Để có kinh phí mua máy tính, bàn ghế, xây dựng cơ sở vật chất, lãnh đạo trường ở huyện Anh Sơn (Nghệ An) vào từng nhóm Zalo mỗi lớp học, nhắn tin vận động tài trợ.
Hiệu trưởng nhắn tin kêu gọi tài trợ
Chị N.H.M. có con học tại Trường THCS Đỉnh Sơn (xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) cho biết, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học, cô giáo chủ nhiệm và hiệu trưởng trường thông báo 11 khoản thu của cả năm học, nhấn mạnh khoản “vận động tài trợ” 350 nghìn đồng/học sinh.
Ngoài ra, hiệu trưởng Trường THCS Đỉnh Sơn còn tham gia tất cả các nhóm Zalo của phụ huynh từng lớp, chủ động nhắn tin kêu gọi tài trợ giáo dục.
“Vận động tài trợ phải tự nguyện nhưng nhà trường đưa ra mức thu 350 nghìn mỗi em là tự ấn định. Hiệu trưởng, giáo chủ nhiệm đều mong muốn phụ huynh đóng đầy đủ. Năm nay không đủ, tiếp tục sang năm sau vận động. Số tiền vận động tài trợ giáo dục tuy không lớn nhưng cộng các khoản thu khác khiến nhiều phụ huynh áp lực”, chị M. bộc bạch.
Còn tại Trường Tiểu học Đỉnh Sơn, mỗi phụ huynh có con học lớp 1 được yêu cầu đóng 270 nghìn đồng để mua tivi loại hơn 10 triệu đồng/chiếc phục vụ cho giáo viên giảng dạy. Việc làm này cũng khiến nhiều người không đồng tình.
Phụ huynh Đ.T.V. có con vừa vào lớp 1 trường này cho rằng cha mẹ cho con đến trường chỉ cần đóng các khoản thu theo quy định, không có trách nhiệm mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học.
“Nhà trường không có tivi không có nghĩa là bắt phụ huynh phải mua sắm. Những phụ huynh tự nguyện hỗ trợ, tài trợ kinh phí cho nhà trường là việc cá nhân”, chị V. bày tỏ.
Cũng tại huyện Anh Sơn (Thanh Hóa), Trường THCS Hoa Sơn (xã Hoa Sơn) có 13 khoản thu đầu năm học, với tổng số tiền gần 4,3 triệu đồng, bao gồm khoản hỗ trợ giáo dục 500 nghìn đồng, học thêm 1,6 triệu đồng, photocopy đề thi 100 nghìn đồng…
Nhiều phụ huynh ở trường này cùng phản ánh, việc đóng tiền mua tivi giống như kiểu bị “ép”.
“Đã xin phép phòng GD-ĐT”
Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Hữu Hồng – Hiệu trưởng Trường THCS Đỉnh Sơn cho biết, năm nay, nhà trường đã trình phòng GD-ĐT huyện xin phép vận động tài trợ khoảng 155 triệu đồng từ tổng số gần 500 học sinh.
Số tiền dự kiến sẽ dùng mua 6 bộ máy tính hơn 50 triệu đồng; 50 bộ bàn ghế học sinh 62 triệu đồng; tu sửa nhà vệ sinh, hệ thống điện, bóng đèn 15 triệu đồng và trả nợ năm học trước 27 triệu đồng.
“Nhà trường không đưa ra mức vận động cụ thể, chỉ mong muốn đạt kế hoạch đề ra. Nhóm Zalo của tất cả các lớp tôi đều tham gia. Việc giáo viên đưa ra mức vận động 350 nghìn mỗi em là sai. Tôi sẽ kiểm tra lại. Giáo viên ghi thế là không đúng với tinh thần vận động tài trợ”, ông Hồng bày tỏ.
Còn ông Trần Văn Phú, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đỉnh Sơn thừa nhận, năm học mới có 4 lớp 1 vừa góp tiền mua ti vi phục vụ dạy học. Đây là đề xuất của giáo viên khi họp phụ huynh.
“Chương trình dạy học mới nên việc góp mua tivi diễn ra từ năm 2020 cho đến nay. Mỗi tivi có giá hơn 10 triệu đồng. Nhà trường hỗ trợ bảng, dây mạng, điện và internet khoảng 3 triệu đồng”, ông Phú thông tin.
Ông Nguyễn Công Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoa Sơn cho biết, đầu năm học này, nhà trường đề xuất vận động tài trợ 160 đến 170 triệu đồng nhằm chi các hạng mục xây dựng cơ sở vật chất, phục vụ học sinh.
Ông Thủy không thừa nhận việc phụ huynh có con học lớp 6 phải góp 500 nghìn đồng/học sinh. Theo ông, việc đóng góp tài trợ là tự nguyện của nhân dân.
Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn (Nghệ An) Đoàn Văn Thanh cho biết, các phòng ban của UBND huyện đang thẩm định các khoản thu từng trường, sau đó tham mưu để huyện Anh Sơn cho phép mức thu theo thoả thuận.
“Với hoạt động tài trợ giáo dục, phòng đang duyệt kế hoạch, chưa có trường trường nào triển khai. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại sau phản ánh. Nếu sai sẽ phải dừng để xử lý”, ông Thanh khẳng định.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/hieu-truong-vao-tung-nhom-zalo-moi-lop-van-dong-tai-tro-dau-nam-hoc-2332538.html