Hiệu ứng bình minh là tình trạng đường huyết tăng bất thường vào sáng sớm, thường là từ 3 đến 8 giờ sáng. Vào buổi sáng, cơ thể chuẩn bị thức dậy và giải phóng lượng lớn hoóc môn. Những hoóc môn này có thể hoạt động chống lại insulin. Điều này làm tăng lượng đường trong máu, gọi là hiệu ứng bình minh hay hiện tượng bình minh, theo trang tin sức khỏe Livestrong (Mỹ).
Tiến sĩ Jeff Stanley, chuyên gia bệnh tiểu đường tại Mỹ, cho biết ở người bình thường, hiện tượng tự nhiên này không gây ảnh hưởng tới sức khỏe do cơ thể tự sản xuất một ít insulin để khắc phục.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhân tiểu đường, cơ thể không có đủ insulin nên sẽ gặp các triệu chứng của lượng đường trong máu cao. Các triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn, nôn, ngất xỉu, mệt mỏi, đói hoặc khát dữ dội…
Cách để người bệnh tiểu đường kiểm soát hiệu ứng bình minh
Có 4 cách sau:
Kiểm tra lượng đường máu thường xuyên
Kiểm tra lượng đường trong máu tại 3 thời điểm: trước khi đi ngủ, giữa đêm và khi vừa thức dậy.
Nếu lượng đường trong máu cao vào ban đêm, có thể do ăn tối quá muộn hoặc do thuốc trị tiểu đường.
Nếu lượng đường trong máu cao vào buổi sáng, có thể liều lượng thuốc được dùng trước đó đã hết tác dụng. Trong trường hợp này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc thay đổi liều lượng hay thời gian tiêm.
Tập thể dục
Tập thể dục vào buổi chiều hoặc buổi tối, đặc biệt là sau bữa ăn, có thể có tác động tích cực đến lượng đường trong máu vào sáng hôm sau.
Lựa chọn thực phẩm
Lên kế hoạch trước cho các bữa ăn để đảm bảo lượng đường trong máu ổn định trong ngày.
Tiến sĩ Stanley nói: Ăn theo chế độ ít carb, nhiều chất béo với nhiều loại rau không chứa tinh bột, như rau bó xôi, xà lách và bông cải xanh, có thể giúp bình thường hóa lượng đường trong máu suốt cả ngày.
Bên cạnh đó, có thể ăn tối sớm hơn và tránh ăn vặt nhiều carb vào buổi tối.
Ngủ đủ 6–8 tiếng mỗi đêm
Ngủ ít nhất 6 tiếng và đi ngủ sớm có thể giúp giảm nồng độ cortisol trong cơ thể, điều này có tác động tích cực đến mức insulin và cải thiện chỉ số đường huyết, theo Livestrong.