Ở Hàn Quốc, HLV Jurgen Klinsmann (người Đức) mất việc sau khoảng 1 năm (từ tháng 2.2023 đến tháng 2.2024) nắm đội bóng được mệnh danh “Mãnh hổ châu Á”. Còn tại Việt Nam, HLV Philippe Troussier (người Pháp) bị chấm dứt hợp đồng sau 1 năm 1 tháng tại vị (từ tháng 2.2023 đến tháng 3.2024).
Đây đều là những HLV có tài, có thành tích trong quá khứ: HLV Klinsmann vô địch CONCACAF (khu vực Bắc, Trung Mỹ và vùng biển Caribe) cùng đội tuyển Mỹ, hạng 3 World Cup 2006 cùng đội tuyển Đức. HLV Troussier vô địch châu Á năm 2000 cùng đội tuyển Nhật Bản, hạng nhì FIFA World Cup U.20 cùng đội U.20 Nhật Bản.
Tuy nhiên, họ không phù hợp với các đội tuyển Hàn Quốc và Việt Nam ở thời điểm hiện tại, nên không thành công.
Sau khi chia tay các HLV nói trên, cả đội tuyển Hàn Quốc lẫn đội tuyển Việt Nam đều đối diện với bài toán khó trong việc tìm nhân sự thay thế, theo tiêu chí vừa giỏi chuyên môn, vừa phải hiểu văn hóa và nền bóng đá nước sở tại.
HLV Philippe Troussier để lại những gì cho bóng đá Việt Nam?
Đội tuyển Hàn Quốc ở khoảng thời gian đầu sau khi sa thải HLV Klinsmann, nóng lòng tìm kiếm người mới để ký hợp đồng dài hạn. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian ngắn cân nhắc, Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) nhận ra nếu vội vã bổ nhiệm HLV mới với hợp đồng dài hạn, sẽ rất mạo hiểm, cả về chuyên môn lẫn tài chính.
Đấy là lý do mà đội tuyển Hàn Quốc chọn HLV tạm quyền Hwang Sun-hong dẫn dắt “Mãnh hổ châu Á” ở trận vòng loại World Cup diễn ra trong tháng 3 này (1 trận thắng 3-0 và 1 trận hòa 1-1 với cùng 1 đối thủ Thái Lan).
Các trận đấu này vừa là để kiểm chứng năng lực của HLV Hwang Sun-hong, vừa là để đánh giá xem liệu phương án quay lại với HLV nội cho đội tuyển Hàn Quốc có phù hợp hay không? Sau thời gian khá dài đội tuyển Hàn Quốc theo chính sách sử dụng HLV ngoại.
Bản thân HLV nội tạm quyền dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc cũng phải là người có tên tuổi, từng thành công trong quá khứ ở các cấp độ khác nhau. Ví dụ như HLV Hwang Sun-hong từng vô địch giải K-League 1 (giải vô địch quốc gia Hàn Quốc) cùng CLB Pohang Steelers, từng vô địch U.23 châu Á cùng đội U.23 Hàn Quốc.
Đây là kinh nghiệm mà đội tuyển Việt Nam có thể tham khảo. Bước đầu, VFF cũng không quá hấp tấp trong việc lựa chọn người mới thay thế cho HLV Philippe Troussier. Việc tìm kiếm nhân sự ngồi vào ghế HLV trưởng của đội tuyển quốc gia dĩ nhiên rất quan trọng, nhưng sự cân nhắc về năng lực chuyên môn, uy tín và cả sự hiểu biết của ứng cử viên đối với bóng đá Việt Nam cũng quan trọng không kém.
Nếu tính sai một lần nữa, chuỗi ngày khủng hoảng thành tích của đội tuyển Việt Nam sẽ kéo dài thêm, kéo theo sự khủng hoảng niềm tin của người hâm mộ và của chính giới bóng đá Việt Nam. Đặc biệt, nếu tính sai một lần nữa, thiệt hại về tài chính sẽ lại xảy ra với bóng đá Việt Nam.
Trước mắt, VFF đã bổ nhiệm HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt đội U.23 Việt Nam tại vòng chung kết (VCK) giải U.23 châu Á, diễn ra từ giữa tháng 4 năm nay. Trước đây, ông Troussier kiêm nhiệm dẫn dắt 2 đội tuyển U.23 và đội tuyển quốc gia.
Xem nhanh 20h ngày 28.3: Lộ diện người thay ông Troussier ở đội U.23
Tạm thời, đội tuyển U.23 Việt Nam cần gấp HLV, nên bổ nhiệm người cho đội này trước, còn đội tuyển quốc gia vẫn có thể tạm thời để trống ghế HLV trưởng (thậm chí, đợt trận vòng loại World Cup vào tháng 6 tới đối với đội tuyển Việt Nam cũng không còn nhiều ý nghĩa, nên cũng không cần vội).
Đây cũng có thể là phương án để VFF đánh giá năng lực của HLV Hoàng Anh Tuấn nói riêng, cũng như các HLV nội nói chung, về chuyện họ có phù hợp để dẫn dắt đội tuyển quốc gia hay không? Đồng thời, nếu có thể dẫn dắt, hợp đồng của HLV nội ở đội tuyển quốc gia sẽ như thế nào: Ngắn hạn hay dài hạn?
Nếu đợt thử lửa này thất bại, VFF có thể tiếp tục nhắm đến các ứng cử viên khác, vừa là HLV ngoại, vừa hiểu bóng đá Việt Nam như ông Popov (HLV đội Thanh Hóa), Mano Polking (cựu HLV đội tuyển Thái Lan và CLB TP.HCM), Kiatisak (HLV CLB Công an Hà Nội), hay kể cả cố nhân Park Hang-seo!