Hình bàn chân trên đá (1)
Tôi đứng lặng người nhìn phiến đá
Lõm sâu hình bàn chân trong tủ kính bảo tàng
Quanh tôi vang lời ca năm nào ra trận
“Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn
Đá mòn mà đôi gót không mòn” [2]
Đá lõm ấy có vết chân anh bộ đội từ đồng bằng sông Hồng
Có Thanh niên xung phong và Dân công hỏa tuyến
Cùng các chiến sĩ công binh mở đường trong mưa bom, bão đạn
Và bàn chân cô văn công vác đàn đi vào phương Nam…
Vạn năm xưa, đá là nguồn phát ra tia lửa
Giúp con người qua cảnh ăn sống, nuốt tươi
Nhưng nay kẻ thù lại bắt ta quay về thời đồ đá
Đá đã thành điểm tựa để băng đèo
Kịp đến với chiến trường diệt kẻ thù hiểm độc.
Triệu bàn chân bước qua, thành hõm sâu viên đá
Hai mươi mốt năm hành quân ròng rã
Canh cánh lời Bác dặn dò:
Dù phải đốt Trường Sơn
Cũng quyết giành tự do, độc lập!
Em đau đáu nhìn viên đá
Khóe mắt rơi dòng lệ
Thầm tri ân hàng vạn người
Băng qua đá, chết vùi trong đá
Để non sông này có những mùa hoa! [3]
____________________
(1) Hòn đá in dấu chân người. Theo đó tại Trạm giao liên T6 (Quảng Bình), do địa hình, hàng vạn cán bộ, chiến sỹ đi qua đều phải đặt chân lên hòn đá này và đã để lại dấu chân, năm 1959 – 1975.
[2] Ca khúc của Nhạc sĩ Vũ Trọng Hối.
[3] Sau 21 năm chống Mỹ cứu nước với bao gian khổ, hi sinh, dân tộc ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất Tổ quốc.
Kỷ niệm 65 năm mở đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại
(19/5/1959 – 19/5/2024)
Nguyễn Hồng Vinh
Nguồn: https://www.congluan.vn/hinh-ban-chan-tren-da-post295720.html