Huấn luyện viên Philippe Troussier thể hiện rõ ý định tìm kiếm và tận dụng các cầu thủ Việt kiều có năng lực cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, thực hiện điều đó không đơn giản.
Không có nhiều lựa chọn
Các đội bóng ở V-League và giải Hạng Nhất Quốc gia được phép đăng ký một cầu thủ người nước ngoài gốc Việt. Một số cầu thủ Việt kiều – có hoặc chưa nhập quốc tịch Việt Nam – trở về quê hương tìm kiếm cơ hội. Tuy nhiên, rất hiếm người thể hiện được năng lực trội hơn lực lượng cầu thủ nội, chưa nói đến ngoại binh.
Cầu thủ Việt kiều có đẳng cấp chơi bóng cao nhất lúc này ở V-League có lẽ là Filip Nguyễn. Anh từng được triệu tập lên đội tuyển quốc gia Cộng hoà Czech và chứng minh được năng lực qua nhiều năm chơi bóng ở châu Âu.
Gia nhập CLB Công an Hà Nội, Filip Nguyễn lập tức nâng cấp vị trí thủ môn của đội nhà. Anh chơi ấn tượng và góp công vào chức vô địch của CLB Công an Hà Nội với đẳng cấp của một ngôi sao lớn.
Tuy nhiên, những cầu thủ Việt kiều có trình độ cao như Filip Nguyễn không nhiều và số lượng đang chơi bóng ở Việt Nam lại càng ít. Sau Đặng Văn Lâm và Mạc Hồng Quân, chưa có thêm gương mặt nào khác đủ điều kiện và năng lực chơi bóng cho đội tuyển quốc gia.
Ryan Hà ở CLB Khánh Hòa có 2 bàn thắng và 3 đường kiến tạo. Dù vậy, màn thể hiện của cầu thủ này mới ở mức trung bình chứ chưa đủ nổi bật để cạnh tranh vị trí ở đội tuyển quốc gia. Patrik Lê Giang cũng chỉ thi đấu tròn vai khi chuyển đến CLB TP.HCM.
Một số cầu thủ khác hầu như không có dấu ấn nào. Vincent Trọng Trí chỉ đá vài trận cho TP.HCM rồi thất nghiệp ở giai đoạn lượt về. Tony Lê Tuấn Anh – từng được thử sức ở U19, U20 Việt Nam trước đây – hầu như không có cơ hội ra sân và nằm ngoài kế hoạch của PVF-CAND.
Lê Trung Vinh, Viktor Lê được thi đấu ở Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng không để lại tiếng vang nào. Thanh Tiệp cũng mất hút trong màu áo Hồng Lĩnh Hà Tĩnh.
Rõ ràng lực lượng cầu thủ Việt kiều hiện tại ở V-League có quá ít trường hợp thể hiện được tiềm năng cống hiến cho đội tuyển Việt Nam trong tương lai, kể cả khi họ nhập quốc tịch thành công.
Khó khăn chờ đợi cầu thủ Việt kiều
Trước thềm mùa giải 2023/2024, vẫn có thêm những cầu thủ Việt kiều miệt mài đi tìm cơ hội. Tony Le, Vincent Trọng Trí đều có mặt tại Hoà Bình FC. Tiền đạo Trần Hữu Đạo Nhân (người Mỹ gốc Việt) đang thử việc ở CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. CLB Đà Nẵng tạo điều kiện cho cầu thủ Việt kiều Mỹ khác là Calvin Huynh.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Andrej Nguyễn An Khánh được triệu tập trong 2 lần tập trung liên tiếp của đội tuyển U23 Việt Nam. Tuy nhiên, anh bị loại khỏi đội U23, được điều chuyển sang tập luyện với đội tuyển quốc gia và lặng lẽ về nước.
Ở vòng loại U23 châu Á 2024 và ASIAD 19, An Khánh đều không được điền tên vào danh sách đăng kí thi đấu. Sinh năm 2005, chưa tròn 18 tuổi, cầu thủ này không cạnh tranh được với những đàn anh có trải nghiệm thi đấu nhiều hơn và cũng cứng cáp hơn về mặt thể chất cũng là điều dễ hiểu.
Đó là chưa kể tới việc hòa nhập.
“Tôi nghĩ có một góc độ ít người nghĩ tới về các cầu thủ Việt kiều, đó là khó khăn khi về nước và hoà nhập. Tôi coi chuyện cầu thủ Việt kiều về nước chẳng khác nào chuyện cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài. Mọi thứ đều lạ lẫm, thậm chí không có người thân thích, không quen về văn hoá, môi trường sống, khí hậu và thời tiết“, tiền vệ Mạc Hồng quân từng chia sẻ.
Hồng Quân sinh ra và có một phần tuổi thơ tại Việt Nam, nói tiếng Việt cực tốt và trình độ chuyên môn vượt trội (từng được triệu tập lên đội U17 Cộng hoà Czech). Mặt khác, cầu thủ này sớm về Việt Nam thi đấu và trụ lại ở hạng cao nhất. Do đó, Mạc Hồng Quân là trường hợp cầu thủ Việt kiều hiếm hoi không gặp vấn đề gì về chuyện hòa nhập, thích nghi ngoài chuyên môn khi lên đội tuyển quốc gia.
“Nhiều cầu thủ Việt kiều không hề tìm hiểu kĩ càng về môi trường bóng đá Việt Nam, có người còn không nói tốt tiếng Việt. Nếu có trình độ, HLV sẽ kiên nhẫn và cho cơ hội, còn nếu chuyên môn chỉ vừa phải, cầu thủ Việt kiều sẽ càng gặp khó khăn“, Mạc Hồng Quân chia sẻ.
Cũng bởi những lý do kể trên, rất ít cầu thủ Việt kiều có thể thực sự toả sáng đúng với kì vọng, dù không hẳn họ quá tệ về chuyên môn. Vẫn cần những bước đi cụ thể hơn từ cả cầu thủ và những nhà quản lý bóng đá để tận dụng tốt hơn nguồn tài nguyên quý giá này.
Mai Phương