Trận đấu giữa đội tuyển nữ Việt Nam và đội tuyển nữ Nhật Bản tại Uzbekistan chiều 1/11 cũng là trận đấu đỉnh cao cuối cùng, trong sự nghiệp HLV lừng lẫy của ông Mai Đức Chung. Buổi tối hôm đó, từ Tashkent (Uzbekistan), HLV Mai Đức Chung dành cho phóng viên Dân trí cuộc trao đổi.
Ngày cuối cùng nhiều hoài niệm
Việc đầu tiên sau trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình chiều 1/11, ông làm gì, thưa ông?
– Tôi rời sân sớm, sớm hơn toàn đội. Tôi về khách sạn trước, ngồi một mình, ôn lại những kỷ niệm cũ, ôn lại khoảng thời gian đã qua của chính mình. Trước đó, các học trò có chia sẻ cảm xúc với tôi, họ tặng quà cho tôi. Một món quà mang nhiều ý nghĩa tinh thần.
Đó là chiếc áo đấu có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong đội tuyển nữ Việt Nam. Ngẫm lại, cuộc đời làm bóng đá của tôi, vốn quý nhất chính là tình cảm mà mọi người dành cho tôi.
Sau trận đấu chiều 1/11, sau khi rời đội tuyển nữ Việt Nam, ông nghỉ hẳn hay sẽ có một công việc khác, ở nơi khác?
– Tôi nghỉ hẳn rồi. Đã đến lúc tôi phải nghỉ rồi, tôi quá lớn tuổi rồi (HLV Mai Đức Chung năm nay 72 tuổi). Phải chia tay một công việc mà mình đã gắn bó gần như cả đời, tôi tiếc lắm chứ. Quyết định chia tay, với tôi, chẳng dễ dàng gì. Nhưng dù tôi có tiếc cách mấy thì ngày này trước sau gì cũng phải đến.
Lẽ ra tôi nghỉ từ năm ngoái rồi kìa, nhưng các anh ở Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) thuyết phục tôi ở lại, các vận động viên trong đội tuyển cũng mong mỏi tôi ở lại. Họ nói rằng tôi cố thêm một năm nữa, năm của World Cup bóng đá nữ. Thế là tôi cố, cũng là để trọn vẹn sự nghiệp của tôi.
Còn giờ, tôi muốn nghỉ hưu, bù đắp lại khoảng thời gian tôi đã xa gia đình gần trọn một đời. Anh cũng biết rồi đấy, các con tôi đã lớn, có gia đình riêng, ở riêng cả. Vợ tôi vì thế mãi ở nhà một mình để trông nhà. Giờ tôi nghỉ hưu, có thời gian đưa bà nhà tôi đi du lịch đây đó.
Vợ tôi hy sinh cho tôi nhiều lắm. Vợ tôi ít được đi đó đi đây, ngay cả ở trong nước cũng ít được đi, chứ chưa nói đến đi nước ngoài. Tôi nghỉ để dành thời gian cho bà ấy, đưa bà ấy đi du lịch.
Nhân vật kỳ tài của bóng đá Việt Nam
Quay trở lại với công việc HLV, ông là người từng thành công ở cả cấp độ CLB cho đến đội tuyển quốc gia, thành công với cả bóng đá nam lẫn bóng đá nữ. Đó là điều hiếm thấy trên phạm vi toàn cầu, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Ông có bí quyết gì không?
– Không hề! Tôi có bí quyết gì đâu, chỉ biết làm việc và làm việc. Tôi làm việc chăm chỉ, luôn tự nhủ cứ cố gắng thêm một chút, vì công việc của mình và vì những người xung quanh. Khi tôi làm việc, bản thân tôi cũng đâu biết được công việc ấy rồi sẽ thành công hay thất bại. Việc của mình thì mình cố gắng làm hết sức thôi.
Tôi luôn tâm niệm tôi chỉ là hạt cát nhỏ bé trên cuộc đời này, tôi là hạt cát nhỏ bé trong toàn bộ nền bóng đá Việt Nam. Tôi chỉ đơn giản muốn góp một tay cho sự phát triển chung của bóng đá Việt Nam.
Có một HLV Mai Đức Chung dám lao vào những chỗ ít người dám lao vào, dám dẫn dắt những đội bóng ít người dám dẫn dắt, hoặc dám nhận trách nhiệm mà nhiều người muốn tránh, đó có phải là điểm khác biệt để tạo ra một HLV Mai Đức Chung thành công hơn người khác?
– Riêng chuyện đó có lúc tôi còn bị đồng nghiệp, bị bạn tôi bảo rằng tôi dại. Ví dụ như năm 2017 tôi nhận trách nhiệm làm HLV tạm quyền của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, anh Lê Thụy Hải (cố HLV Lê Thụy Hải) bảo rằng tôi dại quá, nếu đội thành công thì người ta cũng sẽ quên tôi nhanh thôi. Còn nếu đội thất bại tôi sẽ là tấm bia để dư luận công kích.
Anh ấy khuyên tôi thật lòng và chân thành. Năm đó bóng đá Việt Nam vừa thất bại ở SEA Games, không HLV nào muốn thế chỗ HLV Nguyễn Hữu Thắng để nắm đội tuyển cả.
Thậm chí, năm đó nhiều người có cảm giác đội tuyển Việt Nam sắp thua Campuchia ở vòng loại Asian Cup 2019. Bản thân Chủ tịch VFF khi đó, anh Lê Hùng Dũng khi gọi điện cho tôi cũng thừa nhận anh ấy trước đó đã gọi nhiều người rồi, họ từ chối cả. Anh ấy nói với tôi rằng anh ấy rất ngại khi đặt vấn đề mời tôi trong tình cảnh như thế.
Bản thân tôi thì nghĩ rằng không lẽ người đứng đầu Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã trải lòng như thế với mình, mình từ chối nhận đội thì cũng khó cho anh ấy. Vả lại, ai cũng bỏ đội hết, mình bỏ nữa thì đội sẽ đi về đâu. Thế là tôi nhận đội tuyển Việt Nam. Thật may mắn đội tuyển toàn thắng cả hai trận dưới thời tôi, vượt qua thời điểm khó khăn nhất.
Mãi tâm huyết với bóng đá Việt Nam
So với nhiều người khác, thành công đến với ông có vẻ muộn hơn, nhưng khi thành công đến rồi, nó đến với ông liên tục và rất bền vững?
– Thú thật có lúc tôi buồn lắm. Tôi nhìn thấy các đồng nghiệp cùng trang lứa (các HLV Lê Thụy, Vương Tiến Dũng là những HLV đồng niên với HLV Mai Đức Chung) có thành tích, toàn thành tích chói sáng, nhưng tôi thì không có, nhiều lúc tôi buồn kinh khủng. Nhưng tôi không bỏ cuộc.
Ngay cả công việc của tôi với bóng đá nữ, cũng đâu suôn sẻ ngay đâu, cũng trải qua giai đoạn đầu rất khó khăn. Nhiều HLV giỏi không muốn làm bóng đá nữ. Nhưng nếu tôi bỏ nữa thì không lẽ cứ thấy khó là mình bỏ cuộc. Có lẽ tôi cũng gặp may khi mọi việc sau này cứ tốt dần lên.
Những ai theo dõi bóng đá nữ cũng thấy rồi, bản thân anh cũng thấy rồi, bóng đá nữ không có khán giả. Hầu hết các trận đấu ở giải vô địch quốc gia chỉ lèo tèo vài người xem, buồn lắm.
Nhưng càng như thế thì tôi càng muốn cùng bóng đá nữ Việt Nam vượt qua khó khăn. Tôi tự nhủ tôi phải làm đội tuyển nữ, phải giành được thành tích để thu hút sự quan tâm của khán giả.
Vậy thì ở thời điểm ông buộc phải dừng công việc của mình do tuổi tác, ông có điều gì còn trăn trở với bóng đá nữ Việt Nam hay không?
– Tôi mong bóng đá nữ Việt Nam phát triển sâu và rộng hơn, có nhiều đội bóng hơn, nhiều người chơi bóng đá nữ hơn nữa. Nhiều người, nhiều đội tham gia bóng đá nữ, diện tuyển chọn nhân tài cho bóng đá nữ Việt Nam mới rộng, mới dễ dàng tìm kiếm cầu thủ tài năng hơn.
Tôi mong bóng đá nữ được xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa, có nhiều doanh nghiệp tham gia phát triển bóng đá nữ, nhiều địa phương quan tâm thêm nữa. Tôi mơ có ngày mỗi CLB bóng đá nam tại V-League sẽ có một đội bóng đá nữ được đầu tư song song, như tại châu Âu và các nền bóng đá phát triển.
Ở vòng loại Olympic những ngày qua, giới bóng đá quốc tế hỏi tôi ở Việt Nam có bao nhiêu đội bóng nữ tại giải vô địch quốc gia? Tôi nói có tổng cộng 6 đội, trong đó chỉ 4 đội cung cấp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, mọi người kinh ngạc. Chừng đó đội bóng cho cả nền bóng đá mà vẫn có đội tuyển vào World Cup thì quả là xưa nay hiếm.
Tôi hỏi lại rằng nền bóng đá của họ ra sao? Họ nói rằng họ có khoảng chục đội hạng cao nhất, rồi mỗi hạng thấp hơn lại có thêm chục đội hoặc nhiều hơn nữa. Muốn phát triển lâu dài phải như thế.
Tôi mong bóng đá Việt Nam được như thế. Tất cả phải xắn tay vào làm, và làm bóng đá thì đừng ăn xổi. Tôi luôn dõi theo chuyển động và mãi tâm huyết với bóng đá Việt Nam.
Xin cảm ơn ông và xin chúc ông luôn hạnh phúc bên gia đình!
Đôi nét về HLV Mai Đức Chung
HLV Mai Đức Chung sinh ngày 21/6/1951. Thời là cầu thủ, ông Chung từng vô địch quốc gia năm 1980 với đội Tổng cục Đường Sắt. Ông Chung khoác áo đội tuyển quốc gia từ năm 1981 – 1984.
Giã từ sự nghiệp cầu thủ, ông Chung bắt đầu với công việc HLV từ năm 1984, bắt đầu với đội trẻ Tổng cục Đường Sắt. Ông Chung lần đầu nắm đội tuyển nữ Việt Nam năm 1997. Còn lần đầu HLV Mai Đức Chung nắm đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vào năm 2017.
HLV Mai Đức Chung vô địch V-League năm 2015 cùng với Bình Dương, đoạt cúp Quốc gia năm 2011 cùng CLB Navibank Sài Gòn, vô địch Merdeka Cup năm 2008 cùng đội U22 Việt Nam.
Với đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, HLV Mai Đức Chung có 6 lần vô địch SEA Games (2003, 2005, 2017, 2019, 2021 và 2023), một lần vô địch Đông Nam Á năm 2019, lọt vào bán kết Asiad 2014, lọt vào vòng chung kết World Cup 2023.