Đồng bằng Bắc Bộ là vùng đất lịch sử lâu đời, là cái nôi hình thành văn hóa, văn minh của người Việt. Đây cũng là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước, người dân sống hiền hòa với thiên nhiên, chịu nhiều ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, Nho giáo, nặng ân tình, tin vào nhân quả, coi trọng thứ bậc trong gia đình xã hội…
Trên nền tảng điều kiện tự nhiên và xã hội đó, mà cảnh quan, nếp sống của cư dân ở các làng quê Bắc Bộ dần được hình thành. Cảnh quan của làng Bắc bộ thường có lũy tre, cổng làng, đường làng, nhà ở và các công trình tôn giáo như: đình, chùa, miếu, phủ…
Ở các làng quê Bắc bộ, hình ảnh cây đa cổ thụ tượng trưng cho sự trường tồn của thời gian, chứng kiến sự đổi thay của con người, của đất trời. Những cây đa thường được trồng ở đầu làng, cuối làng, giữa làng hay ở bên cạnh các di tích: đình, đền, chùa trong làng. Làng quê Bắc bộ có nhiều kiểu kiến trúc độc đáo như: những chiếc cầu ngói, cầu gạch, cầu xây bằng đá.. trước khi vào làng.
Làng quê là chiếc nôi hình thành, phát triển, nuôi dưỡng, truyền lại những giá trị văn hoá Việt Nam từ hàng nghìn năm. Ở nông thôn, con đê trở thành chốn sinh hoạt văn hóa, là nơi hóng mát, chăn trâu, thả diều…, là cả ký ức tuổi thơ.
Miền Bắc Việt Nam được xem là cái nôi lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc với bề dày lịch sử vô cùng ấn tượng. Tại miền Bắc có những ngôi làng cổ xưa trải qua biết bao thăng trầm của các giai đoạn lịch sử nhưng vẫn giữ được nét đẹp cổ kính vốn có.
Mặc dù miền Bắc Việt Nam đã và đang phát triển vô cùng mạnh mẽ cùng với sự hiện đại như ngày nay, nhưng đâu đó, những làng quê cổ vẫn lưu giữ được vẻ đẹp xưa, tồn tại qua biết bao thế hệ. Hình ảnh đẹp về làng quê Bắc Bộ có lẽ sẽ không thể phai mờ trong mỗi người con sinh ra ở nơi đây…/.
Tạp chí Heritage