là lỗ hổng trong cấp phù hiệu xe hợp đồng của sở GTVT”, vị chuyên gia này nói.
Tiến hành kiểm tra số lượng xe đã được cấp phù hiệu trên website của Sở GTVT Hà Nội, PV nhận thấy các HTX như Hưng Thịnh, Bình Minh, Toàn Phát mỗi tháng có hơn chục xe. Thời điểm hiện tại những xe 30G, 30K, 30H đã làm giả giấy đăng ký xe để được cấp phù hiệu xe hợp đồng.
Trong số các xe 2 tháng gần nhất của các HTX được cấp, toàn bộ các xe đầu 30K – 30L – 30H gần như 100% đều làm giả đăng ký như: 30H-692.70, 30K-603.09, 30H-572.37, 30K-922.53, 30K-912.71, 30K-928.21, 30K-826.12, 30K-805.34, 30L-287.67, 30H-491.78, 30L-214.17, 30K-895.73, 30K-936.94, 30L-002.93, 30K-672.09, 30K-455.47, 30L-013.43, 30L-024.49, 30K-694.46…
Không đi khám vẫn có chứng nhận sức khỏe
Như vậy sau gần 1 tuần, Hoàng Anh đã hoàn tất cho chúng tôi các công đoạn như lắp biển số giả để đi đăng kiểm chuyển sang xe kinh doanh vận tải, xin phù hiệu xe hợp đồng. Đây là hai loại giấy tờ quan trọng nhất để tài xế được các hãng xe công nghệ cấp tài khoản.
Để có tài khoản chở khách, các hãng công nghệ như Grab, Be… yêu cầu tài xế phải nộp các loại giấy tờ như: CCCD gắn chip, bằng lái xe, giấy đăng ký xe, đăng kiểm loại xe kinh doanh, phù hiệu xe hợp đồng, ảnh đại diện, giấy khám sức khỏe, thông tin sim chính chủ.
Thủ tục cuối cùng chúng tôi cần thực hiện là có giấy khám sức khỏe. Lấy lý do ngại đi khám, chúng tôi ngỏ ý nhờ Hoàng Anh giúp. Hoàng Anh nói ngay: “Giấy khám sức khỏe của anh đã có trong gói thủ tục là 6 triệu đồng rồi, anh không cần đi khám nữa”.
Theo một chuyên gia giao thông, nếu đúng quy trình HTX sẽ phải giới thiệu tài xế sang bệnh viện đủ điều kiện để khám.
Tuy nhiên, hiện có một số HTX đã mua giấy khám sức khỏe giả, chữ ký và con dấu của bệnh viện cũng được làm giả với thông tin được để trống.
Tài xế có nhu cầu, hay sức khỏe không đảm bảo, thậm chí nghiện ma túy không muốn đi khám, HTX điền thông tin của tài xế vào giấy khám sức khỏe. Các hãng xe công nghệ thấy tài xế nộp đầy đủ giấy tờ sẽ kích hoạt tài khoản, họ không biết được giấy tờ nào là giả.
Sau khi được Hoàng Anh tải và hoàn thành cài đặt tài khoản tài xế Grab, Be vào phần hồ sơ, PV thấy có tờ “Giấy khám sức khỏe” có ghi Bệnh viện E (Hà Nội).
Những con dấu tròn đỏ chót và chữ ký, “lời phê” với một cụm từ duy nhất là “bình thường”, dấu tên của các bác sĩ cụ thể… Bác sĩ chuyên môn Phan Thảo Nguyên kết luận: “Đủ sức khỏe lái xe” mà không cần qua bất kỳ một hoạt động thăm khám nào.
“Sau khi đã đăng kiểm xe kinh doanh, có tài khoản Grab, Be, anh tháo biển vàng, lắp lại biển trắng và đi đăng kiểm lại sang xe cá nhân (biển trắng) để chở khách bình thường.
Anh chỉ cần làm hai việc đó, còn lại các thủ tục xin phù hiệu xe hợp đồng, giấy khám sức khỏe, mở tài khoản em lo hết cho anh. Sau khi kích hoạt tài khoản Grab, Be, anh chuyển hết tiền cho em nhé”, Hoàng Anh nói.
Có nhu cầu, “alo là xong”
Sau khi lắp biển số màu vàng, hoàn thành đăng kiểm, chúng tôi được Hoàng Anh hẹn đến văn phòng HTX dịch vụ vận tải Bình Minh có địa chỉ tại 45A, No10, khu đất dịch vụ Dương Nội, Hà Đông để hoàn thiện các thủ tục còn lại.
Đến nơi, chúng tôi khá bất ngờ khi trên biển treo ngoài cửa ghi là HTX dịch vụ vận tải Bình Minh, nhưng khi vào bên trong, trên tường có dòng chữ HTX dịch vụ vận tải Toàn Phát. Tại đây, rất nhiều nhân viên đang làm việc.
Chúng tôi được Hoàng Anh yêu cầu ký nhiều loại giấy tờ, trong đó có hợp đồng dịch vụ vận tải với HTX.
Hoàng Anh đưa cho chúng tôi phù hiệu xe hợp đồng do Sở GTVT Hà Nội cấp cho HTX dịch vụ vận tải Hưng Thịnh (thôn Đồi 2, xã Đông Phương Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) do người có tên Vũ Thị Kim Luyến làm Chủ tịch HĐQT.
Trả lời thắc mắc về việc Hoàng Anh là người của HTX dịch vụ vận tải Bình Minh nhưng phù hiệu lại là của HTX dịch vụ vận tải Hưng Thịnh, Hoàng Anh cho biết: “Cả hai HXT của em là một. Các HTX đều làm như này, kế toán tính toán hợp bên nào thì làm bên đó”.
Theo tìm hiểu, hiện Hoàng Anh đang là người đại diện pháp luật của HTX dịch vụ vận tải Toàn Phát có trụ sở trùng với HTX dịch vụ vận tải Hưng Thịnh. Tại địa chỉ trụ sở này có thêm HTX Vận tải Nam Hưng.
Sau khi hoàn tất các thủ tục còn lại, chúng tôi đã chuyển nốt số tiền còn lại là 3 triệu đồng cho Hoàng Anh.
Ngỏ ý nhiều người bạn cũng muốn làm theo hình thức này, Hoàng Anh lập tức nhận lời và cho biết: “Hiện HTX bên em đang quản lý 3.000 tài xế. Bạn bè anh có nhu cầu anh cứ alo em. Bên em nhiều nhân viên làm, khoảng gần 10 người sẵn sàng hỗ trợ”.
Tội làm giả giấy tờ, con dấu bị xử lý thế nào?
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, người có hành vi làm giả giấy tờ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Nếu phạm tội có tổ chức; phạm tội 2 lần trở lên; làm từ 2 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 5 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 – 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 – 5 năm.
Nếu làm 6 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên bị phạt tù từ 3 – 7 năm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/ho-bien-dang-ky-xe-xin-phu-hieu-van-tai-19224091317212601.htm