Được thiên nhiên ưu ái, ban tặng nhiều cảnh sắc hùng vỹ, người dân bản Phú Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) đang dần hình thành khu du lịch cộng đồng giữa đại ngàn Trường Sơn.
Thôn Phú Lâm có đa số đồng bào dân tộc Lào sinh sống.
Thôn Phú Lâm ở xã Phú Gia (Hương Khê) có 114 hộ dân với 425 nhân khẩu, trong đó 60 hộ với 227 nhân khẩu dân tộc Lào sinh sống. Đây là vùng đất được thiên nhiên ưu ái với nhiều cảnh đẹp hoang sơ.
Trong đó, thác Vũ Môn, thác Tiên (Khe Táy), vực Tùng… là những địa điểm lý tưởng cho du khách thích khám phá thiên nhiên. Do đó, Phú Lâm có tiềm năng rất lớn để đầu tư phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành điểm nghĩ dưỡng lý tưởng cho du khách, nhất là vào mùa hè.
Thác Tiên kỳ vỹ là điểm đến hấp dẫn du khách.
Phát huy lợi thế đó, bà con đồng bào nơi đây đã và đang hiện thực hóa khát vọng phát triển du lịch cộng đồng.
Niềm khát vọng ấy đang được tiếp thêm động lực khi tỉnh Hà Tĩnh lựa chọn bản Phú Lâm là một trong những điểm xây dựng thành mô hình du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững (theo Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2025 của UBND tỉnh Hà Tĩnh).
Thôn Phú Lâm hiện đã được công nhận khu dân cư kiểu mẫu, cảnh quan đẹp mắt.
Ông Lê Văn Hòe (Nai Hòe) – Trưởng thôn Phú Lâm phấn khởi chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy quê hương có nhiều cảnh quan kỳ vỹ, có lợn rừng, gà ri, cá suối hay chuối rừng và nhiều sản phẩm lâm sản phụ khác… đều là những đặc sản ẩm thực đặc trưng của đồng bào. Từ nhiều năm nay, giấc mơ của bà con thôn bản là phát triển du lịch để có thêm việc làm, thu nhập, vừa quảng bá được hình ảnh quê hương, văn hóa dân tộc đến với du khách.
Bởi vậy, khi có chủ trương mở khu du lịch sinh thái, bà con ai nấy cũng phấn khởi, đồng tình, nhất trí cùng Nhà nước để xây dựng mô hình. Đến nay, chúng tôi đang cùng chính quyền xây dựng khu bãi tắm Rào Trình; khởi công xây dựng nhà sàn làm dịch vụ lưu trú homestay, tạo cảnh quan thôn xanh, sạch, đẹp…”
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế và sự đồng lòng, vào cuộc của người dân, tuy nhiên là bản vùng sâu, để phát triển du lịch trên địa bàn Phú Lâm vẫn còn nhiều khó khăn, cần được hỗ trợ.
Rào Trình đang được quy hoạch trở thành bãi tắm phục vụ du khách.
Ông Trần Văn Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho hay, thực tế cơ sở hạ tầng giao thông đi lại vào thôn và các danh thắng còn khó khăn. Thôn Phú Lâm giáp biên giới Việt – Lào, cách thị trấn huyện 20km nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia phát triển du lịch cộng đồng.
Chất lượng sản phẩm du lịch hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt, điều kiện kinh tế của người dân còn có những khó khăn nhất định nên việc tự đầu tư về cơ sở vật chất, tạo môi trường cảnh quan phục vụ khách du lịch còn ít. Trình độ, kỹ năng còn hạn chế, nên người dân làm du lịch còn thiếu các kỹ năng phục vụ, giao tiếp với du khách…
Để giải quyết những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Đặng Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, huyện Hương Khê đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Riêng bản Phú Lâm là 1 trong những mô hình thí điểm xây dựng du lịch cộng đồng của tỉnh theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững.
Thời gian tới, huyện tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư hạ tầng cho các điểm du lịch tại Thác Khe Táy; vực Tùng; hang Dơi; rào Trình và tuyến đường du lịch sinh thái, mạo hiểm khám phá thác Tiên, thác Vũ Môn…
Tại Phú Lâm hiện nay đã nuôi thành công cá tầm, trong tương lai sẽ là sản phẩm ẩm thực phục vụ du khách.
Đặc biệt, một trong những định hướng quan trọng của huyện Hương Khê trong phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở Phú Lâm là đề cao sự tham gia của người dân và đưa bà con làm chủ thể phát triển du lịch. Theo đó, địa phương sẽ chú trọng hướng dẫn, đào tạo để người dân có các các kỹ năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý du khách. Nâng cao trình độ cho các hộ làm du lịch dịch vụ lưu trú, homestay, làng nghề truyền thống đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách.
Đồng thời liên kết chặt chẽ về quyền lợi và nghĩa vụ giữa Nhà nước, người dân tham gia làm du lịch, doanh nghiệp và nhà tư vấn. Huyện cũng phối hợp với các ngành tổ chức đào tạo, định hướng cho người dân (cách làm, về các kỹ năng nghiệp vụ phục vụ khách du lịch như: lễ tân, bàn, bar, bếp, hướng dẫn du lịch… kể cả vấn đề quản lý, phân chia lợi ích trong phát triển du lịch cộng đồng).
Lãnh đạo huyện Hương Khê tổ chức khảo sát, xây dựng phương án phát triển du lịch cộng đồng tại Phú Lâm
Ngoài ra, đề xuất các chính sách khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng như các chính sách: thuế, cho vay vốn, đào tạo nhân lực…; hỗ trợ cộng đồng quảng bá sản phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ du lịch…
Cùng với khu du lịch cộng đồng Phú Lâm, thời gian qua, huyện Hương Khê đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn. Với những tiềm năng lợi thế, du lịch tour tuyến Hương Khê đã từng bước được hình thành, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm. Theo đó, huyện đã xây dựng các tour, tuyến du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa gắn kết hợp du lịch trải nghiệm nông thôn mới, tham quan, trải nghiệm các vườn bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây tại xã Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô; tham quan các sản phẩm chế tác từ cây dó trầm, xã Phúc Trạch; tham quan, check in tại đồi chè thôn Nam Trà, xã Hương Trà…; tham quan Bảo tàng nông cụ tại Trung tâm Phát triển Hương Bình… Cùng với đó là các di tích lịch sử văn hóa quốc gia ở Hương Khê như: Di tích đền Công Đồng, Sơn Phòng Hàm Nghi, đền Trâm Lâm, xã Phú Gia; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Sở Chỉ huy tiền phương, Tổng cục Hậu cần Đoàn 500, 559, xã Hương Đô… |
Dương Chiến – Anh Tấn