XEM VIDEO:
Sáng 21/5, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng trưởng đoàn các nước khách mời đến thăm Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima, tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Tại đây, trưởng đoàn các nước khách mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng được nghe giới thiệu về vụ đánh bom nguyên tử tại Hiroshima làm 140.000 người chết, trong đó nhiều nạn nhân là trẻ em.
Các đại biểu nghe lại câu chuyện về thời điểm đánh bom có một trường cho trẻ em đi lao động công ích trên đường phố; xem tranh vẽ về trẻ em bị bỏng cháy trong vụ đánh bom; kỷ vật xe đạp trẻ em; câu chuyện về trẻ em chết do nhiễm phóng xạ…
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio mời trưởng đoàn các nước khách mời, trưởng các tổ chức quốc tế thăm Bảo tàng tưởng niệm hòa bình. Tại đây, các trưởng đoàn xem mô hình điện tử thành phố Hiroshima trước và sau khi bị đánh bom phá hủy; xem một số bức tranh về thành phố bị tàn phá cũng như những hiện vật còn sót lại sau vụ đánh bom.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các trưởng đoàn ký sổ lưu niệm. Sau đó, các trưởng đoàn đến khu vực đài tưởng niệm Hòa bình và đặt vòng hoa tại bia tưởng niệm các nạn nhân vụ đánh bom nguyên tử.
Chuyến thăm của các khách mời tới bảo tàng tưởng niệm hòa bình Hiroshima có ý nghĩa đặc biệt, khi đây là nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945.
Việc Nhật Bản chọn thành phố Hiroshima làm nơi tổ chức hội nghị nhằm khẳng định mục tiêu chính trị về một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Đây cũng là lần đầu tiên thành phố này đăng cai sự kiện lớn nhất và quan trọng nhất trong năm của G7.
Mái vòm bom nguyên tử đứng sừng sững trong Công viên tưởng niệm hòa bình Hiroshima như lời nhắc nhở về sức hủy diệt và tổn hại mà vũ khí hạt nhân gây ra.
Với những ý nghĩa đó, Hiroshima được lựa chọn để tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 và Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio từng cho biết Hiroshima được lựa chọn nhằm tập trung sự chú ý của các nước vào vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân. Từ đó, các nhà lãnh đạo G7 gần như được chứng kiến tận mắt hậu quả của việc sử dụng bom nguyên tử.
Đây cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản tại hội nghị, nhằm “xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân”, với nền tảng của các nỗ lực chung là sự tin tưởng lẫn nhau và sự minh bạch của các quốc gia đang sở hữu vũ khí hạt nhân. Hiroshima đang nỗ lực để được nhìn nhận là một thành phố hòa bình và văn hóa quốc tế với 3 trụ cột là “thành phố lan tỏa hòa bình ra thế giới”, “thành phố sôi động và cởi mở với quốc tế” và “thành phố văn hóa đậm tình người”.
Thu Hằng (Từ Hiroshima, Nhật Bản)