(Dân trí) – Sau 25 năm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, Mỹ Sơn trở thành một quần thể kiến trúc Chămpa với những nhóm tháp được bảo tồn nguyên vẹn, cùng kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú.
Khu đền tháp đổ nát được vinh danh di sản
Cách đây 25 năm, vào ngày 4/12/1999, khu đền tháp Mỹ Sơn được tổ chức Giáo dục – Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh Di sản văn hóa của nhân loại.
Đây là sự khẳng định cho những giá trị đỉnh cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của nền văn minh Chămpa từng phát triển rực rỡ trong lịch sử nhân loại. Là niềm tự hào lớn lao với nhân dân cả nước nói chung, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam, huyện Duy Xuyên nói riêng.
Từ một di tích bị tàn phá bởi thời gian và chiến tranh, khu đền tháp Mỹ Sơn ngày nay không còn là những tàn tích hoang phế mà đã trở thành một quần thể kiến trúc Chămpa với dáng vẻ ban đầu.
Tiêu biểu trong công tác bảo tồn là dự án tu bổ nhóm tháp G, thuộc chương trình hợp tác 3 bên giữa Chính phủ Italia, UNESCO và Việt Nam.
Năm 2011-2015, Viện Bảo tồn Di tích đã triển khai dự án trùng tu tháp E7. Ngoài ra, dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm đền tháp A, H, K tại khu di tích Mỹ Sơn cũng nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ Ấn Độ. Công trình xây dựng nhà trưng bày nghiên cứu giới thiệu Mỹ Sơn được tài trợ bởi tổ chức JICA của Nhật Bản…
Ông Nguyễn Công Khiết – Giám đốc Ban quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn – cho biết, từ những ngày đầu Mỹ Sơn khoác lên mình danh hiệu Di sản văn hóa thế giới, các cấp lãnh đạo đã xác định công tác bảo tồn phải đặt lên hàng đầu, bảo tồn nhưng không mâu thuẫn với phát huy, bảo tồn hiệu quả và phát huy tích cực.
Bảo tồn và phát huy đúng hướng phải là cách bảo tồn tối ưu nhất, hiệu quả nhất, sao cho di tích được giữ nguyên giá trị gốc, đảm bảo tính xác thực nhất trên cơ sở các nguyên tắc bảo tồn theo Công ước, Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Luật Di sản văn hóa Việt Nam.
Nhiều chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển được vạch ra, các nghiên cứu khoa học, trùng tu, khảo cổ được tiến hành đồng bộ. Trong đó, lấy công tác hợp tác quốc tế làm trọng tâm với nhiều chương trình, dự án.
“Chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng, có ý nghĩa nổi bật trong việc trùng tu di tích Chăm ở miền Trung Việt Nam, trở thành hình mẫu trùng tu trong cả nước. Không những vậy, các giá trị truyền thống về văn hóa phi vật thể, văn hóa truyền thống dân gian Chăm cũng được quan tâm, gìn giữ, đồng thời phục vụ du khách và đóng góp vào việc lan tỏa các giá trị văn hóa tinh thần của địa phương”, ông Nguyễn Công Khiết bày tỏ.
Mỹ Sơn là hình mẫu trong bảo tồn di sản
Ông Nguyễn Công Khiết cũng khẳng định, sau 25 năm nỗ lực không ngừng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản thế giới Mỹ Sơn đã có được những thành công vượt bậc, Mỹ Sơn phát triển theo hướng tích cực, bền vững.
Từ một vùng đất hoang vắng, một di tích bị bỏ quên trong suốt thời gian dài đổ nát của những bom đạn chiến tranh tàn phá, Mỹ Sơn đã bừng tỉnh, trở thành điểm sáng của công tác trùng tu, tôn tạo và thu hút khách du lịch.
Giá trị Mỹ Sơn ngày một quan trọng trong đời sống chính trị kinh tế – xã hội, là niềm tự hào của nhân dân, là sức mạnh mềm ảnh hưởng văn hóa đến bên ngoài.
Sự đóng góp của bao thế hệ, bao con người đến từ nhiều quốc gia đã dành tình yêu bao la cho di sản này, như kiến trúc sư Kazic, chuyên gia Italia, Ấn Độ… Họ đã cống hiến to lớn, bền bỉ và cả những hi sinh vì sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Việt Nam.
Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, những giá trị văn hóa phi vật thể của Mỹ Sơn cũng được chú trọng và phát huy.
Đội văn nghệ dân gian Chăm không ngừng phát triển, bổ sung các chương trình biểu diễn múa dân gian độc đáo. Những hoạt động này thu hút du khách, đồng thời gìn giữ và bảo tồn vốn quý văn hóa truyền thống, góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng của Mỹ Sơn.
Với những nỗ lực không ngừng, lượng du khách đến với khu đền tháp Mỹ Sơn đã tăng mạnh trong những năm qua, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm trên 10%. Điều này tạo nguồn lực quan trọng cho công tác quản lý, trùng tu, hoàn thiện hạ tầng và phát triển các loại hình du lịch mới, phù hợp với không gian di sản.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – cho biết, với những thành tựu đạt được của Mỹ Sơn trong suốt 25 năm qua, cần đưa ra những định hướng để khu di tích này tiếp tục phát huy kết quả đạt được.
Ở nước ta, duy chỉ có Quảng Nam là tỉnh có đến 3 danh hiệu thế giới được UNESCO công nhận, gồm 2 Di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn, cùng khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An.
Cả 2 Di sản văn hóa thế giới là đô thị cổ Hội An và khu Đền tháp Mỹ Sơn cùng được UNESCO công nhận vào ngày 4/12/1999. Điều đó càng thêm khẳng định chiều sâu văn hóa với nhiều đặc tính độc đáo, nổi trội, đậm đà bản sắc của mảnh đất Quảng Nam, là niềm tự hào của người dân thành phố Hội An và huyện Duy Xuyên.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ trong và ngoài nước, để tiếp tục đạt được những thành công lớn hơn trong bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa độc đáo này.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/du-lich/hinh-mau-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-di-san-van-hoa-my-son-20241212171414900.htm