Bài, ảnh: MỸ THANH
Hành trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNÐMST), các startup không tránh khỏi những khó khăn, vấp ngã. Chính vì vậy, việc xây dựng và hình thành mạng lưới cố vấn dẫn dắt, hỗ trợ startup hết sức cấp thiết hiện nay. Nắm bắt nhu cầu này, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Sở KH&CN TP Cần Thơ vừa tổ chức Chương trình đào tạo cố vấn KNÐMST. Bám sát mục tiêu nâng cao năng lực, kỹ năng trở thành cố vấn KNÐMST, Chương trình đào tạo cố vấn KNÐMST được các học viên đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả mang lại sau khi tham dự.
Quang cảnh lớp học.
Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN, cho biết: “TP Cần Thơ ra mắt mạng lưới cố vấn KNÐMST TP Cần Thơ vào tháng 10-2022. Ðây là nền tảng quan trọng để TP Cần Thơ đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình xây dựng và phát triển mạng lưới cố vấn KNÐMST của thành phố. Từ đó đến nay, thành phố đã liên kết, mời gọi được nhiều chuyên gia, cố vấn trong và ngoài nước về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST thành phố. Song, nhu cầu tìm kiếm cố vấn kết nối, chia sẻ các nội dung về mạng lưới kinh doanh; kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng KNÐMST; hỗ trợ tài chính; truyền động lực để startup vượt qua khó khăn, đưa ra các quyết định đúng hiện nay rất lớn. Vì vậy, với khóa học này, chúng tôi hy vọng các giảng viên vốn nhiều kinh nghiệm giảng dạy và thực chiến có thể hỗ trợ cộng đồng startup về kiến thức, kỹ năng; đồng thời gây dựng, kết nối và hình thành mạng lưới cố vấn KNÐMST cho vùng ÐBSCL nói chung và TP Cần Thơ nói riêng”.
Chương trình đào tạo cố vấn khởi KNÐMST nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch số 135/KH-UBND ngày 30-6-2021 của UBND TP Cần Thơ về hỗ trợ phát triển hệ sinh thái KNÐMST TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình được thiết kế cho các giảng viên, chuyên gia, doanh nhân, các startups KNÐMST thành công hoặc có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên; lãnh đạo các đơn vị có các hoạt động KNÐMST. Theo đó, tham gia lớp học, học viên được trang bị kiến thức xoay quanh: phân tích và phác thảo chân dung mentor (cố vấn) và mentee (người được cố vấn); kỹ năng nền tảng trong mentoring; thiết kế chương trình trong các môi trường khác nhau; xây dựng môi trường mentoring; kinh nghiệm thực tiễn khi cố vấn; điều kiện tham gia hội đồng cố vấn khởi nghiệp ÐMST quốc gia…
Khóa đào tạo được kết hợp giữa các bài giảng cùng thảo luận nhóm giữa người học và giảng viên để đảm bảo các kiến thức của chương trình được áp dụng cũng như tùy chỉnh phù hợp riêng cho mỗi startup, nhà đầu tư, cố vấn, nhà quản lý. Chị Nguyễn Thị Tiểu Mi, Vườn ươm doanh nghiệp tỉnh Trà Vinh, Trường Ðại học Trà Vinh, chia sẻ: “Trước khi tham gia hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, tôi đã từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Trường Ðại học Trà Vinh tổ chức khi còn là sinh viên của trường. Chính vì vậy, tôi hiểu rõ được tâm tư, khó khăn, nguyện vọng của sinh viên khi bắt tay vào hành trình khởi nghiệp. Ðến với khóa đào tạo lần này, tôi có thêm nhiều kiến thức về cố vấn KNÐMST; nhận thức rõ hơn vai trò, tiềm năng, thế mạnh của mentor và mentee; các công cụ hỗ trợ KNÐMST… có thể ứng dụng thiết thực cho hoạt động hỗ trợ, cố vấn cho các bạn sinh viên, học sinh trong hành trình khởi nghiệp của trường”.
Học viên nhận giấy chứng nhận sau khi hoàn thành khóa học.
Với vai trò là người truyền cảm hứng và trực tiếp giảng dạy, ông Lý Ðình Quân, Phó Chủ tịch Hội đồng Cố vấn đổi mới sáng tạo quốc gia, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, cho biết: “Chúng tôi đã trực tiếp hỗ trợ cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước với nhiều nội dung liên quan đến hình thành hệ sinh thái KNÐMST. Và đến với Cần Thơ lần này, chúng tôi kỳ vọng góp sức để hình thành mạng lưới, cộng đồng mentor tại thành phố. Vai trò của mentor vô cùng quan trọng đối với sự thành bại của một dự án khởi nghiệp. Vì vậy, với kiến thức có được sau khóa học này các mentor cần có môi trường để trải nghiệm, tương tác nhiều hơn với mentee để đút rút kinh nghiệm, từ đó dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp không chỉ ở TP Cần Thơ mà lan tỏa ra các địa phương trong vùng ÐBSCL.