Theo ông Đỗ Công Anh, những năm qua, ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) có sự phát triển bứt phá, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội, được Đảng và Nhà nước giao với những thành tựu quan trọng.
Hầu hết các chỉ tiêu phát triển ngành đề ra đều đạt được hoặc vượt các mức đã đề ra. Năm 2022, doanh thu toàn ngành TT&TT đạt 3.893.595 tỷ đồng, tăng 12,7% so với năm 2021 và gấp 1,5 lần so với dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 của cả nước. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 98.982,30 tỷ đồng, tăng 24,7% so với năm 2021.
Tổng số lao động toàn ngành năm 2022 là 1.510.027 lao động, tăng 5% so với năm 2021. Năng suất lao động ngành TT&TT (tính theo đóng góp vào GDP) ước đạt khoảng 648 triệu đồng, tốc độ tăng năng suất lao động là 6,7% so với năm 2021.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 3.016.617 tỷ đồng. Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 10/2023 ước đạt 79.014 tỷ đồng.
Để đạt được những kết quả đó, công tác thông tin, truyền thông đã có những đóng góp không nhỏ. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế như có những đơn vị chưa chủ động, chưa chú trọng hoặc quan tâm đến công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách của ngành, của Bộ, thậm chí né tránh hoặc không muốn tiếp xúc với giới truyền thông.
Một số Sở TT&TT chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa có điều kiện để tạo dựng kết nối với các cơ quan báo chí… dẫn đến việc khi muốn truyền thông về chính sách hoặc về những việc mình làm tốt thì không lan tỏa được. Khi có sự cố thì cũng không biết làm thế nào để xử lý sự cố truyền thông. Khi đó thì thường sẽ kết nối đến Cục Báo chí, Cục Phát thanh truyền hình để xin tư vấn.
Mạng lưới truyền thông ngành TT&TT được hình thành sẽ kết nối các cơ quan đơn vị của Bộ, của ngành với các cơ quan báo chí giúp cho việc truyền thông được thông suốt, thuận lợi hơn.
Mạng lưới này bao gồm: 32 cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều có đại diện lãnh đạo và chuyên viên phụ trách về truyền thông và phối hợp thường xuyên với TT&TT để bảo đảm trao đổi, cung cấp kịp thời những thông tin chính thống phục vụ công tác truyền thông.
63/63 Sở TT&TT đều có lãnh đạo Sở và cán bộ phụ trách truyền thông phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Thông tin của Bộ để thực hiện thống nhất nội dung truyền thông về các hoạt động của Bộ, của ngành và các địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, mạng lưới có sự tham gia của gần 80 nhà báo, phóng viên chuyên trách của trên 50 cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng phục vụ tốt công tác truyền thông, tạo sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận trong hành động để làm nên những thành công bước đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ và trọng trách của Bộ, của ngành TT&TT được Đảng, Nhà nước giao.
Đại diện Bộ TT&TT nhấn mạnh yêu cầu, thông tin để truyền thông cần sẵn sàng và luân chuyển thông suốt trong mạng lưới, thông tin phải rõ ràng, dễ hiểu để đạt được hiệu quả truyền thông, các thành viên của mạng lưới thì cởi mở, chia sẻ, đồng cảm và cùng hướng đến mục tiêu chung là: Phát triển ngành, phát triển đất nước; Giải quyết được các vấn đề xã hội, người dân, doanh nghiệp quan tâm.
Bên cạnh tính phản biện thì luôn kèm theo đề xuất; và cuối cùng là phục vụ cho chính công việc, nhiệm vụ của từng thành viên.
Cũng tại sự kiện, bà Đặng Thị Phương Thảo – Phó Cục trưởng Cục Báo chí đã có những ý kiến đóng góp về Kỹ năng phát ngôn, cung cấp thông tin ứng xử với báo chí truyền thông. Bà Đặng Thị Phương Thảo cho biết, hiện nay Việt Nam có hơn 800 cơ quan báo, tạp chí.
Trong đó có 6 cơ quan báo chí chủ lực (VTV, VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân), 127 cơ quan báo, 670 cơ quan tạp chí (trong đó có 318 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật).
Về kinh tế báo chí, trong khối báo chí có 39% đơn vị tự chủ hoàn toàn, 25% đơn vị ngân sách Nhà nước đảm bảo và 36% đơn vị tự chủ một phần.
Đề cập đến vấn đề truyền thông chính sách, Phó Cục trưởng Cục Báo chí cho hay, cách làm cũ chỉ tập trung vào xử lý các sự vụ, sự kiện, cung cấp thông tin một cách khô cứng.
“Chúng ta cũng chưa đánh giá tác động chính sách, tác động truyền thông trong quá trình bàn bạc, ban hành và thực thi chính sách; Chưa có phản xạ sử dụng số liệu để phân tích tình hình; Không có công cụ đo đếm, rà quét thông tin trên báo, trên mạng, không có số liệu thống kê theo thời gian thực để đánh giá“.
Theo bà Đặng Thị Phương Thảo, cơ quan Nhà nước cần tăng cường đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan báo chí để lan toả thông tin chính thống, tích cực trên báo chí, trên mạng.
Đồng thời, cơ quan Nhà nước phải thay đổi một số phương thức cung cấp thông tin cho báo chí để giành quyền chủ động về mình như tổ chức họp báo thường xuyên; cung cấp thông cáo báo chí ngắn gọn thay cho trả lời phỏng vấn…
Bà Thảo cũng cho rằng, các cơ quan Nhà nước nên tránh việc tiếp xúc cùng một lúc nhiều cơ quan báo chí khi hẹn lịch làm việc (khi hẹn thì một cơ quan báo chí hẹn nhưng khi đến thì nhiều cơ quan), trừ hội nghị, họp báo. Cùng đó là hạn chế mời phóng viên theo dõi các hội nghị bàn công việc từ đầu đến cuối, vì không kiểm soát được khai thác thông tin và thông điệp cần truyền đạt…
“Bộ Thông tin và Truyền thông rất sẵn sàng hỗ trợ các Sở Thông tin và Truyền thông để địa phương ứng xử với các cơ quan báo chí một cách hiệu quả, cung cấp thông tin báo chí để báo chí thực sự là báo chí cách mạng, là cánh tay nối dài truyền tải thông tin mà Đảng, Nhà nước, địa phương hướng đến người dân“, bà Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.
Bảo Anh