(CLO) Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời gian vừa qua phát triển đột biến, mang lại những trải nghiệm thú vị, ấn tượng, được khách du lịch đánh giá cao bởi sự mộc mạc, dân dã, đậm đà văn hóa dân tộc. Để có được những khởi sắc trong hoạt dộng du lịch, trong năm 2024, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố trong cả nước một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch
Vùng đất được mệnh danh “Đệ nhất danh Trà” có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú, hội tụ nhiều di sản văn hóa, lịch sử có giá trị để phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Những năm gần đây, hoạt động du lịch Thái Nguyên đã có nhiều khởi sắc, phát triển được những sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng trên cơ sở phát huy về lợi thế, tiềm năng, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách.
Điểm sáng trong năm vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch về việc tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên tại các tỉnh, thành phố.
Cụ thể, trong thời gian từ ngày 14/8/2024 đến ngày 27/8/2024, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Hiệp hội du lịch, các khu, điểm du lịch, các công ty lữ hành tỉnh Thái Nguyên, Sở Du lịch/Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh tổ chức các Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng video clip về du lịch Thái Nguyên, giới thiệu trực tiếp các điểm đến du lịch Thái Nguyên trong chương trình hội nghị tại các tỉnh, thành phố. In ấn các ảnh đẹp về du lịch Thái Nguyên trưng bày quảng bá tại nơi tổ chức các hội nghị.
Tại các Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên tổ chức tại các tỉnh, thành phố, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, khu, điểm du lịch Thái Nguyên đã phối hợp giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người, tiềm năng, thế mạnh và các sản phẩm du lịch của tỉnh Thái Nguyên đã đem đến cho đại biểu và du khách những trải nghiệm về miền đất, con người, văn hóa và tiềm năng du lịch Thái Nguyên.
Qua đó tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Thái Nguyên; góp phần liên kết, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển du lịch, tăng trưởng lượng khách du lịch giữa các tỉnh, thành phố với Thái Nguyên trong thời gian tới.
Tổng số có trên 600 đại biểu tham dự tại các Hội nghị (trong đó có 60 đại biểu các Sở, ngành, phóng viên các cơ quan báo chí; 40 đại biểu các Hiệp hội du lịch; trên 300 địa biểu các công ty lữ hành; 200 đại biểu cơ sở cơ sở lưu trú).
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, đại biểu tham gia các hội nghị của các tỉnh, thành phố đã trực tiếp trao đổi, tìm hiểu về tổng quan du lịch, thế mạnh du lịch, các dòng sản phẩm du lịch, các điểm đến du lịch; trao đổi về chính sách, cơ chế phối hợp trong liên kết quảng bá bán sản phẩn du lịch; trao đổi, thông tin, phối hợp xây dựng tour, tuyến và hợp tác khai thác phát triển du lịch; góp ý xây dựng sản phẩm và nâng cao chất lượng phục vụ của các khu, điểm và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Hiệp hội du lịch, các khu, điểm du lịch và các doanh nghiệp du lịch Thái Nguyên đã được tiếp thu các ý kiến góp ý, chia sẻ của đại biểu các tỉnh; trực tiếp trao đổi, giới thiệu sâu về các điểm đến du lịch, thông tin về chính sách liên kết hợp tác và nhiều đơn vị đã trực tiếp liên kết, phối hợp, trao đổi hợp tác ngay sau kết thúc các hội nghị.
Có 18 doanh nghiệp du lịch, khu, điểm đến du lịch của tỉnh Thái Nguyên tham gia hội nghị đã chủ động, tích cực trưng bày, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch, sản phẩm OCOP, tờ gấp, tời rơi thông tin quảng bá về du lịch Thái Nguyên, đặc biệt là giới thiệu sản phẩm trà và văn hoá Trà tới các đại biểu tại các hội nghị.
Các hoạt động trong chương trình được tuyên truyền rộng rãi thông qua các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và của các tỉnh, thành phố nơi tổ chức hội nghị, website Du lịch Thái Nguyên, Cổng thông tin du lịch thông minh và các ứng dụng nền tảng số…
“Kết thúc hội nghị tại các tỉnh, thành phố, du lịch Thái Nguyên bước đầu đã nhận được sự quan tâm của các tỉnh bạn trong việc kết nối các tour đến với các khu, điểm du lịch của tỉnh. Một số đoàn khảo sát liên kết phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Phòng, Quảng Ninh đã tới Thái Nguyên trực tiếp tìm hiểu và ký kết hợp tác với các khu, điểm, doanh nghiệp điểm đến của Thái Nguyên”, ông Lê Ngọc Linh nhấn mạnh.
Định vị thương hiệu cho du lịch Thái Nguyên
Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 04 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa Trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với nguồn tài nguyên du lịch hấp dẫn, độc đáo cùng với các giá trị văn hoá đặc sắc hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách một hành trình trải nghiệm trọn vẹn với đầy đủ sắc màu về vùng đất và con người Thái Nguyên.
Để nhân dân, du khách đến tham quan, trải nghiệm an toàn, văn minh, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thường xuyên có văn bản phối hợp, hướng dẫn các cấp, ngành liên quan và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch nghiêm túc thực hiện các quy định chung của pháp luật.
Đồng thời, khuyến khích các khu, điểm đến đầu tư, làm mới sản phẩm du lịch; nâng cấp buồng, phòng, hướng dẫn cho nhân viên lễ tân có thái độ phục vụ lịch thiệp, tham gia hoạt động kích cầu du lịch bằng cách giảm giá một số sản phẩm dịch vụ. Mặt khác, giá dịch vụ tại các điểm du lịch cũng được niêm yết công khai, không có tình trạng “chặt chém” du khách.
Qua đó, tạo uy tín tốt đối với du khách về quê hương, con người Thái Nguyên. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, danh thắng có ý nghĩa cùng tình cảm đôn hậu, mến khách của người dân, hy vọng Thái Nguyên sẽ là địa điểm thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Về giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Lê Ngọc Linh – đề nghị các khu, điểm du lịch tiếp tục quan tâm nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ, xây dựng các gói sản phẩm kích cầu du lịch, xây dựng các tour kết hợp giữa công ty lữ hành với các điểm đến du lịch để cung cấp các dịch vụ trọn gói với giá thành tốt nhất, kích cầu thị trường, thu hút du khách.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá và kết nối tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền trên các nền tảng số, các kênh mạng xã hội chính thống.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, xây dựng các tour kết nối với các điểm du lịch giữa tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố, từ đó kích cầu hai chiều, đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố.
Tổ chức chương trình Famtrip về nguồn, giáo dục lịch sử, trải nghiệm sinh thái… nhằm tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa điểm đến du lịch và công ty lữ hành của tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh, thành phố và thu hút đầu tư phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới, tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực đủ tiêu chuẩn, trình độ phục vụ.
Tổng lượng khách du lịch trong 04 ngày nghỉ lễ (từ ngày 31/8 đến 03/9/2024) đến tham quan du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đạt 200.050 lượt khách (tăng 29% so với cùng kỳ năm 2023: 155.220 lượt khách; trong đó, khách quốc tế: 150 lượt, khách nội địa: 199.900 lượt). Công suất sử dụng phòng trung bình đạt 50%, một số khách sạn tại trung tâm thành phố Thái Nguyên và một số điểm du lịch có dịch vụ lưu trú đạt 80% – 100% công suất; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 128 tỷ đồng (tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2023: 51,6 tỷ đồng).
Phan Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/thai-nguyen-hinh-thanh-va-lan-toa-cac-san-pham-du-lich-doc-dao-mang-ban-sac-rieng-biet-post324714.html